Những con khỉ, vượn, voọc, sơn dương, mèo rừng, báo hoa, hổ nguyên con... được ngã giá hàng trăm triệu với... khách sộp (nhóm nhà báo hóa trang). Họ cứ như mua bán con cá mớ rau. Không biết, một ngày có bao nhiêu ông ba mươi - "chúa sơn lâm" bị xẻ thịt nấu cao ở Việt Nam...
Khi hẹn gặp và bí mật ghi hình, mới ngã ngửa, cái gì “con buôn” rao bán thú hoang trên mạng xã hội cũng... là sự thật. Bằng các biện pháp điều tra được phép sử dụng, chúng tôi tình cờ biết được Hồ Sỹ N. là 1 tay buôn bán “hàng cấm” gồm nhiều loại động vật rừng trong danh mục “sách đỏ” quý hiếm. N. có thể cung cấp cả hổ cho khách hàng. Tuy nhiên, “hàng nguy hiểm” và đắt đỏ này, anh ta không dại gì mà trữ ở nhà mình.
Thỉnh thoảng, công an lại bắt được vài chục con linh trưởng (khỉ, vượn, voọc) đã sấy khô trên các chuyến xe khách đường dài. Vấn đề không phải là ai đó đi săn được thú rồi sấy và đem về dùng dần, càng không phải là cuộc kiểm tra bình thường chợt phát hiện ra hàng “quốc cấm”. Mà chúng là những đường dây hoàn hảo, cơ quan điều tra đã rất công phu để xâm nhập vào một vài mắt xích như thế. Cụ thể, “bài” của họ thường là liên lạc, điều hành đường dây thông qua mạng xã hội, điện thoại, phổ biến nhất là zalo. Họ gửi hình ảnh hàng cho nhau, kèm theo cả clip rất rõ, nếu có ôtô hay mặt người thì họ thường che giấu bớt để khỏi bị nhận ra. Riêng N. thì “khiêng” cả mặt nhân vật lên mạng xã hội mà khoe, bán thú rừng như bán lợn, bán gà. Rồi tiền gửi qua tài khoản hoặc trao tay ở 1 địa điểm khác. Nếu bị bắt giữ lúc trao tiền, cũng không ai trông thấy tang vật.
Xác động vật đông lạnh, hoặc sống nguyên con, hoặc đã sấy khô còng queo (dùng để nấu cao) cũng được vận chuyển trên xe khách đường dài. Dĩ nhiên, nhà xe quen và biết rõ mình đang chở gì. Nếu chẳng may bị bắt, nhà xe sẽ nói là không biết mình đang chở hàng cấm. Không rõ người gửi và càng không biết người nhận sẽ là ai. Họ chỉ nói là từ số điện thoại (sim rác) này sẽ có người gọi và nhận, đúng số là trao hàng. Khi chở những ông hổ, ông gấu với “đơn hàng” tiền tỉ, thì họ thường phải “báo” đến các điểm kiểm soát tha hóa, đúng giờ đó, ca trực của người đó, thì ung dung mà đi qua. Vì các lẽ kiểu đó, nên giá 1 ki lô gam thịt hổ, xương hổ hay vọc vượn đều bị đội cao hơn rất nhiều so với giá ở “kho hàng”. Giới buôn gọi đó là tiền “rải đường”.
Trở lại câu chuyện với N. ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Dù “quảng bá” hàng của mình ở khắp nơi trên “trời cao” (mạng internet), có vẻ cầu thị bán, mua lắm, nhưng để gặp trực tiếp N. thì không dễ tí nào. Trên zalo của mình, N. và đồng bọn đưa hình gã đàn ông ở trần, đeo đến vài chục cái vòng với chi chít các nanh, răng động vật bịt vàng bạc, cái nào cũng cong vút, có khi to bằng ngón chân cái. Họ rao bán các sản phẩm đó. Đấy là chưa kể cả 1 gian nhà toàn sừng động vật rừng châu Phi, nhiều loài vật bị cắt cổ, cưa sừng, chặt gạc còn đỏ máu. Trước khi gặp và sau thời gian dài “theo dõi” zalo của N., chúng tôi vẫn đôi lúc không dám tin những gì N. gửi cho “khách hàng” là sự thật. Cứ ngỡ anh ta “tán gẫu” cho vui, cho đến lúc “vén mây trông tỏ mặt giời”.
N. chấp nhận gặp chúng tôi, kể từ khi H. - anh trai của N. buôn bán sản phẩm động vật hoang dã ở Hà Nội “tiến cử” với N. 1 món khách sộp (lúc đó chúng tôi vào vai 1 kẻ chức tước lắm tiền mua động vật về làm quà Tết và “bồi bổ”). Chúng tôi bỏ tiền ra mua vài đồ mỹ nghệ lưu niệm ở cửa hàng của anh trai N. ở Thanh Oai, Hà Nội. Sau nhiều lần giao dịch, H. đưa chúng tôi vào 1 “hang ổ” có đến hàng nghìn sừng động vật rừng châu Phi. Khách mua về để trưng bày như đồ mỹ nghệ, hoặc chặt nhỏ ra nấu cao. Sau vài “giao dịch” kiểu “bánh đúc bày sàng” của chúng tôi, anh trai N. mới hí hửng bật điện thoại để chúng tôi nói chuyện trực tiếp với “chú em” ở quê. Do nắm được luật pháp, do đề phòng kín kẽ mọi nhẽ, nên họ luôn có lý luận “chúng tôi buôn bán những phần thi thể động vật rừng thật đấy. Nhưng nó là thứ hợp pháp, bên châu Phi họ bắn bớt vì nó đông quá (?), họ ăn thịt, còn đầu lâu, xương sọ thì cho lên tàu biển “xuất” sang Việt Nam. Việc trân trọng trưng bày chúng hoặc nấu cao toàn bộ để thi thể chúng vẫn giúp ích bồi bổ sức khỏe cho con người...”
Tất cả các đại gia buôn hàng container phần thi thể thú rừng đó đều rất khôn khéo. Trong các giao dịch với chúng tôi, họ nói thẳng việc cơ quan chức năng kiểm tra thì phong bì ra sao. Tạm thời ta không nên bình luận về “dư luận” rất dễ hiểu này. Nhà lầu, xe hơi của họ có được từ việc buôn bán, chế tác sản phẩm động vật hoang dã. Nhưng họ bảo họ làm ăn tương đối hợp pháp. Riêng nhắc đến thịt, xương hổ, gấu, báo thì họ đều từ chối khéo. Nói là tôi không buôn, buôn cái đó nguy hiểm. Rồi thòng thêm 1 câu “tự hiểu”: “Nhưng nếu các anh lấy hổ, gấu, báo thì em có nguồn. Có thể nhờ người chuyển đến được”.
Chúng tôi vờ hỏi mua khỉ về làm thịt và nấu cao toàn tính. Vì cao hổ thì chúng tôi (trong vai 1 người có chức có quyền) được biếu xén quá nhiều rồi. Giờ thích cao khỉ để chữa bệnh. N. khẳng định: “Thịt mấy con khỉ thì quá bình thường. Đến sừng tê giác, ngà voi em còn cấp cho anh được, đơn hàng cả trăm triệu chứ loại mấy trăm ngàn đồng (1 kilô gam) thì có nghĩa lý gì. Em có khỉ, vượn, voọc sống nguyên con. Anh làm thịt cấp đông trong tủ đá hoặc đem lũ khỉ còn sống về cũng được. Số lượng bao nhiêu cũng có. Em gửi hình cả đàn khỉ qua zalo cho anh xem. Khỉ thì không thể làm giả được, nhất là khỉ đang sống”. Quả thật, sau này giao dịch mới biết, nhà N. đầy khỉ. Anh ta cam kết đem đàn khỉ rừng ra tận Hà Nội, mang theo cả hiệp thợ nấu cao tại nhà cho chúng tôi.
Chúng tôi vào nhà N., ngay ven Quốc lộ 1, cách cầu Yên Lý nổi tiếng của huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) không xa. Khi rước khách vào nhà, N. không tỏ ra nghi ngờ gì nữa. Bao nhiêu bí quyết nhà nghề bộc lộ hết. “Anh mua khỉ sống nguyên con hay hổ sống thì rất đắt. Khỉ sống nguyên con giá 600 nghìn đồng/kg (“chợ đen”), khỉ trong các thùng trữ đông khổng lồ nằm la liệt ở nhà N., thì hơn 300 nghìn đồng/kg sau khi đã làm thịt. “Khỉ sống đắt hơn vì khi vận chuyển, nó hay kêu ầm ĩ, dễ lộ. Thứ hai là trong quá trình vận chuyển, chúng nháo nhác vật lộn, mất sức, bị hao cân rất nhiều”.
N. đem ra cho chúng tôi xem la liệt động vật chết, đã cấp đông lưu cữu. Chúng tôi đếm, có đến 8 tủ đông nằm trong khu vực mà N. dẫn chúng tôi vào xem hàng. Anh ta mở tủ, xách ra mấy bao tải rồi cởi dây buộc, dốc “uỵch” ra nền xi măng vài xác khỉ nguyên vẹn, sau khi đã vặt lông, moi ruột, thui vàng. Lũ khỉ nằm co quắp giống hệt những... hài nhi. Lại “uỵch” xuống sàn 1 con linh trưởng nguyên lông, nửa trắng nửa đen, N. nói đó là “vượn bạc má”. Hang ổ sực mùi tử khí này, đúng là không dành cho người yếu tim! N. bảo, linh trưởng còn sống nhốt sau nhà, nhưng anh ta chỉ gửi video qua zalo cho tôi, chứ không cho ra xem.
Chúng tôi ngỏ ý hỏi mua, N. cam kết và thẳng thắn: Cứ về Hà Nội, cược ít tiền, em sẽ cho xe khách chở ra tận bến xe Nước Ngầm hoặc bến Mỹ Đình. Chở gì cũng được và bao nhiêu cũng được, ngày nào cũng được. “Đó là nghề của em. Với hổ hay tê giác, vận chuyển thì mới phức tạp, chứ những con “thông thường” như khỉ, vọc, vượn hay sơn dương, thì quá đơn giản”.
N. tiết lộ, hầu hết hàng N. có là mang từ Lào về. Hổ cũng vậy, anh ta có hàng nhưng không để ở nhà hay kho “công khai” với khách hàng được, vì đó là “hàng cấm” đặc biệt. Thậm chí, anh ta kể, ở nơi nuôi hổ, họ đào cả hầm kín để chăm sóc hổ và bán với giá siêu lợi nhuận. Dường như N. biết, các con thú rừng như khỉ, vượn, vọc, linh dương... đều là loài bị cấm khai thác trong tự nhiên, cấm buôn bán sử dụng để nấu cao hay ăn thịt theo cái cách mà chúng tôi đang giao dịch. Nhưng N. cũng biết cách để nếu bị “cài” bắt, thì anh ta vẫn vô tội hoặc tội rất nhẹ. Vì thế, khi hỏi đến hàng “nguy hiểm”, N. luôn nói, để ở chỗ khác, sẽ giao dịch tiếp khi tin nhau nhiều hơn.
Bình luận (0)