Trưa trật. Nắng chói chang. Ông Ngô Hữu Chánh (60 tuổi; ngụ thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn còn chăm cây ngoài vườn. Hỏi chuyện, ông cười: "Thì cứ làm quần quật. Hết chăm đàn heo chuyển sang chăm gà, chăm dế rồi bơm nước, bón phân cho vườn nhãn, vườn bưởi chứ có rảnh rỗi hồi nào đâu".
Hết đồng gần đến đồng xa
Đưa tay chỉ đồng Cây Trâm và đồng Ba Dây, ông Chánh nói: "Tính ra, giờ tui vẫn cứ vất vả. Tui vẫn là thợ cày nhưng so thời trẻ thì thấm tháp gì".
Rồi ông tiếp: "Hồi trước, mình tui với con trâu, mùa nối mùa cày thuê trên 2 cánh đồng này, tính ra mỗi năm đến hơn 2 tháng. Ngày mùa, từ lúc rạng sáng, tui đánh trâu ra đồng, mắc ách rồi cày đến trưa trật mới thả cho trâu nhai cỏ, rồi vội về nhà làm xổi vài bát cơm để chiều cày tiếp. Nhiều người thấy tui cày dữ quá nên gọi vui là "vua thợ cày" hoặc ghép tên tôi với chữ cày, thành Chánh cày".
Cha mẹ cho ông sức vóc khỏe mạnh. Bằng chứng là thời trẻ, ông làm quần quật nhưng có "xi nhê" gì. Năm 28 tuổi, ông lấy vợ, sinh con nhưng rồi cuộc sống vẫn cứ thiếu hụt. Có người trong xóm rủ ông cùng "Nam tiến", biết đâu đổi đời.
Nghe đổi đời đối với người khổ, ai chẳng khoái. Nhưng liệu lạ nước lạ cái, quen cày ruộng giờ chuyển sang làm "thợ đụng" nơi phố phường liệu có được không? Ông ngần ngại. Cũng thời điểm đó, HTX Nông nghiệp Hành Minh thấy trồng điều ở vườn Đình rơi vào cảnh đúng là… tiêu điều nên quyết định phá, cho dân thuê đất lâu dài để sản xuất. Ông chớp thời cơ, thuê 2 ha rồi dời nhà từ ven đường liên huyện Nghĩa Hành - Ba Tơ lên khu đất này ở luôn.
Nghe ông thuê đất, nhiều người lo ngại. Đất xấu thì HTX mới đem trồng đào, nay thuê rồi trồng cây và chăn nuôi liệu có đủ tiền trả cho HTX? Nghe họ nói, ông cũng lo nên càng cố gắng.
Đất trồng điều mới phá, ông trồng mì, trồng ổi. Mì lên xanh, tốt bời bời nhưng giá bán rẻ quá. Trồng ổi thì thường bị dòi đục nên tiền bán sản phẩm thu về chẳng nhằm nhò gì. Ông hiểu, chăm làm là điều kiện cần nhưng chưa đủ, còn phải tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Chuyến đi bổ ích
Năm 2016, khi đã được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, ông được Hội Nông dân Quảng Ngãi cho đi tham quan Nhật Bản.
Chuyến đi đó mang lại cho ông thật nhiều điều bổ ích. Ông kể: "Trong chuyến đi, đoàn đến tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hạn chế sử dụng phân hóa học, thay vào đó là sử dụng phân hữu cơ nên đất đai tơi xốp và sản phẩm an toàn".
Khi ngang qua vùng núi Phú Sĩ trong buổi sáng, ông thấy cánh đồng trồng đậu tương chỉ toàn đậu chứ không có bóng người, nhưng khi trưa về đã thấy chúng được tém hàng ngay ngắn. Hỏi phiên dịch, họ bảo đất nước "Mặt trời mọc" này thực hiện cơ giới hóa lâu rồi. Ông hiểu rằng chỉ có cơ giới hóa mới làm ăn hiệu quả được.
"Trăm nghe không bằng một thấy", nhưng thấy rồi thì lại không khỏi ưu tư. Ở huyện Nghĩa Hành quê ông, phong trào cơ giới hóa cũng đã thực hiện lâu rồi. Nhưng người ta sắm máy gặt đập liên hợp, máy cày thì cũng để làm dịch vụ chứ có mấy ai dám đầu tư mua máy trên vài chục triệu hoặc cả trăm triệu đồng đem về tự làm cho nhà mình đâu. Bởi lẽ, tốn nhiều tiền mà đất đai quê nhà thì hạn hẹp quá.
Cũng trong chuyến đi Nhật, ông bị thu hút bởi thấy người ta nuôi heo nhưng làm chuồng trên cao chứ không sát ngay mặt đất. Làm như thế thì việc vệ sinh chuồng trại rất dễ dàng. Đồng thời, các trang trại chăn nuôi trên đất Nhật đều thực hiện tiêm vắc -xin cho gia súc, gia cầm đúng định kỳ. Người đến tham quan đều phải tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường chăn nuôi.
Thế là sau chuyến tham quan trở về, ông quyết định mua một chiếc máy làm đất đa dụng. Chuồng trại chăn nuôi thì ông sửa lại theo kiểu nền chuồng trên cao và ông tự học để tiêm vắc -xin định kỳ cho gia súc, gia cầm. Nhờ làm tốt các khâu, nhất là vệ sinh môi trường, nên đến giờ, khi nhiều hộ chăn nuôi kêu trời vì dịch tả heo châu Phi thì đàn heo nhà ông vẫn an toàn.
Từ lâu, ông trung thành với việc chăn nuôi heo khép kín. Nghĩa là nuôi 50 heo nái, thường mỗi năm đẻ ra khoảng 300 heo con, đem nuôi mỗi con trên một tạ mới bán. Bầy heo đông như thế, phải quần quật cả ngày nhưng ông vẫn nuôi thêm dế, gà.
Ông Ngô Hữu Chánh cùng vợ bận rộn trong trại chăn nuôi và vườn cây ăn trái của gia đình
Cuộc sống mỉm cười
Đưa tôi ra vườn có nhiều cây bưởi trĩu quả, những cây nhãn xuồng cơm vàng trái oằn cành, ông Chánh kể: "Những cây này được trồng sau khi thuê đất trồng ổi, trồng mì không hiệu quả. Hồi đó, tui nghe có người trồng cam, bưởi sai quả nên cất công vào Viện Giống cây trồng miền Nam ở Tiền Giang để mua. Rồi trung tâm khuyến nông triển khai mô hình trồng cây ăn trái, tui cũng tham gia trồng nhưng trái không nhiều. Sau khi đi tham quan về, tui sửa sang lại, ủ phân chuồng để trồng nên đất tơi xốp, cây cho trái sum suê".
Ông bộc bạch: "Mình chỉ học đến cấp 2 rồi nghỉ nên phải cố gắng học hỏi kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Phải qua nhiều năm mới hiểu sản phẩm tốt là một chuyện nhưng còn phải thích ứng với thị trường".
Năm 2011, ông quyết tâm làm ăn, mạnh dạn vay vốn mua 20 con đà điểu về nuôi. Sau 1 năm bỏ sức, bỏ công chăm bẳm, mỗi con đã nặng trên 1 tạ. Nhưng rồi khi ông đem bán thịt đà điểu thì chỉ dân nhậu mua về nhậu chơi cho biết, chứ làm thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày thì họ lắc đầu nên giá bán cũng chỉ 40.000 đồng/kg, lỗ te tua.
Rồi cuộc sống cũng mỉm cười. Như năm ngoái, ông thu từ chăn nuôi, trồng trọt được 700 triệu đồng - mức rất cao so với thu nhập của hầu hết nông dân trong tỉnh.
Công dân tiêu biểu
Cả đời nhọc nhằn, bây giờ cuộc sống đã khá và 2 con cũng đã lập gia đình, vợ ông - bà Võ Thị Nga - bảo chồng bớt làm đi. Ông cười: "Cả đời làm lụng quen rồi nên nghỉ ngơi một vài bữa là ngứa ngáy chân tay. Vả lại, làm có hiệu quả thì ham lắm".
Cũng như nhiều người cả đời gắn bó với quê nhà, khi có của ăn của để, ông tích cực tham gia đóng góp tiền xây dựng đường giao thông, xây dựng Quỹ Tình thương ủng hộ người nghèo. Nhờ chăm làm nên ông được bầu là nông dân sản xuất giỏi cấp huyện, cấp tỉnh và được Thủ tướng tặng bằng khen. Mới đây, ông được chọn là 1 trong 9 công dân tiêu biểu năm 2018 mà tỉnh Quảng Ngãi dự kiến tổ chức vinh danh trong năm nay.
Muốn gặp ông, cứ đến ngã tư Hành Minh hỏi trang trại ông Chánh thì dân ai cũng biết.
Cả đời nỗ lực vươn lên
Ông Đoàn Tấn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Hành Minh, nhận xét: "Ông Ngô Hữu Chánh được bình chọn công dân tiêu biểu là xứng đáng. Cả đời ông nỗ lực vươn lên, biết tiếp thu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông cũng tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi với bà con".
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành, ông Từ Văn Khánh, đánh giá: "Việc ông Chánh được công nhận là công dân tiêu biểu sẽ khuyến khích các hội viên nông dân ở huyện vươn lên trong lao động sản xuất, góp phần xây dựng quê hương Nghĩa Hành thêm giàu đẹp".
Cuộc thi phóng sự - ký sự 2019 trên Báo Người Lao Động đã nhận được tác phẩm tham dự của các tác giả: Chung Thanh Huy (Thắm màu làng chiếu Định Yên), Mạnh Hào (Để mình hát xẩm cho mà nghe!), Phạm Xuân Dũng (Trên đỉnh Sa Mù), Đỗ Quang Tuấn Hoàng (Nghiên cứu mỹ thuật để "gặp gỡ" ông ngoại), Hà Thanh Tú (Phải lòng ngọc điểm), Ngô Văn Tuấn (Vườn cây của Huệ), Thủy Vũ (Đầu tư tài chính cùng chiếc bánh vẽ), Trương Thanh Liêm (Ông Lộc đa năng), Hồ Thị Xuân Đà (Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Phượng), Huỳnh Văn Nguyệt (Nữ tỉ phú Nguyễn Thị Nga)...
Trân trọng cảm ơn các tác giả và rất mong tiếp tục nhận được tác phẩm mới.
CÁC ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)