Ở Sài Gòn không có sự chuyển động rõ rệt của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Không có cảm giác rét mướt của những ngày đông để sung sướng khi thấy cây nảy lộc, đâm chồi và mưa Xuân bay lất phất.
Sống ở gần hơn với đường xích đạo, người phương Nam đã quen với thời tiết quanh năm nắng ấm, hiếm thấy cây cối đua nhau đổ lá và thi mọc chồi non. Nhưng sự hồi sinh của thiên nhiên là một vòng tuần hoàn tiếp diễn, dù rõ ràng hay lặng lẽ trong sự thờ ơ của con người.
Về lại Sài Gòn sau vài năm sống ở những vùng khác nhau, cứ mỗi Xuân mới, tôi lại nhớ cảm giác lâng lâng của mùa Xuân ở những nơi có bốn mùa rõ rệt. Ở vùng New England của nước Mỹ, nơi tôi đã trải qua hai mùa đông dài tuyết trắng, mùa Xuân đúng là món quà tuyệt diệu nhất mà thiên nhiên trao tặng cho con người.
Những bông hoa tuy-líp đầu tiên ló ra trong khi tuyết còn đang tan như thể một họa sĩ tài hoa đã vẩy chiếc bút màu lên nền tuyết trắng. Ban đêm, đứng bên cửa sổ có thể nghe thấy tiếng chồi non lách tách bật ra khỏi lớp vỏ cứng trên những cành cây trước nhà.
Buổi sáng, đi bộ trên đường phố thấy tất cả những thân cây trơ trụi, khẳng khiu của mùa đông trước đã phủ đầy bông. Tôi bước đi trên phố, hít thở đầy lồng ngực mùi hương của hoa cỏ mùa Xuân và cười một mình. Thiên nhiên có khả năng cho con người cảm giác hưng phấn tự nhiên như thế.
Nếu như phương Nam của Việt Nam quanh năm nắng ấm thì vùng cực Nam của thế giới lại quanh năm giá rét. Trong khi hầu hết thế giới đang bước vào mùa Đông lạnh lẽo thì vùng cực Nam đang là cuối Xuân chuyển qua hè.
Ở Nam Cực, đây là thời gian khí hậu dễ chịu nhất đối với con người. Dễ chịu ở đây có nghĩa là nhiệt độ trung bình khoảng âm 5°C. Thời tiết này rất ấm áp nếu so sánh với mùa đông nơi đây, khi có vài tháng liền không thấy ánh mặt trời và nhiệt độ thường xuyên ở mức âm 50°C.
Tàu Clipper Adventure đưa đoàn thám hiểm đến Nam Cực. Ảnh: Lan Anh
Ngày đầu tiên khi con tàu Clipper Adventure chở đoàn thám hiểm chúng tôi tiến vào vùng biển Nam Cực, gió thổi tuyết vù vù trên boong tàu, phủ đầy trên mũ, trên áo, chúng tôi được nghe thông báo: “Hôm nay là một ngày rất ấm ở đây”!
Mùa Xuân ở Nam Cực. Mọi nhận thức thông thường về thiên nhiên và quy luật của nó đều thay đổi. Không có màu xanh của cây cỏ. Chỉ có màu xanh biếc lạnh lùng của những tảng băng. Mùa Xuân chỉ được nhớ tới bằng tiếng động rầm rầm của một núi băng đang tan đâu đó, phá vỡ không gian tĩnh lặng trong giây lát.
Những tảng băng trôi nằm vật vờ suốt dọc hành trình hàng giờ mà con tàu đi qua, nhắc nhở rằng Nam Cực đang bước sang mùa Hè. Bởi lẽ, nếu giờ đây là mùa đông, con tàu khó lòng vượt qua được lớp băng dày để chúng tôi có thể đổ bộ lên đất liền.
Hình như biểu hiện rõ rệt nhất của mùa Xuân nơi đây là không khí nhộn nhịp của loài chim cánh cụt. Khi thời tiết ấm lên là lúc những loài chim cánh cụt nhỏ hò hẹn và sinh sản. Trong những cộng đồng nhộn nhịp, những con chim cánh cụt hò hẹn, xây tổ trên nền đá cứng, ấp trứng, chờ đợi hàng tháng trời trong giá lạnh đến ngày chim cánh cụt con ra đời. Mỗi con chim cánh cụt chỉ đẻ một quả trứng. Nhìn chúng kiên nhẫn ấp trứng, biết rằng ở đây có sự sống.
Không ở đâu có mùa hè bất tận và mùa đông vĩnh viễn. Bốn mùa luôn luôn tuần hoàn, đến rồi đi, dù ồn ào như một bữa tiệc thiên nhiên hay lặng lẽ như mùa Xuân ở Nam Cực. Khi chúng tôi trở về, một câu hỏi chung mà ai cũng đặt ra: Ở đó có lạnh không? Có lạnh, mà cũng không lạnh. Làm sao để có thể giải thích hết trong một câu trả lời ngắn rằng cho dù trong nhiệt độ âm, cho dù ngủ trong tuyết, tôi vẫn không cảm thấy sự lạnh lẽo? Mùa Xuân, cuối cùng thì không chỉ là cảm nhận về thời tiết và sự thay đổi của thiên nhiên xung quanh. Mùa Xuân là cảm giác mình tự tìm thấy. Có lẽ vì vậy mà đối với tôi, chưa có mùa Xuân nào lại ấm áp đến thế, ở một nơi lạnh lẽo đến thế.
Bình luận (0)