icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bài 1: Người Việt ở Phnom Penh

BÙI PHAN THẢO

Gặp lại tôi, anh Trần Công Khanh, Trưởng Đại diện Công ty Du lịch Lửa Việt tại Campuchia, nói ngay: Có thấy Phnom Penh đông đúc lên không? Dân số bây giờ đã gần 1,5 triệu người rồi.

Không giàu, cũng chẳng nghèo

Trở lại Campuchia lần này, cảm nhận của tôi là đất nước này đã có nhiều thay đổi. Đường về trung tâm Phnom Penh đã được chỉnh trang, thoáng đãng hơn và không còn nhiều bụi như trước.

Quả như lời Khanh nói, người Việt ở Phnom Penh bây giờ đa dạng hơn nhiều. Nếu như trước đây, những năm 1930-1940, đọc tiểu thuyết của Lê Văn Trương thì rõ: dân VN sang Cao Mên (chữ nhà văn dùng thời đó) làm ăn buôn bán cũng khá nhiều, tập trung ở các đô thị như Phnom Penh, Battambang, Seam Reap, nhiều người chí thú làm ăn trở nên giàu có, dần dần trở thành dân bản địa song vẫn giữ gốc gác, nền nếp sinh hoạt gia đình. Số khác, lại là công chức do chính quyền thực dân bổ nhiệm đi làm việc ở Campuchia. Lần sang Campuchia 2 năm trước, tôi được đi với anh Trung Văn Nam, Phó Giám đốc Công ty Phát Thành ở TPHCM. Gia đình anh ở Campuchia từ trước năm 1945, Phnom Penh là thành phố tuổi thơ của anh, anh sống đến năm 18 tuổi, khi Lonnon lật đổ Sihanouk, gia đình anh mới về VN. Căn nhà anh sống thời đó, sát chợ Sa Thmey, nay là khách sạn Asia. Đưa tôi đi dạo Phnom Penh, anh chỉ cho tôi những con đường ngày anh đến trường thời thơ bé; những trưa trốn gia đình ra bờ sông Tonle Sap - đoạn sông Mekong qua thủ đô Phnom Penh- câu cá, câu rồi lại thả cá xuống sông hay cho người khác vì sợ mẹ rầy.

Ở Phnom Penh, nhiều người biết tiếng tiệm bánh mì của vợ chồng anh Dũng. Gọi là tiệm cho oai, thực ra chỉ là xe bánh mì và dăm bộ bàn ghế đặt trên vỉa hè đại lộ Monivong. Thấy tôi là người Việt và có vẻ... đáng tin, vợ chồng anh cho biết đã bán bánh mì được 20 năm. Hai đứa con, đứa lớn khá rành tiếng Việt nhưng đứa con trai nhỏ, học lớp hai tại đây thì lại ham chơi, chỉ thích nói tiếng Khmer. Nhưng mấy đứa cháu phụ chị bán bánh mì (đều chừng dưới 20 tuổi) thì đứa nào cũng hiểu và nói được tiếng Việt.

Trên đất nước này, tôi đã từng gặp và biết những người Việt giàu có, lắm tiền, nhưng đó là chuyện khác, còn thực tế nhiều người tôi gặp ở nơi đây hầu hết là người không giàu, nhưng cũng không nghèo so với người bản địa. Họ qua đây chủ yếu làm ăn buôn bán, thấy được ở lại mưu sinh, chấp nhận làm những nghề cực nhọc như phụ việc, bán quán, chạy xe ôm hoặc làm hướng dẫn viên du lịch.

Một sự nhịn, chín sự lành

Ở tiệm ăn gần khách sạn New York, một tiệm của ông chủ người Hoa, có khá nhiều khách nước ngoài đến ăn vì nấu ăn ngon và giá cả phải chăng. Ông chủ người nhỏ, gầy, khá rành tiếng Việt, thỉnh thoảng gặp khách quen từ VN sang, ông thường ghé lại bàn, thăm hỏi vài câu xã giao. Tối cuối năm 2005, tôi đến quán hơi muộn, ông chủ không có mặt, đón khách Việt là một anh chàng từ VN sang. Lanh lợi, vui chuyện, anh ta cho biết người ở huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, qua đây tìm cách làm ăn, ban đầu đi làm thuê để học kinh nghiệm và quen đất quen người rồi tính sau. Tôi tin cậu ta sẽ sống được “ngon lành” nơi đất khách quê người nếu chịu thương chịu khó như chàng hướng dẫn viên tên Nhựt, cộng tác với Công ty Lửa Việt – cũng gốc Khmer Nam Bộ như cậu ta, đã sống được với nghề. Nhựt chừng 25-26 tuổi, nói tiếng Khmer sõi hơn tiếng Việt, hoạt bát và chân thành, đoàn khách nào cũng có thiện cảm vì luôn sẵn sàng giúp đỡ khách, chẳng hề nề hà khó nhọc trên suốt chặng đường từ Seam Reap đến Phnom Penh.

Ở Phnom Penh có khá nhiều người Việt sinh sống. Nơi dễ gặp họ nhất là các chợ. Ngoài chợ Sa Thmey, thì khu chợ trời Olympic cũng có nhiều người Việt buôn bán. Khu chợ Olympic có bà Tư bán cơm, dân Bình Thạnh - TPHCM chính gốc, qua đây đã hơn 25 năm. “Sống cũng được chú à, lấy câu một sự nhịn chín sự lành mà sống và đừng làm điều chi xằng bậy là được thôi”, bà Tư đúc kết với tôi như thế về kinh nghiệm sống ở đất khách quê người.

Gần chợ Olympic có quán cà phê Mai. Khá cởi mở, chị chủ quán cho biết, Mai là tên con gái chị, đã lập gia đình (chồng Việt) và cũng đang làm ăn buôn bán ở đây. Đối diện quán là mấy tiệm massage, giác hơi rẻ tiền. Mấy cô quá tuổi làm ăn ở VN không được, dạt qua bên này kiếm sống, nhìn qua trang phục, son phấn thấy đáng thương hơn là đáng trách. Quán nhỏ nhưng có khách lai rai cả ngày, bán thêm cơm bình dân cũng sống được. Cũng từ cà phê Mai, chị chủ quán gọi một ông xe ôm người Việt đưa tôi ra khách sạn Phnom Penh họp báo. Sang đây đã gần 5 năm, trông ông Chín chẳng khác xe ôm bản địa, từ màu da cháy nắng đến cách ăn mặc, nói tiếng Khmer rất giỏi. Cái hay của mấy ông xe ôm gốc Việt là lanh lợi, rành rẽ phố phường đến từng ngóc ngách, hơn hẳn mấy anh xe ôm mới từ các tỉnh khác về kiếm sống, đường sá chưa rành.

Bí quyết nhận ra người Việt

Trở lại Campuchia lần này, thấy trên đường xe taxi trở lại hoạt động khá xôm tụ, tôi không biết Sòn Chế có ngồi sau tay lái không hay đã lưu lạc phương nào. Trên chuyến tàu từ Phnom Penh về Seam Reap, Sòn Chế chủ động đến bắt chuyện với tôi. Chính anh ta cho tôi biết bí quyết vì sao anh ta nhận ra ngay tôi là người Việt: “Anh để ý coi, người Cammpuchia, dù làm nghề gì cũng cài cúc áo thật cao và mặc áo dài tay đều cài măng-set. Anh nào mặc áo xắn tay lên và không cài kín cổ, đích thị là người VN”. Quả đúng như thế thật khi tôi tìm cách quan sát để kiểm nghiệm: Dân “thầy” ở xứ này ăn mặc nghiêm chỉnh, đóng bộ như Sòn Chế nói đã đành, mà dân “thợ”, chạy xe ôm cũng cài tay áo, hầu như ít người xăn tay áo như tôi. Sòn Chế, tên Việt gọi là Tình, mẹ người Việt, từng ở VN mấy năm. Chạy taxi ở Phnom Penh cạnh tranh không lại người ta vì xe của Sòn Chế đời cũ, cọc cạch lắm rồi, Sòn Chế bỏ lên Seam Reap tìm việc. Trước mắt sẽ lang thang Seam Reap, gặp người Việt nào nhờ làm hướng dẫn viên thì làm. Nếu không thì về lại Phnom Penh ôm vô lăng vậy.

Một người Campuchia có nửa dòng máu Việt khác, có tính cách khả ái là Chan Thy, cô tiếp tân ở khách sạn New York. Được học hành chu đáo, Chan Thy giỏi cả tiếng Anh, biết tiếng Hoa, tiếng Việt, khách ở khách sạn này đều rất có cảm tình. Những ngày tôi ở xứ này hai năm trước, em đã nhiệt tình giúp đỡ tôi nhiều khi tôi lạ nước lạ cái. Trở lại Phnom Penh lần này, tôi tìm qua khách sạn New York, nhân viên ở đây cho biết em đã không còn làm việc. Không tiện hỏi thêm nhưng tôi biết hoặc Chan Thy đã có được tấm chồng xứng đôi vừa lứa hoặc em có công việc khác, tốt hơn, tôi tin và mong như vậy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo