Hùng vĩ địa đầu biên cương
Chặng đường từ thị xã Cao Bằng đến thác Bản Giốc kỳ ảo hơn cả trong mơ. Những đoạn đường khúc khuỷu chạy men theo các triền núi đá cao sừng sững, một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm khiến chúng tôi vừa lạnh người vì sợ vừa lâng lâng như đang đi lạc vào một mê cung.
(Ảnh: Hữu Thắng)
Hùng vĩ thác Bản Giốc nơi địa đầu biên cương
Từ xa, Bản Giốc hiện ra đầy sống động. Từ trên độ cao 30m, dòng sông Quây Sơn đang chảy hiền hòa bỗng đứng khựng lại, tung hết nguồn nước đổ thẳng xuống những tảng đá bên dưới như những dải lụa trắng tung bay. Vậy mà, mặc cho phía trên bọt tung trắng xóa cả một vùng rộng lớn, dưới chân thác vẫn là mặt sông rộng, phẳng như gương.
Cuối năm, cánh đồng dưới chân thác đã gặt xong, chỉ còn lại những gốc rạ vàng. Xung quanh đôi bờ là màu xanh trầm mặc của những rặng núi uy nghi như trường thành. Những thảm cỏ, vạt rừng xen lẫn màu trắng của thác nước vẽ nên bức tranh sơn thủy tuyệt bút.
Thác Bản Giốc thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh - một trong những huyện biên giới nghèo của tỉnh Cao Bằng. Đây là nơi sinh sống lâu đời của người Tày. Hiện ra trước mắt chúng tôi, giữa thiên nhiên hùng vĩ là những ngôi nhà lợp ngói âm dương xinh xắn, những ô ruộng bậc thang đan xen lọt thỏm dưới thung lũng xa ngút tầm mắt. Đây đó thấp thoáng bóng các cô gái Tày cần mẫn làm nương.
Dòng Quây Sơn tung những dải nước trắng xóa
Thiêng liêng cột mốc 836
Cột mốc 836 nằm dưới chân thác Bản Giốc, kiêu hãnh canh giữ bầu trời biên cướng, như là lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
Sau gần 8 năm đàm phán và triển khai phân giới cắm mốc trên thực địa, ngày 31-12-2008, Việt Nam và Trung Quốc ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Bản Giốc từ đó được phân định rõ ràng. Cột mốc 836 cắm ở cả hai phía thác, bên phía Việt Nam là 836 (2), bên đất Trung Quốc là mốc 836 (1).
Đường biên giới đi từ cột mốc 835 trên cồn Pò Thoong chạy xuống điểm giữa của mặt thác chính, rồi chạy dọc theo dòng chảy sâu nhất của sông Quây Sơn. Phía Việt Nam sở hữu phần thác phụ và một nửa thác chính, phía Trung Quốc sở hữu nửa thác chính còn lại phía bờ bắc sông Quây Sơn.
Bè du lịch tấp nập tham quan thác Bản Giốc
Cả mặt sông Quây Sơn và phía chân thác chính thành khu vực khai thác du lịch chung, khách từ Việt Nam hay từ Trung Quốc đều có thể lên bè, lênh đênh trên dòng Quây Sơn, lượn lờ vào chân thác để ngắm phong cảnh hùng vĩ từ nhiều góc độ.
Khi chúng tôi có mặt ở Bản Giốc, trên dòng Quây Sơn uốn lượn tấp nập bè mảng chở khách tham quan. Anh Lục Minh Tuân, một thanh niên sinh ra và lớn lên tại mảnh đất biên cương này, giúp chúng tôi phân biệt bè Việt Nam và bè Trung Quốc thông qua hình dạng.
Bè Việt Nam có mái che giống như mái ngói, còn bè Trung Quốc làm theo kiểu mái vòm. Trên sông còn có thuyền của nhiều người bán dạo qua lại, chủ yếu là người Trung Quốc, với giá cả khá rẻ tuy hàng hóa không đa dạng lắm.
Kho báu ngủ yên
Thác Bản Giốc là một kho báu đích thực, nhưng đến nay vẫn chỉ mới khai thác ở dạng tiềm năng. Điểm du lịch Thác Bản Giốc hiện tại do công ty cổ phần du lịch Cao Bằng quản lý với giá vé tham quan là 15.000 đồng/lượt.
(Ảnh: Hữu Thắng)
Dịch vụ hút khách nhất là chèo bè mảng đưa du khách tham quan, giá 300.000 đồng cho hai lượt lượn qua chân thác. |
Bình luận (0)