Trong căn nhà sàn ọp ẹp ở đầu bản Nà Ngum (tỉnh Điện Biên), chị Lò Thị Hoa ôm hai đứa con thơ, buồn buồn tâm sự về người chồng Lò Văn Yên mới nhận án 20 năm tù vì tội buôn ma túy. Chị sinh năm 1977, đến với người con trai bản Nà Ngum bằng tình yêu đơn sơ của cô gái Thái, đâu ngờ Yên lại là một tay buôn ma túy. Ban ngày, chồng Hoa cũng củ mỉ cù mì lên nương làm lúa nước với vợ, chỉ có đêm mới hay vắng nhà để đến nhà bạn “xem đá bóng”. Một buổi sáng, công an bất ngờ ập đến. Nhìn Yên và đám bạn lần lượt tra tay vào còng, Hoa mới sững sờ hiểu chồng mình đã đi buôn “cái chết trắng” từ lâu rồi!
Nặng gánh vai gầy
Ngày Yên bị tuyên án 20 năm tù, Hoa sinh con thứ hai trong khi đứa đầu mới hơn một tuổi. Yên đi buôn ma túy, tiền tiêu gì hết không biết. Hôm gã bị bắt nhà còn đúng 20.000 đồng, hũ gạo thì trống rỗng. Những hôm đi lên trại thăm chồng, Hoa phải vay mượn từng đồng từ đầu bản đến cuối bản. Bây giờ, nhà Hoa là hộ thường xuyên đói ăn ở bản. Một vai Hoa phải gánh nuôi cả hai con thơ và mẹ chồng già yếu 78 tuổi. Cô không biết chữ, chỉ quanh quẩn làm lụng kiếm sống.
Mỗi sáng, Hoa dậy từ lúc 4 giờ để đi bộ hàng kilômét lên núi gùi củi đổi lấy 5.000 đồng, chiều về lại cặm cụi làm lúa nương để có gạo ăn. Ngồi ở bậu cửa dõi mắt trông ra con đường bản vắng ngắt bóng đàn ông, Hoa u uất nói: “Phải chi hồi còn chưa cưới nhau, mình biết được Yên là một tên buôn ma túy...”. Câu nói buông lửng vì hai đứa con đói bụng khóc ré. Hoa lại lầm lũi xuống bếp, thổi bếp lửa nồi cơm độn khoai. Tôi ngồi lặng nhìn bóng người thiếu phụ chập chờn hắt lên vách bếp. Chẳng hiểu Hoa có đủ sức đợi được đến ngày chồng về hay không...
Rời nhà Hoa, tôi đi bộ vào sâu trong bản. Đường sá vắng bóng người. Những ngôi nhà cũng đóng cửa im ỉm lạnh lẽo trong bóng chiều chập choạng đang dần tắt. Thỉnh thoảng mới thấy bóng vài người già, phụ nữ và trẻ em lấp ló nhìn qua khung cửa. Cuối đường, một phụ nữ đang ngồi trên chõng tre bán mớ rau củ lặt vặt, nhưng khách hàng lại là các thanh niên đi xe máy bóng bẩy từ thành phố Điện Biên xuống. “Con nghiện đi tìm hàng để phê đó” - anh công an mặc thường phục dẫn đường cho tôi biết và nói thêm: “Bản Nà Ngum này có 87 hộ thì hơn 80% dính đến ma túy đã bị xử lý. Số còn lại chưa dám chắc có hay không. Nhưng điều đáng buồn là một số phụ nữ đã giẫm lên bước chân chồng đang ở tù, để lại tiếp tục buôn bán ma túy...”.
Ở nhà kế bên, chị Lò Thị Hải cũng có chồng là Quàng Văn Hạnh đã bị kết án 15 năm tù vì tội buôn ma túy. Chồng đi tù 9 năm thì đứa con út của chị cũng vừa tròn 9 tuổi, học đến lớp 3, không biết mặt cha. Hình như thời gian đã làm phai nhòa bớt nỗi buồn trong gia đình thiếu đàn ông này.
Tuy nhiên, chỉ thoáng nhìn tôi cũng cảm nhận được sự khó khăn đang chồng chất trên vai người phụ nữ một thân nuôi con. Nhà chị Hải có 4.000m2 ruộng làm lúa hai vụ, một diện tích khá so với nhiều người trong bản, nhưng vẫn thiếu ăn vì phải nuôi hai con đi học và cha mẹ chồng. Hải mệt mỏi tâm sự: “Tôi kiệt sức rồi, có lẽ các con phải nghỉ học thôi”. Gần đây, cứ dịp lễ tết, mẹ con Hải lại dắt díu ra đầu bản ngóng chồng, cha được đặc xá trở về. Họ cứ đứng đấy từ tinh mơ đến tối mịt, mòn mỏi trông đợi từng bóng đàn ông hiếm hoi...
Bản Nà Ngum hiện có một ngôi nhà xây hai tầng lớn nhất của gia đình Vì Văn Doan nhưng là “căn nhà ma” bỏ hoang, không ai dám ở. Hai năm trước, Doan cùng vợ tổ chức đường dây buôn ma túy lớn từ Lào về, rồi bị bắt quả tang cùng sáu bánh heroin. Doan bị kết án tử hình. Vợ tù 15 năm. Nhà bây giờ chỉ còn hai con một trai, một gái lay lắt sống với nhau. Ngày Doan bị thi hành án, hai trẻ đóng cửa, bỏ hoang căn nhà xây từ tiền buôn ma túy để về nhà bác ở. Điều đáng lo là gia đình bác cũng đang có đến... năm án tù giam, tù treo từ đời bà đến đời cháu vì tội buôn ma túy và mấy con nghiện đang sống vật vờ. Trong đó có cả người đã chết vì HIV/AIDS.
Lúc tôi đến, một con nghiện đang nằm trùm chăn rên hừ hừ trên giường. Người bác nói chống chế con mình đang bị cảm. Nhưng bé gái Vì Văn Tin, con Doan, lại thật thà kể ông anh họ đang vã vì thiếu tiền mua thuốc. Từ sáng đến giờ mấy đứa trẻ cũng chẳng có gì để ăn, mới phải chạy đi xin mấy lon củ mì khô thái lát về hấp ăn tạm.
Bé Tin lo lắng cho biết bác nó đã kêu bán căn nhà xây hơn năm nay nhưng chẳng ai mua. Nó ngây thơ nói vì “căn nhà này có ma”, nhưng anh công an xã chỉ cười buồn: “Có lấy kính hiển vi soi cũng không tìm ra được ai ở bản này có tiền mua nhà ấy. Có bao nhiêu tiền, họ đốt vào ma túy hết rồi”. Tôi lặng lẽ nhìn hai đứa trẻ sống giữa những con nghiện vật vờ mà thấy lo! Không biết tương lai chúng sẽ ra sao trong ngôi nhà này?
Bỏ lại sau lưng những con đường, những ngôi nhà không có đàn ông ở Nà Ngum, tôi đến bản Hạ, rồi Na Ư, Pa Mỏ Thổ, tình hình tương tự cũng đang diễn ra. Những người vợ, con thơ nén nỗi đau thiếu chồng, cha vào trong lòng, nhưng đôi mắt vẫn không giấu được ánh u uất. Các gia đình có đàn ông đi tù, ở trại cai nghiện, hay đang lẩn trốn bên rừng núi Lào đã buồn, nhưng nỗi khổ còn nhân đôi khi nhà nào vẫn còn con nghiện đang sống vật vờ. Thời gian đầu, một số người dân các bản này mới chỉ biết lén lút đi buôn ma túy kiếm tiền, bản làng chưa đến cảnh tiêu điều. Rồi dần dần như đại dịch, họ sa luôn vào nghiện ngập.
Nhiều nhà cha, con, cháu cùng nghiện, lờ đờ mất hẳn sức lao động. Đôi vai phụ nữ dù có oằn xuống gùi hai lượt củi từ sáng sớm đến tối mịt để được 10.000 đồng cũng chưa đủ cung phụng một lần hút chích của chồng con. Chưa kể ý thức kém đã làm lây lan căn bệnh thế kỷ cho người thân trong gia đình. Buổi tối, tôi ghé nhà Vi Thị Nỏ, bản Hạ, chị đi gùi củi rừng vẫn chưa về. Chồng Nỏ nghiện, nhiễm HIV, lây truyền cho vợ và cả đứa con mới lẫm chẫm đi. Nỏ giờ là người còn sức khỏe duy nhất để nuôi chồng bệnh liệt giường và con thơ, nhưng cũng chưa biết sức chị có thể chống chỏi được đến bao giờ!
Cuộc chiến sinh tử
Lò Thị Hoa và con mòn mỏi đợi chồng về |
Lật từng trang sổ tay chi chít các vụ án ma túy, đại úy Vũ Mạnh Hà, phó phòng chính trị Công an tỉnh Điện Biên, ưu tư tâm sự: “Vì đường biên giới Việt - Lào liền kề các bản làng này, đồng bào dân tộc lại thông thạo ngõ ngách núi rừng, nên vòi bạch tuộc ma túy có cơ hội tác quái. Thêm nữa, công vận chuyển một bánh heroin cho vài kilômét đường bộ qua biên giới lên đến 10 - 20 triệu đồng, lợi nhuận gấp hàng trăm lần làm ruộng nương...”.
Anh Hà kể không chỉ người dân nghèo khó mà nhiều cán bộ địa phương cũng không thoát khỏi ma lực này. Đáng buồn nhất là vụ án Nguyễn Quang Tấn, phó chủ tịch xã Thanh Yên, cầm đầu đường dây gần 20 người buôn ma túy xuyên quốc gia. Suốt thời gian dài, ban ngày Tấn phụ trách tuyên truyền chống ma túy, đêm Tấn và đàn em trực tiếp nhúng tay vào chàm. Tình hình mịt mù đen tối. Cán bộ đi buôn, người dân cũng không thoát khỏi ma túy, chết chóc. Nếu tình trạng cứ tiếp diễn vài năm nữa, các bản làng này sẽ mất hẳn trên bản đồ...
“Chúng tôi coi đây là cuộc chiến sinh tử để giành lại các bản làng biên giới, để cứu người dân thoát khỏi cái chết trắng”. Theo anh Hà, nếu thời gian qua lực lượng công an không có các biện pháp kiên quyết thì tình hình sẽ còn tệ hại hơn nữa. Công an đã tổ chức rất nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục, kể cả biện pháp mạnh để chặt đứt vòi bạch tuộc ma túy đang nhăm nhe xóa sổ những bản làng này. Ngoài các chuyên án truy bắt trùm ma túy lớn, công an phải cho người xuống cắm bản ngày đêm. Họ vừa có nhiệm vụ chống ma túy xâm nhập, vừa tìm hiểu tâm tư, đời sống của từng hộ gia đình để giúp người dân tránh được cám dỗ của ma túy.
Trung úy Lò Văn Thông cắm xã Thanh Yên kể thời gian đầu anh gần như bị “đánh” bật ngược ra. Mỗi lần thấy dáng anh là nhà dân cửa đóng then cài, truyền tin nhau cho đối tượng ma túy trốn sạch. Thậm chí, họ còn tung tin anh bị bệnh “siđa, cùi hủi” để mọi người xa lánh. Phải kiên trì đeo bám, dùng đủ cả tình cảm lẫn lý lẽ thuyết phục dân mãi, anh mới được một số người tin tưởng, giúp đỡ. Rồi sau đó, nhiều người vợ, người mẹ đã tự nguyện tìm đến lực lượng công an để nhờ cứu chồng con mình. Họ hiểu dù đi tù hay cai nghiện sớm muộn cũng còn có ngày về, chứ cứ dấn sâu vào ma túy nếu không dựa cột pháp trường thì cũng chết vì bệnh tật.
Ghé vào các nhà dân, tôi cũng cảm nhận được điều đó. Sự thật không phải bản làng đã hết toàn bộ con nghiện hay người buôn ma túy, nhưng nhiều người đã bắt đầu thật sự ý thức được hiểm họa này. Những đôi vai gầy thiếu phụ hôm nay có nặng gánh, những đôi mắt của họ có u uất vì vắng chồng, con nhưng vẫn le lói tia hi vọng ngày mai. Khi những người đàn ông của họ thoát khỏi ma túy, đi tù hay cai nghiện trở về, bản làng sẽ hồi sinh...
Hội thảo về buôn bán và công tác kiểm soát ma túy vùng Tây Bắc diễn ra tại Hà Nội gần đây cho biết Tây Bắc đang là điểm nóng ma túy và HIV/AIDS. Số heroin bị bắt giữ chiếm 50% cả nước, thuốc phiện chiếm 70%. Từ 2004 đến tháng 5-2006, các lực lượng chống ma túy khu vực đã bắt 4.096 vụ, 6.092 đối tượng cùng 329,22kg heroin, 145,06kg thuốc phiện, 10.000 viên tân dược gây nghiện.
Nhiều đại biểu cho biết để ngăn chặn, đẩy lùi nạn ma túy phải kết hợp cả biện pháp mạnh lẫn biện pháp mềm. Cần phải nâng cao dân trí cho đồng bào ý thức được hiểm họa và hệ quả của việc dính líu đến ma túy. Đặc biệt là việc cải thiện đời sống kinh tế ở các cộng đồng dân cư hẻo lánh biên giới...
Bình luận (0)