xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Báu vật hoàng tộc Chăm

Bài và ảnh: KHẮC DŨNG

Những báu vật ấy dường như đã có dấu hiệu xuất lộ ở Nam Tây Nguyên. Tuy nhiên, chúng có tồn tại thật không? Nếu có, tương lai của chúng sẽ như thế nào, ai sẽ bảo vệ, bảo tồn?

Những ngày cuối năm 2012 vừa qua, giới sưu tầm đồ cổ đột nhiên xôn xao khi hay tin ông Nguyễn Đăng Thanh, hội viên CLB UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, sưu tầm được 2 món hàng “độc”: Dao lệnh của vua Chăm và bộ cồng chiêng Arap độc nhất vô nhị của người Chăm. Mới đây, tôi đã tìm đến nhà ông Thanh để quan sát 2 “báu vật” này.
 
img

Nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Đăng Thanh và “con dao lệnh của vua Chăm”

Vẫn còn bí ẩn

Kho cổ vật thu thập được trong vòng hơn 20 năm qua của nhà sưu tầm đồ cổ Nguyễn Đăng Thanh khá chật hẹp, nằm trong căn nhà tọa lạc trên đường Hoàng Diệu, TP Đà Lạt - Lâm Đồng. Hơn 10.000 hiện vật gần như choáng tất thảy mọi ngóc ngách của căn nhà. Ngay cả với một người sưu tầm cổ vật chuyên nghiệp, con số 10.000 hiện vật có được trong tay không phải ai cũng đạt được. Đằng này, tuy là hội viên của CLB UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam tỉnh Lâm Đồng nhưng ông Thanh vẫn tự nhận mình chỉ là nhà sưu tầm không chuyên.

Điều làm tôi quan tâm là 2 đồ vật được cho rằng vô cùng quý giá mà ông Thanh vừa sưu tầm được. Sau một hồi được thuyết phục, cuối cùng ông Thanh cũng mang “con dao lệnh của vua Chăm” và “bộ cồng chiêng Arap” ra cho khách tận mắt chiêm ngưỡng.

“Dao lệnh của vua Chăm” dài chừng 25 cm, được đúc bằng đồng mạ vàng, bề ngang chỗ lớn nhất khoảng 3 cm. Từ chuôi tới mũi dao đều được trang trí bằng những họa tiết khá độc đáo mang đậm nét văn hóa Chăm. Dao được đặt trên một giá đỡ cao 13 cm, đế giá đỡ hình tròn. Từ đế đến thân giá đỡ được trang trí hoa văn cầu kỳ. Cả bộ giá đỡ này cũng được đúc bằng đồng mạ vàng.

Xét về công năng, đây không phải là con dao thường dùng cắt, xắn, đâm… mà thiên về biểu tượng để trang trí hoặc là tín vật sử dụng trong các nghi lễ. “Những nhà nghiên cứu và giới am hiểu cổ vật đều cho rằng đây là dao lệnh của vua Chăm ngày trước giao cho một viên tướng lĩnh nào đó thay mặt ông cai quản quân đội. Nhìn lại lịch sử, vua Chăm đã từng thất thế trước các nước lân cận và đội quân của triều đình đã phải lánh nạn lên đất Nam Tây Nguyên này. Vì vậy, có thể đây là dao lệnh của nhà vua giao cho một viên tướng nào đó dẫn quân từ duyên hải miền Trung lên miền núi Nam Tây Nguyên” - ông Thanh suy đoán.

Khi tôi hỏi về nguồn gốc “con dao lệnh của vua Chăm”, ông Thanh kể: “Cách nay chưa lâu, trong một chuyến đi chơi về huyện Đơn Dương - Lâm Đồng, thông qua một người quen là dân Churu bản địa, tôi tiếp cận được món vật này và đã tìm mọi cách để mua cho bằng được”. Tôi cố gắng hỏi thêm nhưng ông Thanh cũng chỉ trả lời một cách lấp lửng: “Nghe bảo, chiếc dao lệnh này được gia đình nọ tìm thấy trong lòng đất”.

“Báu vật” thứ hai mà tôi quan tâm trong kho đồ cổ đồ sộ của ông Thanh là bộ cồng chiêng 12 chiếc được ông cho là độc nhất vô nhị hiện nay. “Đây là bộ cồng chiêng được tôi mua lại của một gia đình người Churu. Gia đình người Churu đó ở tỉnh Ninh Thuận chứ không phải ở Lâm Đồng. Tôi mua nó cách nay chưa lâu, cũng tình cờ thôi. Đó là bộ cồng chiêng duy nhất của gia đình nọ. Nhiều người khẳng định đây là bộ cồng chiêng Arap” - ông Thanh cho biết.

Quan sát bộ cồng chiêng, tôi nhận thấy dường như nó vừa thiếu lại vừa thừa. Với chút ít kiến thức về cồng chiêng, tôi tò mò: “Ông cho rằng đây là một bộ cồng chiêng trọn vẹn?”. Ông Thanh nói như đinh đóng cột: “Chính tôi bỏ tiền ra mua nó, cả 12 chiếc trọn bộ”.

Nhiều năm lăn lộn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tôi biết Arap là bộ cồng chiêng tiêu biểu của người Jarai, Bana - những tộc rất gần với người Chăm. Theo thông lệ thì bộ cồng chiêng Arap của người Jarai, Bana hoặc người Chăm thường phải gồm 8 hoặc 9 chiếc chiêng và 3 chiếc cồng. Ba chiếc cồng này không thể thiếu trong dàn cồng chiêng Arap (cả thảy 11 hoặc 12 chiếc, gồm 3 cồng và 8 hoặc 9 chiêng).

Trong khi đó, bộ cồng chiêng 12 chiếc của ông Thanh chỉ toàn là chiêng bằng (không có núm, phân biệt với cồng có núm) - thừa 3 hoặc 4 chiếc chiêng nhưng lại thiếu mất 3 chiếc cồng. Nếu đây chỉ là chiêng của người Mạ hoặc người Cơho ở Nam Tây Nguyên thì trước hết, nó gồm 2 bộ. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải biết 2 bộ đó phải có thang âm như thế nào thì mới có cơ sở để khẳng định. Bởi lẽ, về thang âm, bộ chiêng Droòng 6 chiếc của người thiểu số Nam Tây Nguyên hết sức nghiêm ngặt.

Khi tôi tò mò về giá cả 2 món “báu vật”, ông Thanh cương quyết: “Với những hiện vật như thế này, xin lỗi là tôi không tiện tiết lộ”.

Kho báu lưu lạc

Để hiểu thêm vấn đề này, tôi đã tìm gặp bà Đoàn Bích Ngọ, Phó Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng, người có nhiều năm ra vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số Churu ở Nam Tây Nguyên để nghiên cứu khoa học, trong đó có mảng báu vật hoàng tộc Chăm trên đất Lâm Đồng.

Bà Ngọ giải thích: “Trong lịch sử, vùng đất Nam Tây Nguyên - Lâm Đồng này từng ghi dấu hoàng thân quốc thích Chămpa. Tộc người Churu, xét về nguồn gốc, cũng là một nhánh nhỏ của người Chăm từ duyên hải miền Trung lưu lạc lên vùng rừng núi này. Sau đó, có thể trong cuộc binh biến với đội quân của các nước lân cận, người Chăm đã thất thế. Một bộ phận hoàng tộc Chăm đã nghĩ đến người dân của mình ở miền rừng núi này nên đã chạy lên đây nương nhờ”.

Theo bà Ngọ, người dẫn đầu đoàn quân Chăm lên miền đất Nam Tây Nguyên sau khi thất thế chính là hoàng tử Môn Lai Phu Tử. Trong quyển 5 của Đại Nam thực lục chính biên và sơ tập quyển 33 Đại Nam chính biên liệt truyện có chép đại ý: Vào năm Canh Tuất 1790, con vua Chăm ở Thuận Thành là Môn Lai Phu Tử đã đem liên thuộc và dân chúng theo Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Sau, ông được phong chức chưởng cơ và đổi tên thành Nguyễn Văn Chiêu. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, Nguyễn Văn Chiêu bị cách chức vì phạm trọng tội.

“Có lẽ, sau khi bị cách chức, Môn Lai Phu Tử cùng dòng dõi phiên vương đã dạt về phía rừng núi Nam Tây Nguyên. Khi đi, họ mang theo không ít triều phục, ấn tín, đồ dùng bằng vàng và bằng bạc… để gửi lại cho đồng tộc phiêu dạt trước đó là người Churu trên đất Lâm Đồng ngày nay” - bà Đoàn Bích Ngọ phỏng đoán.

Bà Ngọ cho rằng một trong những loại hình hiện vật mà hoàng tử Môn Lai Phu Tử gửi lại cho người Churu ở Lâm Đồng cất giữ từ bao đời nay là trang phục của hoàng triều, trong đó có xà-rông. Trong kho hiện vật sưu tầm được của ông Nguyễn Đăng Thanh cũng có tấm xà-rông này. “Vì tôi chưa một lần được nhìn thấy trang phục của vua Chăm nên không thể khẳng định tấm xà-rông của ông Thanh có phải là trang phục hoàng tộc Chăm hay không” - bà Ngọ băn khoăn.

Bà Đoàn Bích Ngọ cho biết đã nhiều lần đi tìm và tiếp cận được một số hiện vật mà người Churu ở Lâm Đồng khẳng định là đồ vật của hoàng tộc Chăm gửi lại trước khi đi về một phương trời nào đó. Bà Ngọ tiếc nuối: “Trong các đồ vật đó, có những thứ rất quý. Song, chiến tranh đã làm thất lạc khá nhiều”.

Theo bà Ngọ, vào thời Pháp thuộc, không ít nhà khoa học và thám hiểm đã tỏ ra quan tâm một cách đặc biệt đến những báu vật của người Chăm tại Lâm Đồng. “Năm 1905, trong kỷ yếu École Francaise d’extrême-Orient tập 5, bài khảo cứu Le trésor des rois Chams của tác giả H. Parmentier I.M.E. Durand có nhắc đến những kho báu này. Sau đó, 2 tác giả người nước ngoài khác cũng có nhắc đến các kho báu của người Chăm là Mner và Jacque Doumes” - bà Ngọ cho biết.

Cách đây nửa thế kỷ, giữa tháng 12-1957, Chánh Sự vụ thuộc Viện Khảo cổ của chính quyền Sài Gòn, ông Nghiêm Thẩm - người phụ trách công tác bảo tồn - được cử đến Tuyên Đức (Lâm Đồng ngày nay) để “xem xét các bảo vật vua Chăm”. “Ông Thẩm đã báo cáo rằng “Ở Lơbui (thuộc huyện Đơn Dương - Lâm Đồng ngày nay) có 3 điểm cất giữ báu vật của người Chăm, gồm một nơi chứa các đồ vật quý, một nơi để đồ sứ và một nơi để y phục”… Đồng bào Churu ở Lâm Đồng còn cho biết hằng năm, cứ đến tháng 7 và 9 của người Chăm (tức tháng 9 và 11 dương lịch), đại diện của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận đều lên đây làm lễ cúng tại các nơi chứa vàng bạc, xiêm y và đồ sứ” - bà Ngọ tiết lộ.
 

Có dấu hiệu xuất lộ

Sau những lần tiếp xúc kho đồ cổ của nhà sưu tầm Nguyễn Đăng Thanh cũng như chính ông và chuyên gia bảo tàng Đoàn Bích Ngọ, trong đầu tôi cứ rối bời với những câu hỏi về số phận những báu vật của hoàng tộc Chăm nếu chúng còn sót lại ở Lâm Đồng.

Thời gian gần đây, những báu vật ấy dường như đã có dấu hiệu xuất lộ ở Nam Tây Nguyên. Tuy nhiên, chúng có tồn tại thật không? Nếu có, tương lai của chúng sẽ như thế nào, ai sẽ bảo vệ, bảo tồn? Đến nay, xem ra các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa có một động thái cụ thể nào để xác định và bảo tồn báu vật hoàng tộc Chăm.
 
img

Bộ cồng chiêng được cho là dàn Arap của người Chăm

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo