Chữa người, cứu thú
Năm 1980, khi mới 20 tuổi, chàng y sĩ đa khoa Lương Văn Hiến được Sở Y tế Đồng Nai cử về VQG Cát Tiên để chữa bệnh cho những người bảo vệ rừng. “Ba cùng” với lực lượng kiểm lâm nên không một phi vụ chống lâm tặc, cứu hộ thú rừng nào vắng bóng anh.
Chứng kiến những con gấu, sóc, nai… vì dính bẫy của lâm tặc mà bỏ mạng hoặc quằn quại đớn đau, trái tim chàng y sĩ yêu thiên nhiên này thắt nghẹn. Vậy là ngoài nhiệm vụ chữa sốt rét cho người, Hiến lại lăn xả vào băng bó, chữa thuốc cho các loài thú trước khi trả chúng về thiên nhiên.
Nhưng với rất nhiều trường hợp những con thú bị thương nặng, bầm giập hết mình mẩy, đứt chân, nát mặt… thì những lần băng bó qua loa ấy không đủ để chúng gượng dậy nổi chứ nói gì đến chuyện nhanh chóng hồi phục sức khỏe mà trở lại với đại ngàn. Làm sao để những con thú bị thương ấy được chăm chút chu đáo nhất cho đến khi lành bệnh và hết sợ hãi trước khi về rừng? Sau bao đêm ngày trăn trở, ý tưởng của anh Hiến về một bệnh xá cho động vật hoang dã đã trở thành hiện thực.
“Nghề chơi cũng lắm công phu”
Dẫn tôi đi một vòng quanh khu bệnh xá của trung tâm, Giám đốc Lương Văn Hiến kể câu chuyện nhận 8 bệnh thú vào năm 2003. Khi nhập viện, 8 con gấu ngựa đều trong tình trạng nguy kịch (do sập bẫy thợ săn): lông xơ xác, đứt cổ tay, toàn thân lở loét... Anh em tất bật sơ cấp cứu, chữa trị những vết thương ngoài da cho lũ gấu, đồng thời gấp rút liên hệ và gửi thông điệp đến các tổ chức cứu hộ động vật quốc tế. Lập tức, Monkey World - tổ chức cứu hộ linh trưởng thế giới (thuộc Vương quốc Anh) và Trường Đại học Jengtung (Đài Loan) nhận lời cử chuyên gia sang tiếp ứng.
Làm việc với các chuyên gia nước ngoài, anh em tích lũy được bao kinh nghiệm quý giá, từ việc cân đối khẩu phần ăn đến việc làm sao vừa chăm sóc được chu đáo mà vẫn không đánh mất bản năng gốc của chúng. Một trong những yêu cầu tối thượng của nghề cứu hộ động vật hoang dã là không được tiếp xúc thân mật với chúng. Bởi điều này lại có thể làm chúng thuần hóa, trong khi mục đích là khi bình phục, thú vẫn giữ bản năng hoang dã.
Các chuyên gia nước ngoài đã ngạc nhiên đến hồ hởi khi thấy những y bác sĩ tay ngang này nhanh chóng nắm vững kiến thức, thành thạo các kỹ năng. Sau giai đoạn sơ, cấp cứu ban đầu, khi thấy sức khỏe của chúng bình ổn, họ chuyển sang giai đoạn huấn luyện. Anh em phải chuẩn bị trái cây, mật ong… về treo lên để gấu tập đánh hơi và leo trèo. Khi chúng thành thục kỹ năng đó mới tiếp tục được thử sức với những bài tập khó hơn: tìm thức ăn ở những nơi cất giấu, kiếm ăn theo mùa… Các thí sinh đều phải được thẩm định kỹ càng mới được tốt nghiệp.
Trăn trở đường về rừng cho thú
Cứu hộ thành công được một con gấu đã khó nhưng chuyện làm sao để thả nó trở về với môi trường hoang dã thì còn trần ai gấp bội. Khó nhất là làm sao tìm được địa điểm thích hợp để thả thú. Bởi nếu thả vào địa bàn không có nhiều thức ăn hoặc thức ăn không hợp khẩu vị thì lũ gấu sẽ nhanh chóng chết đói. Những con bị người ta nuôi nhốt lâu ngày thì lại có thói quen tìm đến địa bàn gần dân cư, điều này hết sức nguy hiểm vì chúng có thể bị giăng bẫy hoặc bị bắn hạ bất cứ lúc nào.
Chính vì thế mà kể từ khi thành lập cho đến nay, trung tâm mới thả về rừng Cát Tiên được một con gấu chó vào dịp tháng 4-2005. Còn 15 con gấu ngựa đang được nuôi dưỡng tại đây thì dù đã đến ngày sổ chuồng nhưng trung tâm vẫn chưa tìm được “bến đỗ” cho chúng.
Khi VQG Cát Tiên thành lập, anh Hiến và các cộng sự được giao nhiệm vụ cứu hộ, chăm sóc các loài thú bị sập bẫy hoặc lún lầy. Đến năm 1995, họ mới chính thức đảm nhiệm chương trình cứu hộ dựa theo các dự án đa dạng sinh học và bảo tồn thú hoang dã. Đến năm 2003, khi 8 chú gấu ngựa nói trên được cứu hộ thành công thì Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng cấp cái trạm xá tuềnh toàng thành trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nguy cấp Cát Tiên.
Từ đó, trung tâm thường xuyên tiếp nhận bệnh thú là những chú hoẵng, chồn, nai, gà rừng... mắc bẫy hoặc sụt lún bùn do kiểm lâm mang đến, cũng có khi là thú thuần dưỡng của gia đình đưa đến điều trị hoặc chủ nhân muốn thả về rừng. Họ cũng trực tiếp đến hiện trường giải cứu thú rừng như trường hợp một con bò rừng sập bẫy hố của thợ săn cách đây ít lâu.
Do cơ ngơi rộng 23ha của trung tâm chưa thành dạng thành hình nên cán bộ nhân viên của trung tâm phải cải tạo nơi nuôi cá sấu của VQG để cho gấu ở tạm. Đã vậy, trung tâm cũng chưa nhận được bất cứ nguồn đầu tư nào của Bộ NN-PTNT cho việc cứu hộ gấu, thế nên co kéo mãi, họ mới đắp đổi được cho việc chăm sóc lũ gấu.
Bình luận (0)