Phụ nữ Kayan dù già hay trẻ đều có những chiếc cổ dài với hàng chục chiếc vòng bằng đồng nặng đến vài kilôgam. Đó không chỉ là những chiếc vòng quanh cổ, mà còn là định mệnh ngàn năm...
Đường đến với bộ tộc Kayan vô cùng hiểm trở. Từ trung tâm tỉnh Mea Hong Son muốn đến khu vực bộ tộc Kayan đang sinh sống là bản Karen lại phải đi tiếp gần 30km đường rừng, có những đoạn phải lội qua suối, men theo những gờ đá dựng đứng trên miệng vực.
"Bộ tộc Kayan hiện có khoảng 300 phụ nữ, cả già lẫn trẻ. Các cô gái Kayan nổi tiếng là đẹp, đa tình nhất vùng biên giới Thái Lan - Myanmar. Ngoài chiếc cổ dài với những chiếc vòng đồng óng ánh, họ còn có một làn da trắng ngần, những hình xăm hài hòa trên cơ thể và đôi mắt to tròn, lúng liếng cùng một giọng nói nhẹ nhàng, thánh thót như chim. Chưa có một cô gái cổ dài nào bước ra khỏi cánh rừng già này" – Kucway, người dẫn đường cho chúng tôi vừa đi vừa say sưa kể.
Lội bộ hì hục ngót chục cây số, cuối cùng chúng tôi cũng đến được lãnh địa của những người cổ dài Kayan.
Đêm huyền thoại ở Kayan
Mất 300 baht một người, chúng tôi có tấm vé để bước vào làng. Hóa ra ở tận trong chốn rừng sâu hẻo lánh này, người Kayan vẫn biết kinh doanh. Người Kayan cũng nói được ít tiếng Anh nhờ học từ chính khách du lịch.
Hàng trăm phụ nữ Kayan đang ngồi bên các quầy bán quà lưu niệm. Những phụ nữ lớn tuổi, những cô gái mới lớn đến các em bé gái đều có đặc điểm giống hệt như nhau là trên cổ đeo hàng chục chiếc vòng bằng đồng sáng bóng.
Nhìn xa, đầu của họ chỉ như một quả bóng nhỏ đặt trên một hình trụ vàng óng, sáng chóe của đồng. Tôi đếm có những cô gái đeo ở cổ hơn 20 chiếc vòng bằng đồng. Mỗi ống chân các cô, các bà cũng đeo ít nhất 7-8 chiếc vòng đồng. Tính ra trên người họ mang không dưới chục ký kim loại.
Kata, người đàn ông đang ngồi giặt quần áo trước nhà, tỏ vẻ rụt rè khi chúng tôi hỏi thăm nơi ở trọ. Anh bảo phải đi hỏi ý kiến vợ là Maba, trạc 30 tuổi. Trên cổ Maba đeo chừng 15 chiếc vòng khiến cổ cô trông dài cả hai tấc.
Maba ngẩn người ra, khá ngạc nhiên khi nghe nói chúng tôi có ý định ở trọ vài ngày. "Ở đây khách đến rồi về trong ngày, không có ai ở lại bao giờ. Ở đây núi rừng thiêng lắm, người ngoài vào bị ma vật chết".
Nói thì nói vậy nhưng Maba có vẻ tự hào và đưa mắt cười đồng ý cho chúng tôi ở trọ lại nhà cô với giá trọ mỗi ngày 500 baht kèm theo ba điều kiện: được sự đồng ý của trưởng bản, phải để cô cúng ma cho chúng tôi trước khi vào trong nhà và dù có thích cũng không được "bắt cóc" Mati - cô em gái lớn của cô.
Bởi lẽ sau khi cúng ma, chúng tôi sẽ là người của bộ tộc Kayan, có quyền yêu và lấy các cô gái cổ dài làm vợ. Nhưng một khi chúng tôi ra khỏi Kayan thì không còn là người của bộ tộc nữa nên không có quyền đưa vợ hay người yêu đi theo.
Màn đêm buông xuống, làng Karen chìm trong lớp sương mờ ảo của núi rừng hoang sơ. Maba dẫn chúng tôi ra bốn cây cột gỗ thiêng dựng giữa bản, nơi được xem là vùng đất thánh của bộ tộc để làm thủ tục cúng ma.
Chúng tôi quì trước cột, phủ khăn kín mặt, Maba và ba người em gái của mình đi xung quanh, khấn vái liên tục rồi dùng nước tạt vào người chúng tôi đến ướt sũng.
Tôi loay hoay dụi mắt vừa bị nước cúng bắn vào tung tóe thì có một đôi bàn tay thon, mềm cầm khăn lau mặt cho tôi và một mùi hương trầm thoang thoảng. Tôi ngẩng lên và ngỡ ngàng. Trước mặt tôi là một cô gái xinh như mộng: Mati - em gái của Maba...
Sau khi dùng bữa tối, chúng tôi được mời ra chỗ bốn cây cột thiêng ở trung tâm làng Karen. Ánh trăng rừng đã bắt đầu nhô cao lên đỉnh núi, hàng trăm người tụ tập trước “khu đất thánh” để chuẩn bị cho lễ hội. Những thanh củi to được thanh niên trong làng khuân chất thành từng đống, nhóm lửa sáng rực cả một vùng.
Những chum rượu nấu bằng lúa mạch được phụ nữ và nam giới chuyền tay nhau chiếc cần cùng uống. Tiếng cười nói, chúc mừng cho các gia đình có con gái đến tuổi đeo vòng huyên náo cả núi rừng. Những phụ nữ Kayan với chiếc vòng đồng đeo cổ sáng lóa dưới ánh trăng và ánh lửa bập bùng khiến chúng tôi nhìn đâu cũng không thấy người mà chỉ là những cái cổ dài di động.
Đối với người Kayan, phụ nữ là người quan trọng trong gia đình nên theo thứ tự, cánh đàn ông như chúng tôi được xếp ngồi phía ngoài cùng theo hình vòng tròn. Các vòng kế tiếp được dành cho các bà, các chị phụ nữ theo lứa tuổi. Khu vực trung tâm dành cho những phụ nữ lớn tuổi nhất của làng - những người được vinh dự cầm những chiếc vòng đồng đeo vào cổ cô gái Kayan trong buổi lễ.
Sáu cô bé 5 tuổi được mẹ dẫn lên cùng 18 thiếu nữ đến tuổi thay vòng đồng loạt bước lên quì trước cột thiêng. Lễ đeo vòng bắt đầu. Những vòng đồng được bọc kín trong các tấm khăn thổ cẩm để trên bàn tế trời đất được bà Mabi mở ra. Những chuỗi vòng đầu tiên nặng 0,5kg được các nữ già làng đeo vào cổ cho các bé gái vừa tròn 5 tuổi.
![]() |
Người mẹ với con gái vừa được đeo vòng lần đầu tiên trong đời |
Mới đeo vòng lần đầu, các bé cảm thấy vướng víu nên khóc sướt mướt, tay vân vê những chiếc vòng cứ đòi tháo chúng ra. Đây là chuỗi vòng đầu tiên gắn với cuộc đời các cô gái Kayan. Khi 8 tuổi, các bé sẽ phải đeo thêm chuỗi vòng thứ hai nặng 1kg và đến năm 12 tuổi sẽ được đeo chuỗi vòng thứ ba nặng 1,5kg...
Và cứ vậy bốn năm một lần, các cô sẽ được bổ sung số vòng cho đến khi nào cảm thấy cổ không còn dài thêm hơn được nữa. Việc thêm vòng sẽ chấm dứt khi người phụ nữ đến 45 tuổi. Và những chiếc vòng ấy sẽ theo họ đến khi từ giã cõi đời.
Xin anh đừng nhìn vào cổ dài của em…
Mati - hoa hậu xứ cổ dài - cũng thuộc số các thiếu nữ được thay vòng đợt này vì năm nay Mati vừa tròn 20 tuổi. Tranh thủ lúc mọi người đang rì rầm khấn nguyện, chúng tôi lẻn bước lên gần phía trên để nhìn Mati rõ hơn. Không đeo vòng trông Mati xinh xắn, dễ thương hơn nhiều. Cổ của cô không dài như khi đeo vòng. Có lẽ do đeo vòng lâu năm, xương cổ bị kéo xuống nên khi đeo vòng có cảm giác dài hơn nhiều so với những người bình thường. Trông thấy tôi nhìn mình, Mati thẹn thùng cúi mặt.
Đã quá nửa đêm, bản Karen chìm trong bóng đêm và ánh trăng khi tỏ khi mờ trên đỉnh núi. Các phụ nữ lớn tuổi, các bé gái và cánh đàn ông đều lần lượt về nhà. Chỉ có Mati và những cô bạn của mình sau khi tắm suối trở về ngồi lại thành một nhóm chuyện trò, hong tóc bên ánh lửa. Họ bắt đầu cất tiếng hát một bài dân ca Karen bằng thổ ngữ:
Xin anh đừng nhìn vào cái cổ dài của em
Những chiếc vòng và lời nguyền buộc em phải vậy
Nếu yêu nhau hãy cùng đi thật xa
Cởi chiếc vòng ra em sẽ là của anh
Qua lời người phiên dịch, chúng tôi bất ngờ khi biết bài hát này do chính Mati sáng tác cách nay hai năm khi cô vừa tròn 18 tuổi, để ghi nhớ mối tình đầu dang dở của mình với một chàng trai người Thái Lan tình nguyện đến đây dạy học cho trẻ em Kayan.
Ngày ấy hai người yêu nhau và người con trai Thái muốn cưới Mati làm vợ, nhưng tất nhiên ba mẹ và cả làng không đồng ý. Anh định tìm cách đưa Mati về Bangkok nhưng với điều kiện cô phải tháo bỏ những chiếc vòng ra khỏi cổ. Suy nghĩ mãi, Mati từ chối vì lý do không muốn bước qua lời nguyền của bộ tộc.
Nhắc lại mối tình xa cách, Mati rơi nước mắt. Cô kể: cách nay hơn chục năm từng có một cô gái trong bản yêu người đàn ông bộ tộc khác định bỏ trốn theo nhưng bị dân làng phát hiện. Cô đã bị các nữ già làng dùng chính những vòng đồng đeo cổ của cô nung lửa xiết vào cổ cho đến chết.
Theo tục lệ Kayan, nếu cô gái yêu người con trai trong bộ tộc thì có quyền trao sự trinh tiết của mình cho người ấy ngay sau khi hai người ngỏ lời yêu nhau. Nhưng nếu đã là hoa hậu như Mati thì việc lấy chồng phải do hội đồng nữ già làng định đoạt và người chồng trong mọi lúc mọi nơi không bao giờ được đụng vào cổ và những cái vòng thiêng liêng của vợ mình.
Do lời nguyền ấy nên hầu như các chàng trai trong bản không bao giờ dám để ý đến Mati. Mati buồn bã: “Những chiếc vòng cổ này đã khiến em không còn quyết định được tương lai của chính mình. Đối với dân làng, em là người tượng trưng cho việc gìn giữ cái cổ dài truyền thống. Nhưng đối với những người từ nơi khác đến như các anh, bọn em chỉ là một thứ hàng trưng bày lạ mắt, gợi sự tò mò”.
Gần 2g sáng, chúng tôi theo Mati trở về ngôi nhà gỗ lợp lá khô của gia đình cô. Trên đường về, Mati nói: “Em vẫn mơ ước tìm được một người đàn ông yêu thương mình thật lòng, không quan tâm, xăm xoi đến những chiếc vòng trên cổ của em”. Nhưng ước mơ ấy bây giờ vẫn là điều cao xa đối với những cô gái Kayan.
Bình luận (0)