xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Câu chuyện về những “Vua voi”

Anh Dũng

Núi rừng Tây Nguyên đã ghi nhận Ama Kông là “Vua voi” với chiến tích lẫy lừng bắt sống và thuần dưỡng được 298 con voi dữ. Trước ông rất lâu đã từng có một huyền thoại khác mà tiếng tăm đã vang xa khắp Đông Nam Á: Ông tổ nghề voi Khundjunob

Vua voi” Ama Kông cùng loại rượu Ama Kông danh bất hư truyền giúp sinh lực cường tráng mà ông pha chế đã chẳng còn gì xa lạ với du khách gần xa mỗi khi lên Tây Nguyên. Nhân chuyến công tác ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, tôi quyết định tìm đến Buôn Đôn (Bản Đôn) để được nghe tận tai, thấy tận mắt “huyền thoại sống” của núi rừng Tây Nguyên. Tuy nhiên, như một sự tình cờ đầy may mắn, tôi được nghe những câu chuyện rất thú vị về một huyền thoại “Vua voi” mà tên tuổi đã vang lừng khắp Đông Nam Á những năm đầu thế kỷ 20, đó là ông tổ nghề săn bắt và thuần dưỡng voi Buôn Đôn – Y Thu Nul, hay còn được biết đến với cái tên khác là Khundjunob.

Ama Kông – một huyền thoại sống động

Buôn Đôn trở thành một địa danh hành chính có tên trên bản đồ khi người Pháp đặt chân lên vùng đất này vào năm 1890. Năm 1899, Buôn Đôn được xem như thủ phủ của Tây Nguyên. Đến năm 1904, người Pháp mới chuyển về Buôn Ma Thuột. Tuy không còn được xem là trung tâm kinh tế, thương mại, nhưng hầu như những nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc khu vực Tây Nguyên, Lào, Campuchia, đặc biệt là nghề săn bắt và thuần dưỡng voi vẫn được lưu giữ và truyền lại từ đời này đến đời khác ở Buôn Đôn.

Tôi tìm đến ngôi nhà cổ nhất Việt Nam nằm ở xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn, nơi gia đình “Vua voi” Ama Kông đang cư ngụ. Có một điều khá đáng tiếc là Ama Kông không sống ở xã Krông Ana gần 2 năm qua, mà đã vào một làng ở sâu trong phía dãy núi Yok Đil – Yok Gõ để ở chung với bà vợ thứ tư. Nghe chuyện có vẻ buồn cười bởi Ama Kông năm nay đã 93 tuổi mà còn quan tâm đến chuyện vợ chồng. Tuy nhiên, theo những người dân Buôn Đôn sống xung quanh cho biết nhờ sử dụng những bài thuốc quý, trong đó có rượu “cải lão hoàn đồng” của chính Ama Kông, mà “Vua voi” vẫn khỏe như một chàng trai tuổi đôi mươi, nên chuyện ông lấy đến 4 bà vợ (trong đó bà vợ thứ tư ông lấy ở tuổi thất thập, khi đó bà mới tròn 20 tuổi). Chuyện Ama Kông có đến 22 người con cũng là việc bình thường!

Không gặp Ama Kông, nhưng được nghe người con gái lớn của ông là bà Mệ Luynh (70 tuổi) kể về những chiến công lẫy lừng của “Vua voi” cũng như giới thiệu những công cụ đã hỗ trợ ông bắt 298 con voi được treo đầy trong nhà sàn cổ cũng đã là điều rất thú vị. Nào là năm 13 tuổi, Ama Kông bắt được con voi đầu tiên. Khi đó, ông phải mất 2 ngày trời quần thảo mới khuất phục được con voi con gần 3 năm tuổi. Nào là Ama Kông bắt được một con voi cái trắng cực kỳ quý hiếm, rồi sau đó đã phải khóc hết nước mắt khi bán nó cho nhà vua Thái Lan...

Đang say sưa nghe bà Mệ Luynh kể về cha mình, bất chợt tôi để ý đến một thanh kiếm và cái mâm đồng cổ được treo trên vách nhà gần tấm hình thẻ mà Ama Kông dùng để tham dự Festival Huế 2005. Săn voi tại sao lại dùng kiếm? Cái mâm đồng cũ kia dùng làm gì...? Tôi đem những thắc mắc này hỏi bà Mệ Luynh và câu trả lời khiến tôi tò mò hơn bao giờ hết: “Hai thứ này không phải của Ama Kông mà của ông tổ nghề voi Khundjunob để lại”.

Kiếm cũ và mâm cổ

Những câu hỏi của tôi về 2 vật dụng trông chẳng có gì liên quan đến nghề săn bắt voi kia được người con gái mà Ama Kông rất thương yêu giải đáp rành mạch. Cái mâm đồng có đường kính khoảng 70 cm với những hoa văn được chạm trổ tinh xảo chính là kỷ vật duy nhất còn sót lại của ông tổ nghề voi Khundjunob, người đã khai sinh ra nghề săn bắt và thuần dưỡng voi rừng Buôn Đôn.

img
Thanh kiếm và chiếc mâm đồng, những di vật liên quan đến “Vua voi” Khundjunob

Cái mâm này được dùng để cúng bái trước mỗi lần Khundjunob cho voi nhà xuất trận đi bắt voi rừng và cũng dùng để cúng, làm thủ tục nhập buôn cho những con voi mới bị bắt. Riêng thanh kiếm cổ có tên Kiếm hộ mệnh (Ngao Tẹt Xạng Tak Tôk M’Roh) vốn do vua Bảo Đại tặng cho ông Ama Pợ Pho Khăm Súc, cháu rể của Khundjunob, khi ông này tháp tùng vua đi săn voi ở rừng Mê Vạn (nay là huyện CưM’gar). Thanh kiếm đã bị gãy 1/3 phần đầu lưỡi do Ama Pợ Pho Khăm Súc chém trúng ngà một con voi dữ vào năm 1942.

Tôi tiếp tục thắc mắc: “Vậy đây là 2 vật dụng liên quan đến Khundjunob, nhưng tại sao ông được xem là ông tổ nghề voi, và ai đã gọi ông là “Vua voi?”. Câu trả lời của bà Mệ Luynh khiến tôi quá đỗi bất ngờ, bởi Khundjunob không ai khác là cha vợ của “Vua voi” Ama Kông. Ông là người có công khởi nghiệp nghề săn bắt, thuần dưỡng voi cho Buôn Đôn và giao lưu buôn bán với các nước láng giềng khắp Đông Nam Á. Cũng chính Khundjunob đã truyền cho người con rể mà sau này cũng là Vua voi những ngón nghề bào chế thuốc bí truyền cũng như cách săn bắt những loài voi dữ.

Khundjunob – “Vua voi” vĩ đại của rừng núi Tây Nguyên

Về chiến tích, có lẽ chẳng ai qua được Ama Kông trong việc săn bắt voi, nhưng nếu so về quyền thế và tiếng tăm, cha vợ Khundjunob của ông mới thực sự là “Vua voi” vĩ đại. Khundjunob sinh năm 1827, tên thật là Y Thu Knul. Ông được xem là một trong những thủ lĩnh người Ê đê được người Pháp, các dân tộc ở Tây Nguyên và nhiều nước Đông Nam Á khác kính trọng nhất nhờ tài săn bắt và thuần dưỡng voi dữ tuyệt vời, cũng như luôn tạo được sự hòa hiếu giữa các dân tộc trong vùng để phát triển thông thương, buôn bán.

img
Vua voi Ama Kông, con rể của ông tổ nghề săn voi Y Thu Nul

Y Thu Knul sinh ra trong một gia đình tù trưởng lớn ở Buôn Đôn. Từ nhỏ ông đã tỏ ra là một người hiếu động, khỏe mạnh, khôn ngoan và bắn nỏ giỏi. Lên thay cha làm tù trưởng, ông đã chứng tỏ sự khôn khéo và tài năng của mình khi đứng ra dàn xếp thành công những bất đồng, xung đột trong việc tranh chấp đất đai, nô lệ giữa những tù trưởng của dân tộc Ê đê và M’nông, khiến tất cả đều khâm phục và xem ông như là thủ lĩnh của các dân tộc ở Tây Nguyên.

Làm thủ lĩnh giỏi, ông còn được tất cả kính phục nhờ tài săn bắt voi cực giỏi. Trong nhà ông có thời điểm nuôi đến hơn 100 con voi lớn nhỏ, bò gà nhiều vô kể. Trong một lần vào rừng săn voi, ông đã chiến đấu dữ dội với một con voi trắng quý hiếm và thuần phục được nó. Sau đó ông đã bán con voi trắng này cho vua Xiêm (Thái Lan) và được hậu đãi, đồng thời được phong danh hiệu Khundjunob. Từ đó các dân tộc đều kính trọng gọi ông là Khundjunob; còn người Pháp gọi ông là “Vua voi”.

Tiếng tăm của Khundjunob đã vang xa khắp Tây Nguyên, đến tận những nước láng giềng như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar... Trong một phóng sự của nhà báo Pháp H.Le Grauclaude viết năm 1933 có một đoạn miêu tả về quyền thế của “Vua voi” Khundjunob như sau: “Khi nghe các quan tướng của vua Bảo Đại kể về những con voi đẹp có ở kinh thành Huế nhân chuyến thăm của vị vua này đến Buôn Đôn giàu đẹp của Khundjunob, “Vua voi” có phần tức giận và lập tức ra lệnh cho toàn bộ các quản tượng (người trông và nuôi voi) ở Đắk Lắk phải mang voi về tập hợp ở Buôn Đôn cho vua Bảo Đại thấy quyền thế của ông.

162 con voi khắp vùng Tây Nguyên lập tức được đưa đến xếp một hàng dài từ Buôn Ma Thuột cho đến Buôn Đôn. Tiếng voi rống được thay cho tiếng kèn, tiếng trống chào đón. Khundjunob chứng tỏ sự oai phong của mình khi cho 2 con voi quý của ông đứng gác ngay trước nơi nghỉ ngơi của Bảo Đại, đồng thời biếu ông một con dao cán bạc, vỏ dao làm bằng ngà quý...”. Bản thân nhà báo H.Le Grauclaude cũng tỏ ra thán phục khi cho rằng ngay cả ở đất nước Ấn Độ vốn nổi tiếng thế giới về voi cũng chưa có ai có thể ra lệnh một lúc mà tập hợp được nhiều voi đến thế. Năm 1937, “Vua voi” Khundjunob mất và được con cháu xây mộ ở Buôn Đôn.

Nhờ Kpá Y Khoa dắt đến mộ Khundjunob. Sau 10 phút chạy xe máy khỏi trung tâm du lịch Buôn Đôn, chúng tôi đến một nghĩa trang của người dân tộc. Y Khoa chỉ cho tôi xem ngôi mộ của Khundjunob. Đó là một ngôi mộ được xây trang trọng nhất ở đây với chiều cao cũng như diện tích vượt trội hơn hẳn so với các ngôi mộ khác, đã chứng tỏ sự quý trọng, tôn kính của người dân tộc với ông tổ nghề voi của họ.

Trong nắng chiều lấp lánh phản chiếu từ dòng sông Sêrêpốk hùng vĩ cách đó chừng 50 m, ngôi mộ của Khundjunob đứng uy nghiêm, trang trọng như thể lúc “Vua voi” đứng trước những chú voi dữ đang khép nép, sợ hãi và quy phục...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo