Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là chương trình NTM) tổ chức mới đây tại TP Cần Thơ, ông Trần Văn Môn, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM trung ương, nêu lên một thực trạng đáng lo ngại: Việc xây dựng NTM còn biểu hiện chạy theo thành tích để sớm đạt chuẩn, tình trạng nợ đọng xây dựng NTM tại nhiều địa phương vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Làm đường, mắc nợ dân
Việc nhiều người dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang liên tiếp nhiều ngày qua gửi đơn khiếu nại, đòi tiền bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) làm đường NTM là điển hình cho thực trạng trên.
Trước đó, năm 2014, tỉnh Hậu Giang triển khai dự án nâng cấp mở rộng đường tỉnh 928 B. Toàn tuyến dài khoảng 13 km, qua 5 ấp của thị trấn Búng Tàu đến xã Phương Phú (huyện Phụng Hiệp) và điểm cuối là thị trấn Trà Lồng (huyện Long Mỹ). Dự án được lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xem là một công trình lớn, giúp các địa phương hoàn thành sớm tiêu chí xây dựng xã NTM. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, từ đầu năm 2015 đến nay, trong nhiều gói thầu của dự án, gói thầu số 4 (dài khoảng 6 km, đoạn đi qua xã Phương Phú và thị trấn Búng Tàu) xảy ra chuyện nợ hàng chục tỉ đồng tiền GPMB của 392 hộ dân.
Bà Mạnh Thị Vân (ngụ ấp Tân Thành, thị trấn Búng Tàu) bức xúc: “Đáng lẽ phải bồi thường trước rồi mới tiến hành làm đường; phải vận động, kêu gọi, tạo sự đồng thuận của người dân khi làm đường NTM. Đằng này, chính quyền làm ngược lại. Đường làm xong gần 2 năm nhưng chẳng thấy tiền bồi thường đâu”. Người dân xã Phương Phú cho biết nhiều lần họ đến chính quyền địa phương khiếu nại, kiến nghị tỉnh chi trả nợ GPMB nhưng bất thành.
Chính vì thế, gần đây, nhiều hộ đem cây cối ra trồng ven đường, gây áp lực đòi đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Phương Phú, cho rằng dự án làm đường này giúp các địa phương có đường đi qua sớm đạt tiêu chí xây dựng xã NTM nhưng gây ra quá nhiều rắc rối. Trước bất bình của dân, ngày 11-3 vừa qua, ông đã gửi công văn cầu cứu lên chính quyền cấp trên.
Theo ông Lê Văn Năm, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hậu Giang, việc nợ tiền GPMB của người dân tại dự án đường tỉnh 928 B, sở đã có buổi họp dân và hứa sẽ chi trả trong thời gian sớm nhất. Dự kiến tháng 5 này, sở sẽ tập trung rà soát lại từng hộ, từ đó mới đưa ra mức bồi thường hợp lý theo mức giá mới.
Xã nào cũng mang nợ
Chuyện làm đường mắc nợ dân ở Hậu Giang chỉ là “chuyện nhỏ” trong bối cảnh rất nhiều địa phương trong cả nước bị nợ nần khi xây dựng NTM.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua hơn 5 năm triển khai chương trình NTM, bộ mặt nông thôn ở nhiều xã đạt chuẩn NTM được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, khá nhiều xã sau khi cán đích NTM thì... nợ như chúa chổm. Điển hình là huyện Quảng Điền, có đến 90% xã NTM nợ tiền xây dựng các công trình theo tiêu chí NTM đề ra.
Từ năm 2011, Quảng Thành được chọn làm xã điểm NTM của huyện Quảng Điền. Vì là xã thuần nông, kinh tế khó khăn nên để tham gia cùng chính quyền làm NTM, nhiều hộ khó khăn phải đi mượn tiền đóng góp. Các công trình NTM nhanh chóng ra đời. Trụ sở làm việc, Nhà Văn hóa xã Quảng Thành được đầu tư xây kiên cố. Hậu quả là sau đó, trong lúc nhiều hộ dân phải lo trả tiền đóng góp xây dựng NTM thì chính quyền xã ôm nợ bạc tỉ. Ông Đào Trọng Thành, Chủ tịch UBND xã Quảng Thành, cho hay đã cố gắng hết sức, bán đấu giá đất 3 lần mới kéo số nợ từ trên 3 tỉ đồng xuống dưới 1 tỉ đồng cho việc xây trụ sở.
Đến đầu tháng 4-2016, xã Quảng Thọ (huyện Quảng Điền) chỉ đạt 13/19 tiêu chí nên chưa được công nhận đạt chuẩn NTM. Dù chưa cán đích nhưng theo ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, hiện xã đang phải gánh khoản nợ xây dựng cơ bản lên đến 6,8 tỉ đồng đối với công trình chợ Tân Xuân Lai - 1 trong 13 tiêu chí đạt được. Ông Phong cũng thừa nhận do ngân sách hạn hẹp, nguồn thu chỉ vài trăm triệu đồng mỗi năm nên hầu như công trình NTM nào của xã cũng nợ vốn.
Ngoài Quảng Điền, qua 5 năm thực hiện chương trình NTM, huyện miền núi Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có 50% xã đạt chuẩn NTM, trong đó phần nhiều xã rơi vào cảnh nợ nần. Trước tình hình trên, ông Phạm Quyền, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình NTM tỉnh Thừa Thiên - Huế, yêu cầu các địa phương gửi báo cáo tổng hợp nợ đọng xây dựng NTM để có biện pháp xử lý.
Lãng phí chợ nông thôn
Không rơi vào tình trạng nợ nần nhưng nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi vì chạy theo các tiêu chí xây dựng NTM đã gây lãng phí đầu tư, nhất là tiêu chí chợ nông thôn.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 148 chợ nông thôn, trong đó có 2 chợ hạng I, 22 chợ hạng II và 124 chợ hạng III. Trong 5 năm thực hiện chương trình NTM, tỉnh đã đầu tư xây dựng 20 chợ, trong đó xây mới 13 chợ và nâng cấp 7 chợ với tổng mức đầu tư 269 tỉ đồng. Qua thực hiện, 82 xã (chiếm 50%) đạt tiêu chí về chợ nông thôn. Dù vậy, sau khi xây chợ để đáp ứng tiêu chí NTM, đa phần các chợ bị bỏ hoang. Điển hình là chợ trung tâm xã Phổ Nhơn (huyện Đức Phổ). Ngôi chợ này xây dựng từ đầu năm 2013 trên diện tích 5.000 m2, kinh phí 2,2 tỉ đồng. Chỉ sau 2 tháng đưa vào sử dụng, ngôi chợ không ai ngó ngàng tới và hiện nay nhiều hạng mục đã xuống cấp.
T.Trực
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-5
Kỳ tới: Bán đất trả nợ
Bình luận (0)