
Con đường này hết sức vắng vẻ, đến mức có thể nghe được tiếng chim rúc rích đâu đó trong cành lá, thấy vài chú sóc chuyền thoăn thoắt qua những cành cây. Và nếu để ý một chút còn có thể hái được một nhúm ớt núi để làm gia vị cho bữa tối.
Đi vào lúc đúng ngọ nhưng cái nắng trưa gay gắt dường như dịu lại dưới những vườn chuối, xoài, mãng cầu xanh mướt phủ kín sườn núi.
Càng lên cao, vườn tược thưa dần, chỉ còn lại đá núi, cây rừng. Dấu ấn còn sót lại của mùa gió bấc hiện ra càng rõ nét. Ngàn cây trút lá, in hình hài trơ trụi lên bầu trời xanh mát. Bên dưới, lá vàng phủ kín lối đi. Sau một năm đơm hoa kết trái, quả của nhiều loài cây bắt đầu tách vỏ, rụng hạt để ươm mầm cho mùa sau.
Không còn vẻ xanh tốt của mùa mưa, núi Bà Đen có nét gì hơi cằn cỗi, “khó tính” trong cái nắng xế chói chang làm bước chân của cả đoàn như nặng nhọc hơn…
Nhưng nắng rồi cũng ngả về chiều, càng lên cao không khí càng thoáng mát. Gần đến đỉnh, đá núi, cây cổ thụ thưa dần, đường đi cũng hẹp lại một lối mòn nhỏ với hai bên là cỏ tranh, tre, trúc, hoa ngũ sắc và đặt biệt là cỏ lau. Cơ man nào là cỏ lau! Những rừng cỏ lau cao lút đầu người, bạt ngàn trong gió làm cho cảnh chiều tà trên núi nhốm một màu quan san, hiu quạnh.
Khi chúng tôi đặt chân lên đến đỉnh núi Bà thì cũng đã hơn 5 giờ 30 chiều. Sương chiều kéo tới nhanh, làm mờ dần những cảnh trí dưới mặt đất, chỉ còn mặt trời với ráng chiều đỏ rực ở phía trời tây.





Trời sắp sang xuân, trên núi trời quang mây tạnh. Trăng thượng tuần như một mảnh bạc treo lơ lửng trên bầu trời đen thăm thẳm chi chít sao. Từ trên cao nhìn xuống, thị xã Tây Ninh với những dãy đèn đường dọc ngang lấp lánh bỗng trở nên xa vời vợi trong tầm mắt và tâm thức của những người vừa bỏ phố lên rừng.
Nằm ngủ trong bốn bề gió lộng nên cả đoàn không ai ngon giấc. Trời chưa sáng hẳn đã gọi nhau dậy thu dọn lều trại để kịp ngắm bình minh rồi tranh thủ xuống núi… ăn sáng.
Với phương châm của dân du khảo là “đi một đường về một đường” chúng tôi quyết định xuống núi bằng một con đường khác mà đoạn cuối của nó là đi ngang qua chùa Bà.
Lẽ thường lên thì khó chứ xuống thì dễ. Nhưng với núi Bà Đen, việc này không hề đơn giản. Con đường mà chúng tôi chọn để xuống núi dù đã mòn nhẵn dấu chân người nhưng lại có vẻ bề bộn và khá hiểm trở. Những tảng đá to xếp chồng lên nhau ngổn ngang, những “bậc thang tự nhiên” cao quá chân với đã “làm khó” nhiều đôi chân ít vận động. Trong đoàn không ít người bị căng cơ vì bước cố bước qua những tảng đá to.
Xuống không mệt nhưng rất đau và mỏi, suốt đường đi nhiều người không dám ngồi nghỉ vì đã ngồi rồi thì đứng dậy là một cực hình. Sau hơn ba tiếng đồng hồ lăn, lê, trượt bằng cả hai chân hai tay chúng tôi cũng tới chùa Bà.
Để kết thúc một chuyến leo núi bằng những cảm xúc mạnh mẽ, sảng khoái, chúng tôi quyết định “trượt” tiếp xuống núi bằng hệ thống máng trượt nổi tiếng của Khu du lịch núi Bà Đen.




Bình luận (0)