icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chưa đi, chưa biết Phố Đông...

An Bình Minh

Từ lâu, cái tên Phố Đông (Thượng Hải – Trung Quốc - TQ) đã gắn với hình ảnh một đô thị hoành tráng, có tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt… Để tìm hiểu về sự thần kỳ của Phố Đông chắc phải mất nhiều ngày. Nhưng mấy ai có cái quỹ thời gian xông xênh ấy. Đi du lịch Thượng Hải thường ở trong tư thế phi ngựa xem hoa. Vì thế chỉ xin lược ghi vài nét gọi là

Chỉ mới bay trên bầu trời Thượng Hải, từ từ hạ độ cao chuẩn bị đáp xuống sân bay, khách đã mắt tròn, mắt dẹt vì sự đồ sộ của Phố Đông. Con sông Hoàng Phố, chia Thượng Hải thành Phố Đông và Phố Tây. Phố Tây (đô thị cũ) đã định hình xong. Phố Đông, cái dáng hoành tráng hôm nay vẫn chỉ đang là nét phác thảo của một tương lai đầy gợi mở.

1.000 Ngày và 300 ngày

Phố Đông bắt đầu được xây dựng từ năm 1990. Chỉ 15 năm sau, nó đã có dáng vóc của một người khổng lồ. Có thể nói tốc độ xây dựng của Phố Đông ở mức nhanh kỷ lục. Nơi đây đã sản sinh ra một ý tưởng ngoạn mục, nhanh chóng được hiện thực hóa và nay đã thanh khẩu hiệu hành động: 1.000 ngày cho sự thay đổi lớn – 100 ngày cho sự thay đổi nhỏ. Công trình xây dựng dù lớn đến đâu, cũng chỉ làm trong 3 năm, công trình nhỏ chỉ trong 3 tháng: Tháp truyền hình Đông phương Minh Châu, cao 468 m; ở lưng chừng có một khách sạn 5 sao (25 giường, giá 800 USD/ ngày – muốn có chỗ phải đặt trước), lầu thượng ở độ cao 454 m, nhìn toàn cảnh Phố Đông, Phố Tây: 1991 xây, 1994 xong. Chín con đường ngầm (mỗi ngầm 3 km) và 4 cầu nổi qua sông (mỗi cầu 7 km) nối liền Đông Tây TP Thượng Hải cũng chỉ xây dựng trong 3 năm (1993-1996).

Trông người ngẫm đến ta mà thấy buồn: Ta hơn hẳn bạn cái khoản “công trình rùa” và thời hạn hoàn thành thì luôn ở dạng thể nghi vấn (có thể). Này đây, cầu Dần Xây thành cầu - xây - dần - dần. Và kia, cây cầu Nguyễn Văn Trỗi nằm trên đường dẫn vào trung tâm TPHCM ngắn cũn (trong nghề xây dựng gọi đó là cầu... chó nhảy qua!) đã hai năm rồi... vẫn... “dần xây”! Còn chuyện cầu – hầm vượt sông Sài Gòn, chỉ riêng việc lựa chọn cầu nổi hay hầm chui đã “cãi nhau” hơn 5 năm trời...

Trở lại chuyện ở Phố Đông: Chính tốc độ xây dựng đã thay đổi cả quan niệm về sự chọn lựa: Trước năm 1990, người Thượng Hải mạnh miệng tuyên bố: “Thà một chiếc giường ở Phố Tây hơn một biệt thự ở Phố Đông”. Bây giờ thì ngược lại, kiếm một chỗ kê cái giường ở Phố Đông không hề đơn giản! Giá nhà ở đây thuộc hạng đắt nhất TQ. Nhiều căn hộ chung cư ở trung tâm chỉ nghe đã xanh mặt: 19.000 USD/m2. Giá cao như vậy, nhưng người dân TQ không được sở hữu nhà mà chỉ được quyền sử dụng trong một thời hạn nào đó. Thông thường là 15 hoặc 20 năm.

Xem đầu người

Tốc độ xây dựng chính là động lực cho Thượng Hải bắt đầu phát triển toàn diện từ năm 1994. Thượng Hải là TP có số dân đông nhất TQ: 20 triệu người. Với dân số như vậy nên người TQ có câu nói đùa: Đến Bắc Kinh xem tường thành (rất nhiều tường: tường ở Vạn Lý Trường Thành, ở Tử Cấm Thành, ở Di Hòa Viên...), còn đến Thượng Hải thì xem... đầu người! Vào giờ đi làm và tan tầm buổi chiều, người đi bộ các ngả đường đông như nêm, đâu đâu cũng chỉ thấy đầu là đầu. Đi du lịch Thượng Hải nên tránh “3 cái 7 ngày”: Đó là Ngày Quốc tế Lao động 1-5, Quốc khánh TQ 1-10 và Tết Nguyên đán. Mỗi dịp lễ này, người dân TQ đều được nghỉ 7 ngày. Khi ấy sẽ là cảnh biển đầu người nhích từng cm những con đường bị tắc nghẽn...

Ở TP Thượng Hải, người dân sử dụng chủ yếu là ô tô. Thượng Hải là TP có nền công nghiệp ô tô khá hùng mạnh. Ở Thượng Hải chỉ cần trên dưới chục ngàn USD là mua được xe, nhưng tiền đăng ký xe thì cực đắt: từ 4.000 đến 5.000 USD mới có được biển số xe. Các xe vào Thượng Hải đều phải đóng 50 tệ (khoảng 101.000 đồng).

Thượng Hải, đặc biệt là ở Phố Đông có hệ thống giao thông hiện đại. Nhiều con đường trong nội đô có bảng điện báo tình trạng lưu thông để các bác tài tìm đường thông thoáng, tránh nơi đang tắc nghẽn. Ở giao lộ giữa Phố Đông và cao tốc có một vòng xoay 3 tầng, mặt đường cực kỳ tráng lệ; buổi tối lung linh như dải ngân hà. Cũng từ sự tráng lệ này mà người ta đã gán cho vòng xoay một huyền thoại. Chuyện kể rằng lúc đóng cọc để làm móng xây cây cột xương sống khổng lồ có tên là Kiến Long thì tất cả các cọc đều bị gãy vì nơi đây có long mạch tọa thủ. Đúng lúc tưởng đã vô phương thì có vị sư trụ trì chùa Long Hòa đến mách cho cách đóng cọc và yểm long mạch. Lập tức các cọc đóng thun thút như ấn xuống đất bùn. Nhưng khi khó khăn được hóa giải thì 5 ngày sau, vị sư cao thâm kia cũng viên tịch. Nghe nói, vị sư đã biết trước hậu họa của việc tiết lộ thiên cơ, song ông vẫn quyết chí với tâm nguyện: Vì sự phát triển của TP, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng.

Tương phản phố Đông

Thượng Hải được mệnh danh là TP bê tông. Những nhà chọc trời, mọc san sát bên nhau. Cây xanh lèo tèo, lọt thỏm phía bên dưới. Trung bình khoảng 70 người dân có một cây xanh. Mùa nắng, hơi bốc lên từ những khối nhà bê tông khiến nhiệt độ ngoài trời nhiều hôm lên đến 40oC.

TQ nói chung có rất nhiều chùa nổi tiếng về xuất xứ và danh lam thắng cảnh. Vì vậy, hầu hết các chùa đều gắn với kinh doanh, du lịch, khai thác với đủ hình thức. Thượng Hải cũng không ngoại lệ. Vé vào cổng ở chùa Ngọc Phật vào chủ nhật và ngày lễ, có giá 60 tệ/lượt/người (ngày thường là 20 tệ). Ở Tô Châu (tỉnh Giang Tô) có chùa Hàn Sơn Tự, ngoài giá vé 30 tệ, khách bỏ thêm 5 tệ sẽ được gióng 3 tiếng chuông cầu phúc - lộc - thọ. Riêng tiếng chuông đầu tiên của ngày đầu năm mới phải đấu thầu. Nghe nói năm ngoái, có giá tới 5.000 tệ. Chùa Linh Ẩn (Hàng Châu) có lẽ là nơi giá vé cao nhất: 65 tệ (khoảng trên 132.000 đồng). Một hướng dẫn viên người địa phương cho biết, vị trụ trì chùa này cực giàu, “đi hẳn một xe BWM 7.6 mới tinh”. Có thể nói, các chùa thu được rất nhiều tiền từ vé vào cổng. Vì thế, đã người đã nói lén: Phúc Phật không đến được với người nghèo.

Đường phố ở Thượng Hải tuyệt đẹp. Các quy định về trật tự đô thị rất nghiêm. Song (không hiểu sao) ở Phố Tây lại có khá nhiều con đường phơi quần áo, chăn màn... thoải mái. Có cả quần lót phụ nữ treo toòng teng, vừa tầm đầu người; khách bộ hành không để ý, chui qua... vô tư. Thượng Hải là một trong những nơi đón khách du lịch nhiều nhất TQ, nhưng các nhân viên tiếp tân khách sạn lại ít chịu học tiếng Anh. Giao lưu giữa chủ khách thường phải dùng động từ quơ (ra hiệu bằng tay) hoặc... vẽ. Nhưng nếu vẽ thì khách phải có năng khiếu đặc biệt. Không cẩn thận muốn ăn món nấm, nhà hàng lại mang ra cái dù (cái ô); hoặc gọi món thịt bò (vẽ hình đầu thú cắm 2 cái sừng), tiếp viên lại vỡ lẽ, vào dẫn ông chủ (vốn bị cắm sừng) ra thì khốn!

Phố Đông nhà chọc trời, khách sạn san sát. Hầu hết đều 4 sao - 5 sao. Song tôi nghiệm ra một điều: đi chơi chốc lát thì được; còn ăn ở thì không đâu bằng nhà mình. Nhà mình, chính là khách sạn 6 sao, muốn gì cũng có, tiện nghi đầy đủ. Chỉ phải mỗi tội... thái thái (vợ - tiếng Trung Quốc) quản lý hơi nghiêm. Nếu bả hiền đi chút chút thì ắt là trên mức hảo hảo. Bởi thế chưa đi chưa biết Phố Đông là vậy.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo