icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện Tây ở Hội An

DƯƠNG QUANG

Công ty Du lịch Hội An đã nghĩ ra tour du lịch “Một ngày làm dân phố cổ”. Theo đó, du khách Tây sẽ được trồng và ăn rau sống Trà Quế, được xem và làm lồng đèn Hội An, được moi đất sét là làm nặn gốm ở làng nghề Thanh Hà. Cái cách bắt Tây phải trả đô-la để được làm... nông dân ấy không chỉ thể hiện sự sáng tạo của người làm kinh doanh Hội An, mà còn cho thấy bộ phận du khách Tây đã thực sự hòa nhập vào đời sống của cộng đồng người dân nơi đây.

Hiếm có đơn vị hành chính cấp thị xã nào trong cả nước giàu có như Hội An (tỉnh Quảng Nam) bây giờ: Mức thu nhập trung bình của mỗi người dân trong phố cổ khoảng 10 triệu đồng/năm, tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 15% - 20%. Chính lực lượng du khách Tây vốn được mệnh danh là “GDP của Hội An” đã mang lại thành quả đó. Người Hội An đã hết sức nhạy bén trong kinh doanh du lịch

Sau vài tháng đặt chân đến Hội An cách đây chừng 20 năm, cố kiến trúc sư người Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (tên thân mật là Kazik) nhận định: “Phố cổ Hội An sẽ trở thành một địa chỉ thương mại - du lịch nổi tiếng trong tương lai, phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của nó”. Đúng như lời tiên đoán của Kazik, 5 năm qua, Hội An đã thức giấc, giũ bỏ lớp bụi thời gian để khoác lên mình chiếc áo “Di sản Văn hóa Thế giới”. Người Hội An đã biết cách làm giàu và thực sự trở nên giàu có từ di sản của mình.

Hội An - thời của... Tây.- Du khách sau khi đến Hội An thường nhận xét: Đến Hội An, Tây đi “đụng đầu”, bởi lẽ du khách Tây nhiều hơn ta. Vào dịp Tết Nguyên đán Ất Dậu, Tây tràn ngập phố cổ, ngồi kín các quán bar, nhà hàng. Tây đến với Hội An dạng nào cũng có, từ doanh nhân, nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ... cho đến sinh viên, lao động thất nghiệp sống nhờ những đồng tiền trợ cấp từ nước bản xứ. So với nhiều điểm du lịch trong nước, giá khách sạn ở Hội An không cao, chi phí sinh hoạt thường ngày không đắt nên Tây đến Hội An, người sống nhờ trợ cấp thất nghiệp, cũng đủ sức trụ lại nơi này vài tháng. Thậm chí, có người thiếu tiền nhưng ở lâu, quen mặt nên được chủ khách sạn dễ dàng cho... khất nợ!

Không phải khách Tây nào sang Hội An cũng có lắm tiền. Thiếu tiền, Tây làm thuê và không ít chủ nhà hàng ở phố Hội đã nhanh chóng tiếp cận lực lượng lao động này. Những lao động Tây có trình độ thì được thuê làm công việc tiếp thị hay pha chế. Như bar Lounge trên đường Nguyễn Thái Học chẳng hạn, đã từng thuê một số nhân viên pha chế người nước ngoài làm việc cho quán vì những nhân viên này nắm bắt được “gu” của du khách quốc tế. Tây balô ở Hội An còn làm những việc tưởng như không bao giờ làm, như: cò khách cho các khách sạn hoặc bán hàng lưu niệm để chia hoa hồng, hoạt động cả trong phố cổ lẫn ở biển Cửa Đại. Một lần đến Cửa Đại, tôi bất ngờ khi đối diện với một người bán bưu thiếp có quốc tịch... Đức. Anh ta tên Oliver, quê gốc vùng ngoại ô Dresden, thất nghiệp và sang Hội An đã 3 tháng cùng một người bạn. Oliver nói tiếng Anh giả cầy, buộc những đứa trẻ bán hàng rong ở đây phải “dịch” lại, đại loại: Chưa tới ngày nhận tiền trợ cấp bên kia chuyển sang (qua thẻ thanh toán) nên cạn túi. Ban ngày làm chỉ đủ ăn, ban đêm phải ngủ... ghế đá.

Những trường hợp Tây balô làm thuê như vậy ở Hội An không nhiều và thông thường, chu kỳ làm thuê của họ rất ngắn bởi sau khi có được một số tiền, họ lại trở về với “bản chất” của một khách du lịch thực thụ: ngủ khách sạn, ăn nhà hàng, dạo phố và mua sắm. Năm 2004, ngành du lịch tỉnh Quảng Nam đón 970.000 du khách, trong đó du khách quốc tế chiếm hơn 60% và phần lớn đã đến và ở lại Hội An. Bên cạnh lợi ích kinh tế thu được, một yếu tố không kém phần quan trọng là Tây balô đã hòa mình vào đời sống văn hóa của cộng đồng người dân phố Hội. Dù là Tết Tây (1-1) hay Tết Nguyên đán của Việt Nam, Tây balô đều chào đón hết sức nồng nhiệt. Đêm giao thừa Tết Ất Dậu, tôi có mặt tại phố cổ Hội An, chứng kiến niềm vui nồng nhiệt của Tây balô trên những ngả đường phố Hội tràn ngập sắc hoa và hương trầm nồng ấm. Cho dù giao thừa năm nay không có màn bắn pháo hoa trên sông Hoài, nhưng bài hát Happy New Year của nhóm ABBA vẫn vang lên ấm cúng tại khắp các nhà hàng, quán nước. Tại nhà hàng Vĩnh Hưng ngay ngã ba Châu Thượng Văn - Trần Phú, nữ du khách người Mỹ tên Jane Rose kể với tôi rằng, cũng như 2 năm trước, năm nay chị đều ăn Tết Việt Nam ở Hội An cùng chồng là anh Arnau. Chiều 30 Tết, vợ chồng Jane đi viếng các chợ hoa, vào chùa Phúc Kiến vãn cảnh rồi đến điểm hẹn với bạn bè tại các nhà hàng, chờ đến giờ giao thừa và nhảy múa. “Hội An thật yên bình. Ở đây du khách chẳng lo lắng điều gì, đời sống thật dễ chịu. Đặc biệt, chúng tôi có rất nhiều bạn ở đây, kể cả những người bạn là dân phố Hội. Tôi đã từng ngủ trong nhà cổ Sanh Hiên và Tấn Ký, đã từng vào bất cứ nhà nào ở Hội An để chúc Tết dù không quen biết” - Jane nói.

“Tây hóa” phố cổ.- Sau ngày Hội An được UNESCO công nhận là “Di sản Văn hóa Thế giới” (4-12-1999), ngành dịch vụ của Hội An bùng nổ và phát triển nhanh đến chóng mặt. Nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm sau mưa. Cửa hàng bán đồ lưu niệm, quần áo may sẵn, cho thuê xe, giặt ủi... nở rộ từng ngày. Dù Tây đến Hội An chưa phải là hạng khách VIP, nhưng so với mặt bằng tiêu dùng chung, đây chính là “GDP” của Hội An. Hiếm có đơn vị hành chính cấp thị xã nào trong cả nước giàu có như Hội An bây giờ: Mức thu nhập trung bình của mỗi người dân trong khu phố cổ khoảng 10 triệu đồng/năm, tăng trưởng bình quân mỗi năm từ 15% - 20%. Vì thế, người Hội An được khen là khéo làm dịch vụ.

Trái với vẻ cổ kính hàng mấy trăm năm nay của phố cổ, ở Hội An, dường như cái gì cũng dành cho Tây. Ông Diệp Gia Tùng, chủ nhân kho báu cổ vật Diệp Đồng Nguyên ở số 80 Nguyễn Thái Học, nói rằng từ hơn 60 năm trước, bảng hiệu của hãng dầu nhớt Shell đã được giăng trước cửa nhà ông. Còn bây giờ, ở Hội An cái gì cũng Tây, từ ông chủ khách sạn giàu có đến thằng nhóc bán tò he cũng nói tiếng Tây như... gió!

Nét Tây dễ nhận thấy trên đường phố Hội An nhất là bảng hiệu. Đi khắp phố cổ, tìm đỏ mắt cũng chẳng ra một bảng hiệu thuần túy tiếng Việt. Tiếng Anh, Pháp, Nhật, Nga và kể cả tiếng Trung Quốc đầy giăng, thỉnh thoảng mới chen vài chữ Việt. Internet, hotel (khách sạn), restaurant (nhà hàng), bookstore (tiệm sách), souvenir shop (quầy lưu niệm), clothes shop (cửa hàng quần áo)... vốn đã quen dùng, được sử dụng rộng rãi đã đành, nay một số từ khó, lạ cũng được trưng tràn tràn lên bảng, chỉ có... Tây mới hiểu! Chiều mùng 4 Tết, nhiều nhà hàng chưa mở cửa và chủ tiệm chỉ cần treo bảng có chữ “close” ra trước cửa là đủ. Trước đây, đa phần người dân Hội An chưa biết những Visa card, Master card, ATM, Western Union... là gì thì giờ chúng đã xuất hiện khắp nơi, chẳng cần một lời giải nghĩa đi kèm! Bà bán cơm gà trên đường Phan Châu Trinh lo thực khách thèm cái món cơm gà Hội An mà không được thưởng thức (vì chưa được bán cơm gà trong thời cúm gia cầm), nên đã nghĩ ra cách làm “cơm gà giả”. Lúc ngang đây, thấy bảng “Cơm gà GIẢ” (với chữ GIẢ viết hoa), tôi chột dạ, tưởng bà chủ quán tên là GIẢ, bèn ghé hỏi thực hư, mới té ngửa khi nghe bà trả lời thiệt tình: Giả là giả - thiệt đó chú ơi, không phải tên tui đâu. Họ (chính quyền thị xã) chưa cho phép bán cơm gà trở lại, nên phải làm cơm gà giả bằng cách lấy thịt cốt-lết xé nhỏ ra cho giống thịt gà! Chú lật đằng sau bảng hiệu mà coi là hiểu liền hà”. Phía đằng sau tấm bảng hiệu, cái món cơm gà giả của bà cũng được “Tây hóa” hết chỗ nói: “False Chicken Rice Hoian”. “Con gái tui viết đó, để cho Tây balô biết đường mà ăn” - bà nói. Chắc rằng khi đọc tới từ false (trong tiếng Anh có nghĩa là giả dối) thì chắc chẳng Tây balô nào, dù có thèm cơm gà đến mấy dám thưởng thức!

“May nóng” là dịch vụ dành cho Tây là chủ yếu, giúp không ít người ở Hội An ăn nên làm ra và phất lên nhanh chóng. Chỉ cần để lại số đo và địa chỉ phòng khách sạn, chừng 2 giờ sau khách hàng có thể nhận được bộ quần áo may theo ý mình tại nơi đã hẹn. Nếu đã gấp gáp về nước thì vài ngày sau sẽ nhận được hàng qua các công ty chuyển phát nhanh quốc tế. Đây được đánh giá là dịch vụ “Tây” nhất, chỉ có ở Hội An. Và người Hội An cũng đã chọn cách quảng bá khá độc đáo cho cửa hàng may nóng của mình, đó là dùng lời của khách Tây để “dụ” khách Tây. Tôi đã đọc được những câu viết sau đây, được treo trước một cửa hàng quần áo trên đường Huỳnh Thúc Kháng, ký tên một du khách nước ngoài: “I had some clothes made at this shop. I found the quality service. Not mention the price!!!” (Tôi đã may vài bộ quần áo ở cửa hàng này. Chất lượng khá tốt. Giá cả không là vấn đề!). Một nhân viên của shop Thu Thủy khẳng định rằng chính những khách hàng Tây balô mới là cầu nối tiếp thị cho dịch vụ may nóng của các cửa hàng trong phố cổ.

Chồng Tây - “vợ phố cổ”!.- Kể chuyện Tây ở Hội An thì phải nhắc đến chuyện con gái phố Hội lấy chồng ngoại. Những người rành Hội An đều có chung một nhận xét rằng đã có khá nhiều cuộc hôn phối chồng Tây - “vợ phố cổ” trong mấy năm qua.

Nổi đình nổi đám nhất trong chuyện này là mối tình của một cô bé Hội An vừa đen vừa khó nhìn lại khó tính, được người địa phương đặt cho “hỗn danh” là “Cá Liệt”, với một du khách người Mỹ khá lịch lãm, làm nghề y tá. Lúc đó, nhiều người không tin rằng họ sẽ nên vợ nên chồng vì sự tương phản về mọi mặt. Thế nhưng chẳng biết bằng biệt chiêu nào mà “Cá Liệt” đã chiếm trọn trái tim của chàng y tá người Mỹ. Thấy cái cảnh “Cá Liệt” được cưng chiều hết cỡ, nhiều người cứ hoài nghi, còn anh chàng y tá người Mỹ chỉ giải thích đơn giản: “Tôi yêu cô ấy, vì cô ta là con gái Hội An!”. Đám cưới của họ được tổ chức sau đó và “Cá Liệt” đã xuất cảnh sang Mỹ. Một người bạn gái mà tôi “kịp” quen biết trong dịp Tết Quý Mùi cách đây 2 năm nay cũng đã lên xe hoa với một du khách người Pháp.

Trường hợp có chồng ngoại mới nhất ở Hội An là chuyện của một cô bé bán cơm lấy được anh chồng Việt kiều Mỹ giàu sụ. Đưa cho tôi một CD do một tổ chức của UNESCO thực hiện về Hội An, ông Diệp Gia Tùng nói thêm: Cô bé xinh đẹp nhất trong CD này đã tìm được chồng “ngon” nhờ... cái CD được bán qua Mỹ. Chuyện tình này cũng khá hy hữu: Cô bé L. là con một chủ quán bán cơm gần chợ Hội An, khá xinh, da trắng, dáng đẹp, nằm trong đội múa Chăm của thị xã. Sau khi CD về phố cổ Hội An được UNESCO thực hiện (L. có tham gia ở một số cảnh quay) và phát hành sang nhiều nước, trong đó có Mỹ. Một Việt kiều Mỹ đã mang CD này trở lại Hội An, tìm ông Diệp Gia Tùng và tìm L. Mối tình của anh ta và L. đã nảy sinh từ đó. Từ cô bé bán cơm sống trong ngôi nhà khá tuềnh toàng, L. và gia đình đã đổi đời nhờ người yêu giúp cho gần...1 tỉ đồng để xây nhà mới, hiện chỉ chờ ngày cưới. Ông Diệp Gia Tùng nói vui rằng con gái Hội An bây giờ rất có giá. Chính di sản đã mang lại cho họ nhiều cơ hội, trong đó có cơ hội tìm được chồng ngoại một cách chính đáng. Âu đó cũng là sự nhanh nhạy, thức thời của người dân phố Hội lâu nay.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo