Trên sân chọi trâu Long Bình, Cộ đang quần thảo nảy lửa với chú trâu nòi của một đại gia ở tít Hà Tây. Hai kỳ phùng địch thủ hết tung đòn húc đến dùng sừng chém ngang. Giữa lúc quyết liệt, Cộ tung ra một thế “móc hầu, bẻ cổ” sở trường từng khiến nó bất khả chiến bại. Chú trâu Hà Tây quay ngang, bỏ chạy... Trong lúc cả sân Long Bình hả hê với chiến thắng của trâu nhà, ông Đoàn Văn Lộc, “thầy” của Cộ, vội vàng dắt đứa “trò cưng” đi tìm chỗ săn sóc.
Tuyển trâu chọi khó hơn... kén vợ
Ông Lộc vốn là nông dân quê ở Quảng Ngãi, năm nay 48 tuổi nhưng đã có thâm niên 20 năm huấn luyện trâu chọi. Theo ông, bí quyết tuyển trâu chọi của từng vùng có khác nhau. Dân miền Bắc chọn trâu theo các tiêu chuẩn: sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, tai lá mít, đít lồng bàn. Ngoài ra, con trâu nào có 2 xoáy nằm ở hai bên cánh mũi thì càng có giá. Nhưng dân miền Trung lại có bí quyết khác: sừng to bản, mắt bồ câu, bẹ đuôi to, ức xệ. Ông Lộc giải thích: “Ức càng xệ chừng nào thì trâu càng khỏe chừng đó. Bẹ đuôi to chứng tỏ xương của trâu lớn và chắc chắn”.
Cánh thợ mới vào nghề thường cho rằng, tuyển trâu chọi còn khó hơn cả việc... kén vợ. Trâu thì có nhiều, song để tuyển những con đủ chuẩn lại không đơn giản, phải đầu tư khá nhiều công sức, thậm chí lặn lội ở vùng xa xôi, hẻo lánh để tìm mua. Kể về trường hợp săn lùng con Cộ, ông Lộc nói: “Con này tụi tui phải ăn dầm nằm dề ở Bình Phước hàng tháng trời mới tuyển được”. Người đi tuyển trâu chọi còn phải biết con trâu có tánh nết gì đặc biệt. “Nghịch ngợm, thường xuyên đánh nhau với trâu hàng xóm và bỏ nhà... đi bụi với trâu cái là số một” - ông Lộc đúc kết.
Coi trâu như người thân
“Điều tối kỵ nhất là dùng roi vọt. Mình phải coi trâu như người thân, phải biết dỗ ngọt thì nó mới nghe”- anh Đỗ Minh Công, quê ở Ninh Bình, có thâm niên 2 năm trong nghề huấn luyện trâu chọi, cho biết. Theo ông Lộc, để trâu quen hơi, người dạy phải có bí quyết riêng. Bí quyết của ông Lộc khá đơn giản: Cho trâu làm quen dần với mùi nước bọt, mồ hôi của “thầy”. Tập cho trâu nghe hiệu lệnh và dạy các thế đánh là giai đoạn khó khăn nhất đối với huấn luyện viên. Ông Lộc dẫn chúng tôi đi thăm con trâu số 30. Sau hai tiếng “tu... tu” của ông Lộc, con trâu này ngoan ngoãn lùi lại, đứng lên, nằm xuống... Ông Lộc cho biết, để trâu thuần thục các động tác trên cũng mất hơn 1 tháng.
“Thầy” dạy trâu còn phải biết cách cưng chiều “học trò”. Sau những trận chọi nhau, người huấn luyện phải biết cách chăm sóc, an ủi trâu, nhất là xoa bóp vết thương. Trâu chọi cũng rất tinh ý. Những hôm mưa gió, chỉ cần người huấn luyện chạy ra lợp lại mái chuồng là dường như ngày hôm sau dạy trâu dễ nghe lời hơn. Những người dạy trâu lâu năm thì lý giải hiện tượng trên bằng một câu nói đơn giản: “Đó chẳng qua là cái tình giữa người và con vật”.
Nhiều lúc suýt mất mạng
Với những người huấn luyện lâu năm, hiểu tính nết trâu còn là cách để bảo đảm an toàn tính mạng cho bản thân. Nhiều người ở trường chọi trâu còn nhớ chuyện anh Dũng, một thầy giáo trẻ bị “học trò” quần cho tả tơi hồi tháng 10-2004. Trong khi đang huấn luyện, con trâu bỗng nhiên trở chứng, quay lại húc thẳng vào người Dũng. Dù khá khỏe và đã dùng hết sức để ghì hai sừng con trâu, Dũng vẫn bị nó hất tung, rơi xuống đất bất tỉnh.
Kinh nghiệm đầy mình như ông Lộc mà cũng bị con trâu ruột chém hồi tháng 4 năm ngoái. Khi vừa tháo dây thừng ở lỗ mũi cho trâu đi chọi, ông bị nó quay lại húc thẳng vào người làm ông té ngã. Biết con trâu có ngón đánh ngang sở trường, ông Lộc nằm ngửa người, hai tay thủ thế trước ngực để đối phó. Bị bắt bài, con trâu mới chịu phép bỏ đi. Người huấn luyện dù trẻ hay già thì cũng có vài vết sẹo do trâu “tặng” làm kỷ niệm.
Với người dân ở Sài Gòn, loại hình chọi trâu khá mới mẻ, nghề huấn luyện trâu suy cho cùng là nghề “thời thượng”. So với nghề nông, mức thu nhập nghề này cũng khá. Song điều họ quan tâm nhất vẫn là được sống, được đam mê và kiếm tiền chính đáng từ sức lao động của mình.
Bình luận (0)