icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đến Cực lạc Thái Bình thưởng thức thơ... nghĩa địa!

Bài và ảnh: Dương Quang

Ở xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu - tỉnh Tây Ninh) có một nghĩa địa độc nhất vô nhị với mỗi ngôi mộ được tạc kèm một hoặc vài bài thơ. Người dân địa phương không “chịu” gọi đây là nghĩa địa mà đặt cho nó một cái tên rất thanh thoát: Cực lạc Thái Bình

Cực lạc Thái Bình nay đã có hàng ngàn mộ, cả cũ lẫn mới. Theo Ban Quản lý Cực lạc Thái Bình, có hơn 90% mộ mới (được lập trong vòng 5 năm trở lại đây) được tạc kèm thơ. Bây giờ, ở Cực lạc Thái Bình hiện đang có không dưới 3.000 bài thơ.

Thơ... nghĩa địa cũng nghĩa tình, lãng mạn.- Cụ bà Đỗ Thị Rượu ở gần Cực lạc Thái Bình kể rằng khu này được lập cách đây khoảng 70 năm. Lúc đó, đây là vùng rừng rú, chỉ có vài nấm mộ vô chủ. Sau giải phóng, dân cư ngày càng đông và khu nghĩa địa được quy hoạch, gắn cho cái tên là Cực lạc Thái Bình. Theo ông Tư Rế, một lão nông ở xã Bàu Năng, người dân địa phương hiếm ai gọi đó là nghĩa địa Bàu Năng mà đặt cho cái tên Cực lạc Thái Bình, hàm nghĩa là miền cực lạc bình yên dành cho những người đã khuất. Chỉ tay ra những khu mộ trắng lô nhô, ông kể: “Từ lâu lắm rồi, có một người đàn ông giỏi làm thơ qua đời. Con cháu khắc lên bia ông một bài thơ để hoài niệm. Từ đó, người ta thấy hay hay, nên mỗi khi lập mộ ai cũng đề thơ để bày tỏ niềm thương tiếc, cũng là mong mỏi cho những người quy tiên được an giấc ngàn thu. Chú ra ngoài đó mà đọc, sẽ hiểu vì sao người ta gọi đây là Cực lạc Thái Bình”.

Trái với vẻ lãng mạn nói trên, ở Cực lạc Thái Bình cũng có những điều đáng lo: Nếu như thân chủ của người dưới mộ (mới) không “cung phụng” đám trẻ con địa phương thì mộ có thể bị đập phá. Trong nhiều trường hợp, thân chủ không thuê đám thợ làm mả, làm bia tại chỗ mà thuê từ nơi khác tới, thì người nằm dưới mộ cũng chẳng được yên.

Trưa. Cực lạc Thái Bình ăm ắp nắng. Hầu như ngôi mộ nào cũng có một bài thơ được tạc trịnh trọng hai bên hoặc phía sau tấm bia. Thơ con tưởng nhớ mẹ, vợ hoài niệm chồng, chồng biệt vợ, cha mẹ biệt con..., tất thảy đều có với đủ thể loại như lục bát, song thất lục bát, tứ tuyệt... Tôi len lỏi qua nơi yên giấc ngàn thu của nhiều con người, đọc được những bài thơ sâu sắc, những câu thơ khá hay và cảm động: “Bây giờ mẹ đã đi xa / Bây giờ còn lại chỉ là nhớ thương / Mẹ ơi trong những đêm trường / Nguyện cầu hồn mẹ nhẹ nhàng siêu thăng”. Hay là bài thơ của một người chồng tiếc nhớ vợ hiền với lời nhắn gửi sâu lắng, ý tứ: “... Mình hãy chờ khi nào anh xong việc / Ta cầm tay dạo bước chốn tiên bồng”.

Thơ... nghĩa địa nhưng cũng rất đời, nặng tình nặng nghĩa. Không nhất thiết phải bình luận chuyện thi tứ ở đây, điều đáng ghi nhận là mỗi bài thơ chính là tình cảm rất thật của những người còn sống dành cho những người đã đi xa. Ông Tư Rế nói rằng chút lòng thành mới là đáng quý. Nghĩa tử là nghĩa tận, chứ ai có màng chi câu chữ, điệu vần... Tôi còn đọc được tại vùng cực lạc này những bài thơ không kém phần tình tứ, lãng mạn, chủ yếu là của vợ đề tặng chồng hoặc chồng đề tặng vợ. Thử đọc câu thơ của người vợ trẻ gửi chồng nơi suối vàng: “Đường trần tuy vắng hình tri kỷ / Người thế còn mơ dạng cố nhân”. Hay trong câu thơ của chồng gửi vợ, dường như nỗi tiếc thương hoàn toàn biến mất, tình cảm được chuyển tải khá nhẹ nhàng, bay bổng: “Mây hồng độ ấy không về nữa / Còn lại mình anh ngóng nắng mai”.

Chọn thơ như chọn bài... hát karaoke!.- Dưới mỗi bài thơ không hề có tên tác giả, chỉ ghi người đề tặng chung chung như Phu tử lưu bút, Hiếu tử lưu bút, Thê tử lưu bút, Phụ mẫu lưu bút... Một người dân địa phương giải thích: “Vậy mới là thơ... nghĩa địa chứ!”. Tìm hiểu xuất xứ của những bài thơ, mới biết chẳng có nơi đâu lạ lùng như xứ này: Mỗi thợ làm bia đều có thể là... nhà thơ. Thơ được chép thành những cuốn sổ dày, thân chủ xem qua, thích bài nào thì chọn, chẳng khác gì chọn bài khi... hát karaoke!

Chị bán nhang trong Cực lạc Thái Bình bảo: “Mấy anh muốn mua thơ thì gặp mấy người làm bia, xây mộ như ông Tám Vũ, ông Khanh, ông Tùng... Ai cũng thủ sẵn quyển thơ dày cộp, khách cần loại thơ gì cũng có. Đặt thơ chữ Tàu, chữ Tây họ cũng nhận”. Trong vai người đi mua thơ, chúng tôi tìm vào trại đục bia Quốc Khanh. Thả trên bàn hai tập thơ dày, nhăng nhít chữ, chị chủ trại xởi lởi: “Mấy anh cứ việc chọn bài ưng ý. Hai ngày sau sẽ có, nhận gắn luôn lên mộ. Bây giờ “ép” vi tính rồi chứ không đục thủ công nữa, nên thơ đẹp khỏi chê”. Xem qua mấy chục bài thơ na ná nhau, tôi hỏi: “Thơ này ai sáng tác hả chị?”. “Cũng chẳng biết ai sáng tác nữa. Một số là của khách hàng làm, mang tới nhờ tạc, một số chép từ ngoài nghĩa địa, còn lại do mấy người làm bia... “nghĩ” ra”. Chị ta đáp tỉnh bơ. Anh chồng là chủ trại đục bia nói thêm vào: “Nghĩ ra câu nào, thấy phù hợp với gia cảnh của khách thì bán cho họ. Họ ưng ý đặt hàng thì mình đục luôn. Lúc cao điểm như gần Tết Nguyên đán hay tiết Thanh minh, tụi tui không có thời gian “nghĩ” ra thơ để bán. Khách hàng thúc, làm không kịp!”. Trong những lúc đắt hàng này, các chủ trại đục bia chỉ nhận đục những bài thơ ngắn từ 4 - 8 câu do họ cung cấp từ trong “danh bạ thơ”. Khách nào yêu cầu sửa câu sửa chữ rắc rối quá thì từ chối thẳng.

Đa phần những “thi sĩ... nghĩa địa” ở Cực lạc Thái Bình đều có học vấn rất thấp, chính tả viết sai be bét. Biết chớp thời cơ khi “phong trào thơ” ở Cực lạc Thái Bình đi lên, một số người đã làm giàu nhờ bán thơ. Giá của một bài thơ khắc trên đá hoa cương kích thước 40 cm x 60 cm là khoảng 400.000 đồng, trên đá thường thì rẻ hơn nhưng cũng ở mức 70.000 - 150.000 đồng/bài. Trước đây phải tạc thơ hoàn toàn bằng thủ công nhưng do “phong trào thơ” phát triển mạnh, khách hàng đông, nay họ dùng phương pháp tạc thơ bằng vi tính (cắt dán decal, sau đó dùng máy thổi cát để in thơ lên đá) để đáp ứng kịp nhu cầu. Chủ trại Quốc Khanh cho biết có không dưới 15 người bán thơ ở Cực lạc Thái Bình, sống dựa vào cái nghĩa địa... thơ này. Mỗi ngày có chừng 5 - 7 người được an táng tại đây nên đám “thi sĩ nghĩa địa” cứ nằm nhà mà chờ bán và tạc thơ lên mộ, ít nhất cũng kiếm được 100.000 đồng/người/ngày.

“Độ” thơ “chánh hiệu” đề tặng để khỏi đụng hàng!.- Tôi giật mình khi đọc được những câu thơ quen thuộc của các thi sĩ nổi tiếng. Một bài thơ khá hay của cố “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng cũng đã được “mượn” để gửi xuống suối vàng: “Trước khi về chín suối / Xin gửi lại đá vàng / Cõi trăm năm buồn tủi / Về trở lại nhân gian”. Có nhiều câu thơ cổ hay câu văn tế được viết theo lối biền ngẫu khi lên bia đã được “độ” lại. Một chủ trại bia nói nửa đùa nửa thật: “Thơ được mang vô đây rồi thì coi như là của chung, chứ chẳng phải của ai hết”. Thực ra, theo những người làm bia, trong số hàng ngàn bài thơ ở đây thì không thể tránh khỏi chuyện trùng lặp. Chuyện này xem ra cũng kỳ, nên phải đi tìm thơ mới để bổ sung vào bộ sưu tập thơ cho phong phú. Mà thợ đục bia thì không thể nghĩ ra thơ mãi được, nên phải “cóp” ở đâu đó. Có ai đó nghe qua, nhớ loáng thoáng rồi chép lại, tự ý bổ sung thêm. Chủ trại bia Quốc Khanh cho biết mộ của một phụ nữ được lập vào tiết Thanh minh năm Giáp Thân 2004 đang giữ “kỷ lục” về số lượng bài thơ được tạc. Có cả thảy 8 bài thơ do 8 người con đề tặng, tạc kín cả tấm bia to, chủ trại bia phải “tư duy” dữ lắm mới không trùng câu chữ. Nhưng, ông chủ trại bia ngay cổng vào Cực lạc Thái Bình nói như đinh đóng cột: “8 bài ăn nhằm gì! Tôi đã từng tạc một lúc mười mấy bài cho một ngôi trong đó. Bạn bè, con cháu, thân hữu, ai cũng muốn đề tặng một bài, có người mang cả thơ của các thi sĩ “chánh hiệu” vào cho khỏi đụng hàng người khác. Ai cũng giành tạc bài thơ của mình ở vị trí trang trọng nhứt”. Tôi hỏi “kỷ lục” ấy tọa lạc tại vị trí nào, ông ta chặc lưỡi: “Nhiều quá, nằm giữa mênh mông mộ chí kia, có... trời mới nhớ!”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo