Dạo quanh dãy phố bên bờ kênh đào Moscow với những đoạn vỉa hè rộng hơn 1.000m², chúng tôi bắt gặp gần chục cửa hàng bày bán cả trăm món đồ cũ từ thời thế chiến thứ hai.
Hỏi chuyện người bán hàng mới hay khu chợ này đã tồn tại gần 10 năm. Không như chợ vỉa hè ở Việt Nam, chợ đồ cũ Moscow lặng lẽ, thâm trầm như chính khoảng không gian của chiều ngoại ô xứ này.
Tiền không là tất cả
Tôi đứng tần ngần trước gian hàng bằng gỗ tạm của người đàn ông đeo kính râm có bộ râu hùm oai vệ. Gian hàng bày bán những kỷ vật thời Liên Xô (cũ), từ những ngọn cờ được xếp ngay ngắn, những chiếc balô thời chiến mốc meo cũ mèm đến chiếc thắt lưng, xà cốt của những người lính Xô Viết năm nào. Ngay cả những vật dụng bình thường của người lính như mũ kêpi, bình toong, dây lưng… đến chiếc phù hiệu bằng kim loại đã ố màu thời gian đều có mặt.
Quầy hàng chuyên bán quân dụng thời chiến ở chợ đồ cũ
Người đàn ông đeo kính đen giải thích với chúng tôi: “Hàng ở đây có nhiều nguồn gốc, có thể từ các gia đình cựu binh hay những người buôn bán vật dụng linh tinh. Cũng có khi hàng xuất phát từ các phiên chợ tận bên Đức vì người già phương Tây có sở thích đi tìm hoài niệm ở những chợ đồ cũ”.
Chìa cho tôi xem chiếc xà cốt có giá 1.800 rúp, ông chủ hàng nói chỉ có những người chỉ huy trong thế chiến thứ hai mới được dùng loại xà cốt này. Thấy chúng tôi chê đắt, ông hạ giá còn 1.500 rúp. Chúng tôi vẫn lưỡng lự, ông hạ giá thêm lần nữa. Cuối cùng, anh họa sĩ đồng hành với tôi mua chiếc xà cốt với giá 1.300 rúp.
Những chiếc phù hiệu bằng kim loại đã ố màu thời gian được bàn bán
Người bán hàng trong chợ đồ cũ rất niềm nở với khách. Họ trả lời mọi câu hỏi của khách hàng và tỉ mỉ giới thiệu điểm đặc sắc của từng món hàng bày bán. Thậm chí, khi chúng tôi bỏ sang quầy khác sau hàng loạt câu hỏi tò mò, người bán vẫn không mảy may khó chịu.
Những sinh viên Việt Nam đang theo học ở trường đại học G.Mu đóng trên đồi Lênin gần đó nói với chúng tôi rằng việc mua bán ở chợ đồ cũ khá dễ. Nếu có cảm tình với khách và thấy khách tỏ ra yêu quý món hàng thì… giá cả không thành vấn đề, người bán sẵn sàng bán với giá nào cũng được!
Kiếm tìm hoài niệm
Thật lạ, giữa lòng thủ đô náo nhiệt và sầm uất của xứ sở bạch dương, người ta vẫn nườm nượp đổ về chợ đồ cũ vào mỗi dịp cuối tuần. Chợ họp cả tuần nhưng đông nhất là thứ bảy, chủ nhật.
Rời khỏi quầy hàng bán quân dụng thời chiến, chúng tôi ghé vào gian hàng chuyên bán máy ảnh, ống nhòm cổ của một anh chàng người Nga trẻ tuổi.
Khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc máy ảnh cổ tại chợ đồ cũ
Chỉ vào mấy chiếc máy ảnh to đùng lạ mắt, chàng thanh niên này khoe: “Những chiếc máy ảnh này có tuổi thọ gần 100 năm rồi đấy. Bán rẻ cũng không dưới 250.000 rúp (khoảng 1.000 USD) một máy đâu”.
Cầu kỳ hơn, anh chàng cho tôi xem một trong những chiếc máy ảnh “đời đầu”. Nó cũ kỹ to sù, ống kính dài gần nửa mét xếp lại theo kiểu ruột mèo.
Ở đây, dân nghiền máy ảnh cổ có thể dễ dàng tìm thấy một chiếc Agfa Synchro Box “Made in Germany” chính hiệu được sản xuất từ thập niên 1950 còn nguyên bao da, hoặc chiếc Exakta ra đời trước Thế chiến II vẫn còn mới, hay chiếc Rolleiflex đời đầu, model 2.8F năm 1929 nằm bóng lộn trên chiếc giá mỹ miều.
Tùy theo "tuổi thọ" và độ tinh xảo của hoa văn, những chiếc thắt lưng da này có giá từ 1.000 - 2.000 rúp/cái
Hòa vào dòng người mua mua bán bán ở chợ đồ cũ, tôi nhận thấy thú chơi đồ cũ hấp dẫn người Nga lạ kỳ. Người mua lùng được những món đồ cổ thì háo hức ngắm nghía, cất giữ như gặp được điềm may mắn lớn.
Nếu khách du lịch đến chợ vì tò mò hay để khám phá một nét văn hóa thì người lớn tuổi bản xứ đến đây để sống lại với những ký ức xa xưa dường như đã nhạt nhòa trong nhịp sống hiện đại.
Bình luận (0)