Các nhà nghiên cứu thường bảo, nhà cổ vô giá. Trật lất! Nhà cổ có giá rạch ròi. Giá được tính bằng tiền. Tiền đó tính trên từng mét vuông, từng chi tiết một. Mua một ngôi nhà rường cổ tại Quảng Nam dễ như một bó rau hoặc mớ cá ngoài chợ. Đó là điều có thật.
Di sản như... rau, cá!.- Nằm trên Quốc lộ 1, gần thị trấn Vĩnh Điện thuộc huyện Điện Bàn, cách chỗ chợ chó ngày xưa một quãng ngắn là chợ nhà rường cổ Quảng Nam. Chợ bày cả ra hai bên đường trên khoảng đất khá rộng. Chợ này hoạt động rầm rộ cách đây khoảng 3 năm. Ban đầu nhỏ lẻ, tự phát, sau phát triển thành Công ty Tư vấn Thiết kế nhà gỗ Quang Vĩnh. Đến đó, nếu sẵn tiền, bạn có thể mua bất cứ giờ nào một ngôi nhà rường cổ có tuổi 100 năm, 3 gian, 2 chái, hoặc 5 gian, 2 chái cùng những “đồ chơi” đúng mốt đi kèm như nhà cầu, nhà lẫm (gian sau cùng dùng để chứa lúa), tràng kỷ, liễn, đối, tủ chè, sập, phản, hạc gỗ, cối xay bột, cối giã gạo bằng đá... Ông chủ của chợ nhà cổ này tên là Lê Văn Tăng, được ca ngợi như một doanh nhân năng động trong việc buôn bán nhà cổ. Nhờ nhà cổ mà ông Tăng đã trở thành tỉ phú. Lúc nào ở mặt tiền chợ nhà cổ này cũng có khoảng 7, 8 ngôi nhà cổ được trưng bày ngoài trời sát với lề đường. Hàng chục thợ mộc, thợ sơn đang đục đẽo, sơn phết lại mấy cái tủ thuốc bắc hay mấy gốc cột đã xuống nước. Đó chỉ là cách “diễn” cho khách coi chơi thôi. Đồ thật nằm ở phía sau. Vừa hỏi câu đầu tiên, ông chủ đã cho “lính” dẫn vào ngay trung tâm chợ nằm khuất sau mặt đường. Thật “hãi” khi thấy những ngôi nhà dựng phía trước mặt tiền chẳng là gì cả. Trên một bãi đất hẹp chừng 500 mét la liệt những cây cột, những tấm xuyên, trính, vì kèo cũ kỹ, chạm trổ công phu đang được thợ gia cố lại. Càng kinh hơn nữa khi thấy một bãi chồng chất cơ man nào là những viên đá táng chân cột. Đá lớn có, nhỏ có, đá mẹ (thớt bằng nằm dưới), đá con (thớt trái bí nằm trên)... hơn cả ngàn viên đang hiện hữu. “Ngôi nhà này bao nhiêu?”. Đấy là một căn nhà 3 gian, gỗ mít lưng thước hai (thước ta), chạm trổ rất tinh vi. “Cứ tính 2 triệu mét vuông” - ông chủ trả lời. “Bộ tràng kỷ bao nhiêu?”, “Bốn triệu rưỡi!”; “Tủ chè?”, “Hai triệu”; “Tấm bình phong?”, “Hai triệu”; “Cái cối đá giã gạo?”, “Bốn trăm”... “Còn căn nhà lớn này giá thế nào?”. Ông chủ đáp: “Chính xác hai triệu rưỡi mét vuông”. “Không bớt sao?”. “Bớt chút ít để thợ sửa theo ý muốn sau khi mua”. Giá chắc nịch khoảng 350 “chai”! Đó là giá tính cho sườn nhà cổ loại trung bình, có hư hỏng một chút và đã được thợ ở xưởng này chữa lành lặn trở lại. Những căn nhà cổ loại “gộc” nằm ở bãi chợ đối diện bên kia đường. Bên này có những sườn nhà “đúng bài” nhà cổ. Có sườn bộ cột dài tới trên 15 mét, chu vi một người ôm không hết. Có lẽ đây là cột đình. Làm thế nào để mua được những sườn nhà như vậy? Đó là bí quyết làm ăn của ông chủ, không được tiết lộ. Nhưng theo một số người sành nhà cổ, ông chủ này có một đội quân lùng sục khắp các vùng quê truy tìm nhà cổ. Đội quân này có người làm lái bò lái heo, hay la cà khắp nơi. Việc dò hỏi những ngôi nhà cổ chẳng mấy khó khăn gì. Phần lớn chủ nhân những ngôi nhà này đều nghèo, không đủ tiền tu sửa nên bán nhà gỗ để đổi nhà xây, kiên cố hơn.
Nhà cổ không ở Hội An.- Năm ngoái, trong mùa mưa, 1 ngôi nhà cổ ở Hội An bị sụp đổ. Ngay lập tức, ông chủ tịch thị xã khôn khéo đã lên truyền hình vò đầu bứt trán, kêu ca, chỉ trích, tiếc nuối xót xa... Thật hiệu quả, liền sau đó từ trung ương đến tỉnh đều rút ngân sách cấp (hoặc hứa cấp ngân sách) để trùng tu những ngôi nhà nằm trong quần thể đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới này. Thực ra, tại tỉnh Quảng Nam, ngoài những ngôi nhà cổ Hội An được dán nhãn mác, bất khả xâm phạm, hàng trăm ngôi nhà khác giá trị chẳng khác gì nhà cổ tại Hội An đang trôi nổi khắp “giang hồ”. Số phận những ngôi nhà cổ đó hiện ở đâu, đi về đâu, chỉ có... những ông trùm buôn nhà cổ mới biết. Huế, TPHCM, Hà Nội... bây giờ đều đã có nhà cổ Quảng Nam hiện diện. Năm 2001, Trung tâm Bảo tồn Di tích Quảng Nam được sự giúp đỡ của tổ chức JICA (Nhật Bản) đã tiến hành khảo sát nhà cổ tại Quảng Nam. Kết quả khảo sát cho thấy thời điểm đó có đến trên 300 ngôi nhà cổ có giá trị ở các huyện Tiên Phước, Tam Kỳ, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn... Phần lớn đó là những nhà rường gỗ kiểu Quảng Nam do hai làng mộc nổi tiếng là Kim Bồng (Hội An) và Vân Hà (Tam Kỳ) chế tác xây dựng cách đây trên 100 năm. Đặc biệt, có một số ngôi nhà có giá trị kiến trúc rất đặc sắc như nhà ông Huỳnh Anh ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước. Thời kỳ trước, Ngô Đình Diệm đã từng 2 lần thương lượng mua lại ngôi nhà này nhưng ông Anh không bán. Một số ngôi nhà cổ khác giá trị cũng không kém nằm tại huyện Điện Bàn, Đại Lộc... Thế nhưng cho đến thời điểm này, ông Phan Thanh Bảo, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Quảng Nam, khẳng định: “Không biết những ngôi nhà đã được khảo sát đến nay còn lại được bao nhiêu. Nghe nói 3 căn nhà rất giá trị trên Đại Lộc chủ nhân đã bán vì không có tiền tu sửa”. Năm ngoái, trung tâm này đã có đề nghị xin tiền tu sửa cho một số ngôi nhà rường cổ ở các vùng quê Quảng Nam nhưng kinh phí cho vấn đề này hầu như không có. “Biết đó là di sản văn hóa quý báu cần phải giữ lại nhưng lực bất tòng tâm. Luật Di sản cũng không đưa vấn đề này vào. Đành chịu. Nhà của tư nhân thì họ có quyền mua bán!” - ông Bảo tâm sự như vậy.
![]() |
Thợ mộc đang “tút” lại các chi tiết của ngôi nhà cổ |
Nhà quê ra phố.- Trong vòng 2 năm nay, mốt ở nhà cổ của những người giàu có, những người trên đường giàu có (làm nhà cổ với mục đích kinh doanh) và giới văn nghệ sĩ đã trở thành một phong trào hẳn hoi. Nhà rường cổ Quảng Nam ở các vùng quê xa xôi từ đó vội vã ùn ùn kéo nhau “đi về” thành phố. Khởi điểm cuộc ra đi ồ ạt của nhà cổ có lẽ xuất phát từ những vùng ngoại vi ở đô thị cổ Hội An. Một số doanh nhân ở TPHCM đã làm cuộc đổ bộ ngoạn mục về Hội An khi di sản văn hóa này thu hút khách du lịch đáng kể. Tại đây, họ đã thuê đất, mua đất mở các khu du lịch sinh thái, làm biệt thự cổ để nghỉ ngơi... Nhà cổ theo chân các ông chủ vốn chỉ được ở nhà tầng tại thành phố này muốn thay đổi một không gian sống về tại vùng Cẩm Nam, Cẩm Châu, Cẩm Thanh của Hội An tọa lạc trên những khu đất rộng có cau, có dừa, có tre, chuối... như ở vùng quê. Nhà cổ là nhu cầu có thực của giới kinh doanh và cá nhân hiện nay. Chỉ đoạn đường ngắn từ Hội An về Cửa Đại, mọi người sẽ nhìn thấy rất nhiều nhà cổ “không phải Hội An”. Riêng khu du lịch sinh thái An Hà nằm đối diện khách sạn Victoria có đến 4, 5 nhà cổ lớn nhỏ.
Khách du lịch nội địa đi đến Hội An và bắt đầu chạy theo mốt nhà cổ. Từ đó nhà rường cổ Quảng Nam ra Đà Nẵng, vượt đèo Hải Vân ra ngược lại Huế (vốn trước đây cũng có rất nhiều nhà rường nhưng đã bán gần hết), Hà Nội rồi vào tận TPHCM. Thị trường nhà rường cổ ở Quảng Nam trở nên sôi động chưa từng thấy. Một thợ mộc lão luyện ở làng mộc Kim Bồng cho biết: “Dù phương tiện ngày nay khá hiện đại nhưng không thể nào làm lại được những ngôi nhà như ngày xưa. Những ngôi nhà cũ đã tháo dỡ ra rồi chuyển đi nơi khác cũng khó lòng làm lại nguyên trạng 100%”. Người dân ở nhà cổ vì bất lực trong việc tu bổ nên đành phải bán thôi. Ngay như tại phố cổ Hội An, nhiều ngôi nhà cổ cũng phải nằm dài... cổ ra chờ kinh phí trùng tu. Trong số những ngôi nhà cổ được đưa về chợ nhà cổ ở Vĩnh Điện, có rất nhiều nhà xuống cấp, trên cột đầy những vết sẹo của đạn bom, phải gia cố lại mới bán. Một người đồng nghiệp đi cùng nhìn những vết mảnh bom trên cột xót xa: “Trải qua 2 cuộc chiến tranh, những ngôi nhà này vẫn tồn tại, chủ nhân nó đã giữ được. Nhưng bây giờ thì không giữ được nữa. Chung quy cũng vì một chữ: tiền!”.
Bình luận (0)