icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đi qua vùng nước nổi

Bài và ảnh: HÙNG ANH

Hằng năm, từ tháng 8 đến tận tháng 11, vùng ĐBSCL chìm trong biển nước mênh mông. Mùa nước nổi mang theo nhiều nguồn lợi phong phú. Nhưng, sau khi những công trình trị thủy do con người tạo ra bắt đầu phát huy tác dụng hạn chế tai ương, mùa nước nổi ở ĐBSCL không còn hào phóng như xưa

Mùa nước nổi năm 2003 An Giang là tỉnh đầu tiên đưa ra đề án tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho dân vùng ngập lụt để ổn định đời sống. Tác giả đề án này là ông Nguyễn Minh Nhị (Bảy Nhị, nguyên chủ tịch UBND tỉnh). Với các ngành nghề liên quan đến mùa nước như đánh bắt thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt, làm dịch vụ..., ông Bảy Nhị nói thu nhập mỗi năm từ 1.300 tỉ đồng đến 1.500 tỉ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 600.000 người, thu nhập đạt 15.000 đồng/người/ngày. Sau đó, năm 2005 đến lượt Đồng Tháp triển khai mô hình này, giải quyết được 20.000- 30.000 lao động với mức thu nhập “khiêm tốn” 500 tỉ đồng- 700 tỉ đồng/năm.

Vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 mọi năm, những cánh đồng thuộc tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười nước đã dâng trắng xóa. Nhưng năm nay, đi từ Long Xuyên xẻ ngang ruột tứ giác, rồi băng qua túi phèn Đồng Tháp Mười về xứ vườn cây ăn trái Tiền Giang, tôi gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Đụng phải đê bao

Lúc tôi chuẩn bị vào tứ giác Long Xuyên, nhà văn xứ lúa Ngô Khắc Tài xuýt xoa: “Phải chi rảnh rỗi tớ sẽ đi với chú mày. Giờ này chắc đồng đất tứ giác ngập nước rồi. Kinh nghiệm cho thấy, mới đầu mùa mà nước đỏ au, đục ngầu phù sa thì năm nay nước về lớn hơn mọi năm”.

Ở An Giang, anh Tài là một trong số ít người rành từng con kênh, cánh đồng của tứ giác Long Xuyên. Anh có thể vừa nhâm nhi rượu đế vừa kể chuyện vùng này cả ngày cũng không hết. Nhưng lần này thì nhà văn xứ lúa hố to, còn tôi cũng ngỡ ngàng khi chứng kiến chỉ có nước từ sông Hậu đổ vào kênh xáng An Châu- Tri Tôn rồi tuôn ào ào vào lòng những con kênh trục chạy xuyên vùng tứ giác, không tràn vào đồng ruộng được giọt nào bởi đụng phải những hệ thống đê bao quá kiên cố. Bên trong, hàng ngàn tiểu vùng đê bao chia cắt vùng đất rộng gần 500.000 ha thành ô bàn cờ, những cánh đồng lúa bạt ngàn vẫn bình yên vô sự. Lúa hè thu 2006 chín vàng, nhà nông đang tất bật cắt, suốt, phơi, đốt đồng và nhiều nơi rục rịch chuẩn bị cày xới cho một mùa vụ mới. Ở phía bên kia sông Hậu, sông Tiền, gần 700.000 ha đồng đất Đồng Tháp Mười chạy dài từ Đồng Tháp qua Long An, Tiền Giang, nhà nông cũng đang ung dung thu hoạch lúa. Cái cảnh cắt lúa chạy lũ của những mùa nước trước đã chìm vào dĩ vãng.

Công bằng mà nói, có lẽ nhờ hệ thống đê bao ngăn nước kiên cố nên lúc này gương mặt dân vùng lụt không còn hằn sâu vẻ âu lo mỗi mùa nước về. Bên bờ con kênh Mướp Văn xuyên ruột tứ giác Long Xuyên, tôi gặp Chín Cường, chủ 3.000 m2 lúa mới thu hoạch đạt năng suất 30 giạ/1.000 m2 ở ấp Phú Bình, xã An Bình, Thoại Sơn- An Giang. Anh ngồi cạnh đống lúa đã phơi khô chờ thương lái đến cân, nhậu rượu đế, ca vọng cổ với bạn bè, tuyên bố chắc nịch: “Bán xong lúa là tui thuê máy cày làm đất gieo sạ vụ ba. Từ hồi có đê bao, khỏi lo chạy nước, tội gì hổng tranh thủ tăng vụ?”.

Mưu sinh trong biển nước

Nước không vào được tứ giác Long Xuyên nên phải tìm đường đến những nơi khác. Cánh đồng Bình Thạnh- Tân Công Chí giáp ranh giữa Hồng Ngự- Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) và Campuchia thời điểm này nước đã dâng cao khoảng 1 m. Trên cánh đồng mênh mông đó, hàng trăm chiếc dớn (giống như cái đăng dùng để bắt cá) giăng mắc khắp nơi, xẻ đồng nước thành những hình thù lạ mắt. Ban đêm đèn thăm dớn, thăm lưới, giăng câu lấp loáng như sao sa. Mùa nước nổi, nghề đặt dớn là nghề được nhiều người chọn bởi vốn đầu tư ít, cá tôm thu được không đến nỗi nào, chỉ hiềm một điều đây là nghề khá nguy hiểm vì thường xuyên đối mặt với sóng to gió lớn. Sáu Tuấn, một ngư dân ở ấp Bình Thành A, xã Bình Thạnh (Hồng Ngự), nói rằng đêm nào gió yên sóng lặng thì không sao, đang đêm mà dông gió nổi lên bất tử thì thế nào cả xóm cũng phải dong ghe ra đồng cứu người.

Ở ấp Thống Nhất, xã Tân Công Chí, tôi ghé túp lều của bà Nguyễn Thị Mẫn (Ba Mẫn) bên bờ kênh xáng Hồng Ngự- Tân Hồng. Bà Mẫn và con gái đang chăm chú vá lại những tấm lưới mành bằng ni-lông đã ngả màu. Bà Ba Mẫn làm nghề đặt dớn đã 5 mùa nước, đồ nghề chỉ là mấy trăm thước lưới mành, vài chục cây tre và chiếc xuồng gắn máy xăng cũ mèm. Thông thường, nước dưới kênh Hồng Ngự- Tân Hồng vừa dâng lên là bà cùng bạn nghề cụ bị đồ đạc dong xuồng sang tận đồng Campuchia để đặt dớn. Nhưng không phải

img
Bà Ba Mẫn (Hồng Ngự) chuẩn bị đồ nghề kiếm sống

săn cá kiểu chim trời cá nước, ai bắt được nấy ăn. Mỗi chuyến như vậy bà Ba Mẫn cùng bạn nghề phải mua nguyên một dang đồng của nông dân Campuchia với giá mấy chục triệu đồng để... khai thác cá tự nhiên. Trung bình cứ 500 m chiều dài giá 3 triệu đồng, người mua được trọn quyền khai thác trong thời gian 3 tháng. Theo con nước dâng, bà Ba Mẫn và bạn nghề di dời dớn từ từ về đồng đất VN, làm tới đâu bán cá tới đó. Nhưng ở VN không ai bán đồng nước như Campuchia. Đám ngư dân trôi nổi thấy đồng nào trống thì mang dớn đặt xuống, cá chạy ít thì không sao, cá nhiều thì chủ ruộng đuổi đi chỗ khác ngay tức khắc.

Ở tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, chưa ai thống kê mỗi mùa nước về có bao nhiêu gia đình ngâm mình trong biển nước làm nghề đặt dớn để kiếm miếng ăn. Nhưng ở ấp Thống Nhất, cứ 10 nhà thì có hết 8- 9 nhà làm nghề này. Họ chia nhau đi khắp các dang đồng của Campuchia và Đồng Tháp Mười, nhiều khi cả tháng mới về. Bà Ba Mẫn nói, nghề đặt dớn ít khi ở vùng nước sâu quá 1,5 m nhưng sống chết vô chừng. Trời càng dông gió thì các loại cá linh, sặt, rô biển... càng chạy vô dớn, nên muốn có cá thì phải chấp nhận đối mặt với sóng to gió lớn.

Theo bà Ba Mẫn, làm nghề này bi kịch nhất là lúc chủ ruộng Campuchia lật lọng, bán ruộng xong nhưng thấy có cá nhiều liền kiếm chuyện đuổi người mua. Ai không đi thì họ hành hung, lấy dớn, coi như mất cả chì lẫn chài. Hai năm nay cá tôm ngày càng ít, trong khi chi phí mua lưới, mua đồng ngày càng tăng. Chục chiếc dớn của bà Ba Mẫn nhiều khi kiếm cá không được 10 kg/ngày, trong khi tiền mua lưới từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/100 m. Vậy mà bà Ba Mẫn nói bà vẫn còn “dễ thở” hơn những người giăng lưới cá linh, cá sặt, bởi lẽ hiện nay cá ít, lưới 2,5 phân giá 400.000 đồng/kg nhưng rất dễ bị mất vì đám ghe cào thường giăng hàng ngang càn quét trên đồng.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo