xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Độc bút - Võ của văn nhân

LÊ XUÂN

Lão sư Phan Thọ không chỉ được xem là người duy nhất ở đất võ Bình Định thông thạo “thập bát ban binh khí” mà còn sở hữu tuyệt kỹ Độc bút ít ai biết. Tuy nhiên, ông luôn trăn trở lo ngón võ độc đáo này thất truyền vì chưa tìm ra được truyền nhân vừa ý

Trải qua bao ngày khổ luyện, những lần thượng đài, hàng loạt chiến thắng vang dội lẫn chiến bại để đời, giờ đây, khi đã ngót 90 tuổi, cũng là lúc lão võ sư Phan Thọ luôn đau đáu về nỗi lo thất truyền những ngón võ đắc ý của mình.

30 năm tầm sư học võ

Võ sư Phan Thọ - SN 1925, ngụ xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định - là con út trong một gia đình có 3 anh em. Anh cả mắc bệnh thần kinh, cha mất khi Thọ vừa lên 9 tuổi, đó là lúc cậu bé cảm nhận được tình cảnh “mẹ góa con côi”. Sống ở đất võ Tây Sơn, Thọ hiểu rằng chỉ có giỏi võ mới giúp gia đình mình thoát cảnh luôn bị ức hiếp. Tuy nhiên, vì nhà quá nghèo mà mãi đến năm 17 tuổi, Thọ mới được theo đuổi đam mê.
img

Lão sư Phan Thọ truyền nghề cho các đồ đệ Ảnh: DUY TUYÊN

“Sư phụ đầu tiên của tui là ông Cai Bảy. Tui học quyền thuật của ông 5 năm thì tìm đến võ sư Tàu Sáu (Diệp Trường Phát) học kiếm pháp. Sau đó, tui học côn với thầy Châu - đại đồ đệ của võ sư Hồ Ngạnh. Khoảng thời gian này, tui được một sư phụ truyền 6 chiêu thức đặc biệt. Chính 6 độc chiêu này đã giúp tui chiến thắng trong nhiều lần thượng đài” - lão sư tiết lộ. Tuy nhiên, dù đã cố gặng hỏi, chúng tôi cũng không được ông cho biết về vị sư phụ này.

Trải qua hơn 30 năm học võ, có khi phải bán cả cặp bò “gia sản” của gia đình, ông Phan Thọ dần hình thành nên cái cá tính cũng như cảm nhận được những nét tinh hoa của võ cổ truyền. Ông ngày càng chín chắn hơn và không còn hiếu thắng như xưa nữa. Thời ấy, ở Tây Sơn có câu cửa miệng: “Giàu học võ, khó học văn” như một rào cản vô hình đối với những ai nghèo khó muốn đến với quyền, cước, côn, đao… Tuy nhiên, bất chấp nghèo khó, ông vẫn bỏ ra hàng chục năm trời theo học những bí kíp võ công của gần 10 sư phụ rồi rành rẻ cả “thập bát ban võ nghệ”.
img

Môn sinh võ đường Phan Thọ luyện võ

Cạn ly rượu thuốc mời khách, lão sư Phan Thọ trầm ngâm: “Giờ nghĩ lại, tui thấy hồi trẻ mình nông nỗi thật. Cũng may là tui gặp được nhiều thầy tốt”. Chính tính hiếu thắng mà năm chừng 30 tuổi, ông đã có lần bại trận nhớ đời dưới tay võ sư Bùi Xuân Cảnh.

Theo lão sư Phan Thọ, “võ không văn, võ bạo tàn” là câu mà người luyện võ phải nằm lòng. “Văn ở đây không phải là văn chương, thơ thẩn gì mà chính là nhân văn. Người luyện võ mà không có tính nhân văn thì trước sau gì cũng thất bại hoặc thành kẻ tội đồ” - ông nhấn mạnh. Lão sư Phan Thọ cho rằng tuy không học chữ nhiều nhưng chính võ nghệ đã rèn giũa ông từ một chàng trai hiếu thắng thành người chững chạc.

Lấy nhu chế cương

Nhân lúc trải lòng, lão sư tiết lộ: “Nhiều người đến đây nếu không ngoài mục đích học hỏi vài chiêu thức thì cũng bảo tui kể chuyện thượng đài cho nghe. Tuy nhiên, tôi còn một ngón nữa ít người biết đến: Độc bút”.

Với giọng hào sảng, võ sư đại thụ ở đất võ Tây Sơn say sưa nói về tuyệt kỹ Độc bút của mình. “Đây là một loại võ công xuất phát từ những vị quan cận thần trong triều đình, chủ yếu là quan văn. Độc bút là loại binh khí hao hao trượng nhưng trên đầu gắn một chùm lông. Loại binh khí này có sự giao thoa giữa trượng và côn cả về hình thức và chiêu thức thi triển. Ai từng biết về trượng và côn thì khi chuyển sang luyện Độc bút sẽ nhanh chóng nhuần nhuyễn hơn” - ông giải thích.

Theo lão sư, nếu côn và trượng đòi hỏi nhiều ở sức mạnh thì Độc bút phải khéo léo, uyển chuyển mới phát huy hết được sự lợi hại. “Lấy nhu chế cương” là nguyên lý xuyên suốt trong quá trình sử dụng Độc bút. “Độc bút là võ công chỉ dành cho người có tâm tính tốt, còn nếu không thì nó cũng chẳng khác gì côn, trượng. Mỗi người chúng ta đều có 2 tay, tay phải là văn - dùng để học viết, còn tay trái là võ - dùng học võ. Ta được người khác kính trọng hay không là nằm ở “văn” chứ không phải “võ” - ông chiêm nghiệm.

Lão sư Phan Thọ cho rằng điểm lợi hại của Độc bút chính là chùm lông của nó. “Đây chính là ưu thế mà côn hay trượng không thể sánh kịp. Độc bút khi nằm trong tay người giỏi thì sẽ vô cùng lợi hại. Độc bút không dùng để “đập” chết đối phương mà dùng đầu bút (phần lông) để hạ gục đối thủ bằng cách đánh vào các trọng huyệt. Khi địch thủ bị trúng những huyệt này thì sẽ bị tê liệt chứ chưa chết liền, có điều rất khó chữa trị. Chính vì quá lợi hại nhưng cũng hết sức tàn nhẫn nên những người làm sư phụ rất cân nhắc khi dạy cho đồ đệ của mình môn Độc bút” - ông giải thích.

Dẫu vậy, theo lão sư, vì Độc bút được mệnh danh là “võ của văn nhân” nên những chiêu thức cơ bản để thi triển như viết chữ vẫn được các võ sư dạy cho học trò. Những chiêu thức này có hiệu quả cao trong việc giúp người luyện võ tịnh tâm, thanh lọc được tâm hồn của mình.

Nhiều nỗi trăn trở

Ở tuổi ngót nghét 90, lão sư Phan Thọ cảm nhận sâu sắc rằng những tinh hoa võ thuật mà ông có được đang đứng trước nguy cơ thất truyền. “Tui có võ đường, có rất nhiều môn sinh nhưng những tinh hoa thì chưa học trò nào lĩnh hội được. Võ cổ truyền nổi danh hay không là nhờ vào một số tuyệt chiêu tinh túy nhưng hiện tại, tui chưa có học trò nào tiếp thu tốt” - ông trăn trở.

Theo lão sư, người học võ cần chăm chỉ nhưng cũng phải thông minh, lanh lợi để ứng dụng chiêu thức, nếu không thì sẽ không phát huy hết tác dụng. Nâng ly rượu thuốc lên nhấp từng ngụm, đôi mắt ông mơ màng nhớ lại những năm tháng gian khổ luyện võ. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe những lần thượng đài, nhất là 3 phen thắng các võ sĩ Hàn Quốc thách đấu với chiêu thức duy nhất Độc xà thám nguyệt. Chúng tôi cũng được nghe ông hào hứng kể về lần tay không đấu với heo rừng....

Hơn ai hết, ông hiểu rõ nỗi lòng của một võ sư không tìm ra người xứng đáng để truyền hết bí kíp võ công. Trong võ đường Phan Thọ của ông, chúng tôi thấy có rất nhiều môn sinh. “Nhiều đứa cũng thông minh, có tố chất luyện võ nhưng để truyền tuyệt chiêu thì vẫn chưa đủ. Võ cổ truyền chỉ thật sự lợi hại khi người học phải có tâm. Các võ sư luôn tâm niệm một điều, dù điều đó khiến họ có lúc đau như cắt: Thà để thất truyền chứ không truyền tuyệt kỹ cho kẻ dã tâm” - lão sư thổ lộ.

Ông Phan Thọ cho biết việc bái sư học võ giờ đơn giản hơn xưa nhiều, có khi chỉ cần lít rượu trắng, vài bao thuốc lá, con gà... Thế nhưng, do lao vào làm ăn, người học võ dần thưa thớt, chưa kể nhiều người mới theo học võ vẽ vài chiêu đã vội về mở võ đường dạy kiếm tiền.

Một điều khiến lão sư băn khoăn nữa là xét về độ tiếng tăm trên thế giới, võ cổ truyền của ta hiện không bằng một số môn, một số nước. “Nguyên nhân là do các võ sĩ theo học võ cổ truyền rất ít cơ hội cọ xát, khi được cọ xát lại bị hạn chế về thể thức thi đấu…” - ông giải thích.
Sẵn lòng truyền nghề
Lão sư Phan Thọ khoe cách đây hơn một năm, có một đoàn toàn sĩ quan của một đơn vị quân đội đóng tại Đà Nẵng đã vào Tây Sơn thăm võ đường của ông. Trong đó, một viên sĩ quan giỏi võ đã xin được thọ giáo lão sư và ông vui vẻ nhận lời. Chỉ sau vài tuyệt chiêu của lão sư, viên sĩ quan trẻ nhanh chóng nhận thua.
img
Một góc võ đường Phan Thọ
“Sau đó, cả đoàn 15 người đã ở lại võ đường của tui để học võ một tháng. Khi chia tay, nhiều vị quả quyết với tui rằng sẽ xin cấp trên sắp xếp để sớm vào Bình Định học võ thêm lần nữa. Tui sẵn sàng thôi!” - lão sư nhớ lại.
 
 

Đơn vị đồng hành

img

 
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo