Mới đây, băng nhóm Hà X. gốc Hải Phòng và băng nhóm Sơn L. ở địa phương đã dàn quân tỉ thí ngay trước cổng chợ Nông sản đầu mối Thủ Đức để giành quyền bảo kê địa bàn khiến khu chợ đêm phải một phen náo động.
Gần 1 giờ loạn đả bất phân thắng bại, hai nhóm kéo nhau đến cầu Bình Đức phía sau chợ để tiếp tục đánh nhau. Kết thúc trận hỗn chiến, nhiều tên trong cả hai băng nhóm đã đổ máu.
Nhìn bên ngoài, chợ Nông sản đầu mối Thủ Đức khá yên bình nhưng đã tồn tại một thế giới ngầm phức tạp
Thanh toán, đòi nợ thuê
Một chủ vựa trái cây nhỏ ở chợ Nông sản đầu mối Thủ Đức cho biết: “Ở đây có không biết bao nhiêu tay trùm mà kể. Họ là những dân anh chị trong giới giang hồ, giành bảo kê cho người kéo hàng, chủ quán ăn, giải khát... Chỉ cần có chuyện là họ huy động cả băng nhóm kéo đến, có khi lên đến hàng chục tên”.
Trong giới anh chị đầu gấu hoạt động ở khu chợ đêm này, cộm cán nhất có lẽ là Sáu H. Sáu H. vốn là một “đại ca” quy tụ dưới trướng hàng chục đàn em dữ dằn hồi chợ Cầu Muối còn hoạt động ở phường Cầu Ông Lãnh, quận 1 - TPHCM.
Lúc các vựa ở chợ này dời về chợ Nông sản đầu mối Thủ Đức, tuy các tay đầu gấu không chuyển hẳn đến đây hoạt động nhưng hễ có chuyện gì là một số chủ vựa lại không quên gọi Sáu H. và đàn em đến để giải quyết.
D., một người đẩy xe từng là đàn em trong một băng nhóm giang hồ ở chợ Cầu Muối trước đây, hiện đã cải tà quy chánh mà tôi quen ở khu chợ đêm tiết lộ: “Khi chủ vựa, chủ hàng có mâu thuẫn với ai, muốn chém người đó một nhát thì chỉ cần bỏ ra 500.000 đồng, cắt tai 2 triệu đồng... Thậm chí, ai cần lấy mạng người đối đầu hay mâu thuẫn thì các tay anh chị ở đây cũng nhận làm luôn, tất nhiên giá cả phải cao hơn nhiều”.
D. cho biết không chỉ thanh toán nhau để giải quyết mâu thuẫn cho chủ vựa, chủ hàng, giành quyền bảo kê, những tay anh chị ở khu chợ đêm còn nhận đòi nợ thuê nếu có yêu cầu.
Ngoài Hà X., Sơn L., Sáu H., băng nhóm của Ph.Đ cũng khiến nhiều người ở khu chợ Nông sản đầu mối Thủ Đức cạch mặt. Băng nhóm của Ph.Đ không chỉ hoạt động bảo kê, thanh toán tại chợ này mà còn nhận đòi nợ thuê cho các chủ vựa, chủ hàng.
Sau một thời gian hoạt động, hiện Ph.Đ và các đàn em trong băng đã mai danh ẩn tích. Tuy nhiên, hễ chủ vựa, chủ hàng ở chợ gặp chuyện gì cần thanh toán, dằn mặt..., thỉnh thoảng Ph.Đ cũng nhận ra tay can thiệp.
Lúc ẩn lúc hiện
Ngoài những tay cộm cán được nhiều người biết đến nêu trên, trong thế giới ngầm ở khu chợ Nông sản Thủ Đức còn có nhiều tay trùm cũng giành giật quản lý dân đẩy xe, bảo kê cho các vựa, nhận thanh toán, đòi nợ thuê... nhưng ít khi lộ mặt công khai. Thường thì những tay này chỉ cho đàn em ra mặt giải quyết mọi chuyện, khi có “việc lớn” mới đích thân ra tay.
D. cho tôi biết: “Thông thường, “hàng” mà các “đại ca” này dùng để thanh toán, đòi nợ thuê... đã được giấu sẵn tại một số vựa trong chợ hoặc điểm nào đó ở gần, khi đụng chuyện là lấy ra ngay”.
Chính vì nhiều tay trong thế giới ngầm hoạt động lúc ẩn lúc hiện và khá chuyên nghiệp nên những người mới vài lần đến chợ Nông sản đầu mối Thủ Đức cứ ngỡ nơi đây khá yên bình. “Chỉ cần ai đó “có vấn đề” với chủ vựa, chủ hàng là gặp chuyện liền.
Một số chủ vựa, chủ hàng sẽ gọi ngay đám anh chị đầu gấu chờ họ ra khỏi chợ hoặc chặn trên đường để “giải quyết”, không bao giờ ra tay tại chợ.
Không cần biết ai sai, ai đúng, hễ có người thuê là các “đại ca” ở đây nhận “xử” ngay, ra tay xong là rút đi liền” - một bảo vệ ở chợ cho biết.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết dân anh chị đầu gấu hoạt động ở khu chợ đêm này là người tứ xứ. Trong đó, có không ít tên nghiện ma túy. Chúng sẵn sàng liều mạng khi có ai yêu cầu, miễn sao có tiền.
“Trước đây, khi chợ Cầu Muối còn hoạt động, các tay anh chị bảo kê chủ yếu từ quận 4, quận 8 sang. Từ khi chuyển về Thủ Đức, khu chợ đêm này đã xuất hiện thêm một số tay anh chị là dân địa phương hoặc từ nhiều nơi khác, như Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An... Cứ vài tuần là các băng nhóm lại chạm trán nhau một lần để thanh toán giành quyền bảo kê” - một tiểu thương tiết lộ.
Tiểu thương này cho biết các cuộc đụng độ lớn thường xảy ra giữa các băng nhóm gốc Bắc với gốc TP: “Khi những cuộc thanh toán như thế diễn ra, nhẹ thì đi bệnh viện cấp cứu, nặng thì xảy ra án mạng”.
Ở chợ Nông sản đầu mối Thủ Đức, nhiều chủ ki-ốt nhỏ muốn hoạt động cũng phải biết chung chi cho các tay đầu gấu. “Thậm chí, những người bán quán giải khát, quán ăn, bán vé số, hũ tiếu gõ... cũng phải “đóng thuế” cho dân anh chị bảo kê nếu muốn làm ăn ở khu chợ này, dù chỉ là những khoản tiền còm cõi. Nếu không, họ sẽ bị đám đầu gấu này đánh dằn mặt, bị kiếm chuyện đuổi ra khỏi chợ” - D. cho biết.
Các băng nhóm tồn tại từ lâu
Ông Nhường cho biết từ năm 2003 tới nay, Công ty TNHH Quản lý kinh doanh chợ Nông sản Thủ Đức đã bàn giao hàng trăm vụ ẩu đả, đâm chém nhau cho công an địa phương giải quyết. |
Kỳ tới: Đánh nhau như cơm bữa
Bình luận (0)