Nhờ chủ một cửa hiệu bán xe gắn máy ở TP Mỹ Tho- Tiền Giang giới thiệu, chúng tôi đến gặp Y. “lé”. Vừa nghe chúng tôi mở miệng, không cần rào đón, Y. ra giá 2,7 chai (2,7 triệu đồng). Anh ta bảo chúng tôi đưa biên bản, ứng trước tiền. Chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ: “Lỡ chạy không được, anh có trả tiền lại không?”. Y. “lé” trợn mắt: “Bữa nay anh Năm trực chỉ huy, sao không chắc? Biết chắc tao mới nhận tiền, uy tín của tụi tao là ở chỗ đó”.
Nhờ “anh Tư”, “anh Năm”
Y. “lé” vốn là đồng hương của “anh Năm”, trước đây từng làm “cò” chạy số xe đẹp. Ngày nào “anh Năm” trực, Y. ra vào Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Tiền Giang như nhà của mình. Trong những lần liên hệ công tác với phòng, chúng tôi thường thấy Y. ở phòng làm việc của “anh Năm”, trên tay luôn có một xấp giấy tờ, hồ sơ.
Theo điều tra của chúng tôi, ở TP Mỹ Tho có ít nhất 3-4 đường dây chính chạy giấy phép lái xe (GPLX) khỏi bị bấm lỗ, mỗi đường dây quan hệ với một cán bộ ở Phòng CSGT Đường bộ. Đường dây D. “chân dài” quan hệ với “anh Tư”, đường dây Y. “lé” có “anh Năm”, còn M. ở ngã ba Trung Lương thì quen cả hai cán bộ này... Hôm nào “anh Tư” trực thì đám “cò” quen với “anh Năm” không hoạt động; ngược lại, “cò” quen “anh Tư” sẽ tạm nghỉ trong ngày “anh Năm” trực. Ngoài ra, ở Tiền Giang còn có khá nhiều “cò” lẻ, là những người có mối quan hệ bạn bè, họ hàng với cán bộ nào đó trong Phòng CSGT Đường bộ. Mỗi lần chạy lo để GPLX không bấm lỗ thành công, “cò” được hưởng từ 400.000 đồng- 500.000 đồng.
Chúng tôi trình bày kỹ trường hợp của mình là chạy lo để không bị bấm lỗ thứ 3, Y. lắc đầu liên tục: “Chịu, chịu, tụi tao không chạy được. Lỗ thứ 3 phải qua mấy sếp lớn phê duyệt”. D., một đàn em của Y., nói nhỏ với chúng tôi: “Mấy anh đi tìm đại ca Th. đi, người này có mối quan hệ cao hơn cấp chỉ huy phòng, bảo đảm lo được”. Chúng tôi nhờ D. giới thiệu và tìm gặp được “đại ca” Th. tại một xưởng sửa chữa ô tô ở xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho. Th. quả quyết lo được, nhưng phải đưa trước 4 chai, khi nào xong việc tính tiếp.
Gởi gắm tràn lan
Theo điều tra của chúng tôi, hiện tượng “bà lớn”, “ông lớn” trong làng “cò” bấm lỗ ở Tiền Giang đang có chiều hướng gia tăng. Từ mối quan hệ, “cò” nhờ “ông lớn”, “bà lớn” viết thư tay, gọi điện thoại từ trên xuống Phòng CSGT Đường bộ gởi gắm.
“Đại ca” Th. nêu trên là “cò” trong một đường dây “ông lớn”, “bà lớn” đó. Nổi trội trong các đường dây này phải kể đến đường dây của “cò” Tr., ngụ phường 4, TP Mỹ Tho. Người phụ nữ này vốn quan hệ mật thiết với một cán bộ trong ban giám đốc công an tỉnh. Lúc vị này đương chức, đường dây của Tr. lấn át tất cả các đường dây khác. Tr. chuyên nhờ vị cán bộ này viết thư tay, gọi điện thoại đến Phòng CSGT Đường bộ. Hiện nay, tuy vị này đã về hưu, nhưng sự gởi gắm của ông vẫn còn nặng ký, chẳng những đối với phòng mà cả ban giám đốc công an tỉnh. Thậm chí, ngay khi UBND tỉnh Tiền Giang có chỉ thị cấm cán bộ đứng ra xin miễn giảm hình phạt cho người nhà, người quen khi vi phạm Luật Giao thông, thì thư tay của vị này vẫn có giá trị. Trong vòng 6 ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4- 2007, vị này viết đến 11 thư tay gởi lãnh đạo phòng và ban giám đốc công an tỉnh, xin không bấm lỗ cho 14 GPLX do đường dây “cò” Tr. mang đến.
Cũng có không ít trường hợp, “cò” cầm thư tay gởi gắm xuất xứ từ Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang đến Phòng CSGT Đường bộ. Gặp những trường hợp này, lãnh đạo phòng không thể không giải quyết, bằng cách đề nghị lái xe làm đơn xin miễn hình phạt bổ sung, có chính quyền địa phương xác nhận rồi trình lên ban giám đốc công an tỉnh phê duyệt.
Theo thống kê chưa đầy đủ của chúng tôi, năm 2006, Phòng CSGT Đường bộ tiếp nhận khoảng 320 thư tay, điện thoại và làm thủ tục trình ban giám đốc duyệt miễn bấm lỗ GPLX; nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2007, phòng đã tiếp nhận và trình duyệt khoảng 200 trường hợp, bằng phân nửa năm 2006!
Chiều 12-4, đại tá Dương Ngọc Vàng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để làm rõ những nội dung phản ánh về “cò” bấm lỗ trên Báo NLĐ. |
Bình luận (0)