Vượt sông xuyên đêm
Tại biên giới Móng Cái - Quảng Ninh, từ 22 giờ đến 3 giờ hôm sau, giá rét như cắt vào da thịt nhưng không thể ngăn từng đoàn xe Minsk vận chuyển hàng lậu hối hả chạy băng qua các đường mòn ở khu vực giáp biên dài hàng chục km giữa VN và Trung Quốc. Từ chiều tối hôm trước, hàng chục xe tải loại 5 tấn chở gà từ các tỉnh nằm sâu trong nội địa Trung Quốc về ém hàng bên kia sông.
Bám chặt vào lưng Long, một người chạy xe ôm ở địa phương đã nhiều năm, chúng tôi lần theo những chiếc xe Minsk đến khu vực biên giới. Đêm, trong số hàng trăm chiếc thuyền nằm dày đặc suốt đoạn sông dài giữa hai nước, có hàng chục chiếc trở thành phương tiện vận chuyển gà lậu. Sau khi vượt sông, gà được cho vào các bao tải hay làn xách tay do dân vận chuyển thuê (thường là người địa phương) xách vượt qua khu vực biên giới. Sau đó, gà được tập trung vào các lồng lớn và được những chiếc Minsk tiếp tục vượt qua nhiều đường mòn để tập kết ở nơi thu gom. Đoạn đường từ bến sông biên giới ra đến đường lộ khoảng 2-3 km.
“Đi càng sâu, lãi càng nhiều”
Ông Đặng Hùng Dũng, Tổ trưởng Tổ Kiểm soát chống buôn lậu Chi cục Hải quan Móng Cái, cho biết dân buôn lậu tại Quảng Ninh có phương châm “đi càng sâu, lãi càng nhiều” và phương châm này rất đúng với mặt hàng gà lậu từ Trung Quốc, được xem là siêu lợi nhuận. Gà nhập lậu từ Trung Quốc chủ yếu là gà thải loại hoặc thậm chí gà “chạy” dịch ở các trại chăn nuôi lớn bên nước này, với giá bán trên dưới 10.000 đồng/kg, nhưng khi về đến chợ Móng Cái đã là 45.000 đồng/kg. Càng vào sâu nội địa VN, giá gà càng tăng. Gà lậu từ Trung Quốc còn theo đường bộ vào đến các tỉnh phía Nam, với giá lên tới 70.000-100.000 đồng/kg vào những ngày cận Tết. |
Tiếng xe Minsk nổ giòn giã như muốn xé toang màn đêm tại khu vực biên giới dọc theo các đồn biên phòng số 5, 7, 11, khu vực 2, phường Linh Dương, Hải Yên và xã Bắc Sơn - thị xã Móng Cái. Với sự yểm trợ của đội ngũ “chim lợn” (người canh gác, thường là thanh thiếu niên địa phương), đoàn xe Minsk luồn lách qua những bụi lau, qua những cung đường mòn từ bến sông biên giới Ka Long. Sau khi tập trung vào điểm thu gom, số gà một lần nữa lại được xé lẻ, che giấu kín đáo để vượt qua trạm kiểm soát liên ngành tại km15. Khi vượt qua cửa ải này, gà lậu sẽ được thu gom lên các xe tải nhỏ và xe khách chỉ trong vài phút và chạy sâu vào đất liền VN.
Theo tàu vượt biển
Khi lực lượng chức năng bố ráp mạnh ở khu vực biên giới đường sông, đường bộ thì các chủ hàng gà lậu sẽ chuyển sang đi đường biển. Từ Trung Quốc, gà lậu sẽ được tàu vận chuyển vào lãnh hải VN, sau đó tập kết tại các huyện phía trong của Quảng Ninh hoặc TP Hải Phòng. Từ đây, gà lậu tiếp tục được vận chuyển bằng ô tô chạy sâu vào nội địa. Trong tháng 12-2007 và tháng 1-2008, Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đã phát hiện và bắt giữ hàng tấn gà nhập lậu từ Trung Quốc qua đường biển.
Theo thượng úy Vương Xuân Toản, Đội trưởng Đội Trinh sát Đồn Biên phòng 11 - Quảng Ninh, thời điểm hiện nay là cao điểm gà nhập lậu. Hoạt động này diễn ra trên phạm vi rất rộng, suốt chiều dài hàng chục km giáp biên và lượng gà nhập về rất lớn. Chỉ từ đầu tháng 1-2008 đến nay, lực lượng biên phòng đã bắt giữ hàng tấn gà lậu. Ngày 24-1, tại huyện Hải Hà, 3 đối tượng dùng mô tô vận chuyển trái phép gần 500 kg gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc vào VN đã bị phát hiện.
Thượng úy Toản cho biết, những vụ cơ quan chức năng đánh úp gà lậu của đầu nậu thường là khi gà được gom thành số lượng lớn bằng ô tô hoặc tàu đánh cá và thông tin đã được nắm trước từ bên kia biên giới. Tuy nhiên, việc đánh úp này cũng không hề đơn giản, khi các chủ hàng thuê “chim lợn” gác rất kỹ, cứ 50 m -100 m có một “trạm”. Tiền lãi của mỗi chuyến hàng được chia phần trăm cho người cai đội ngũ “chim lợn” và chủ hàng. Sau đó, chủ thầu “chim lợn” chia cho mỗi “chim lợn” từ 50.000 đồng -100.000 đồng/đêm.
Chị Loan, một dân “xách” gà thuê tại Móng Cái nhiều năm, cho biết để gà vượt biên giới trót lọt, các chủ hàng thuê cửu vạn vác với tiền công 50.000 - 100.000 đồng/buổi; 50.000-200.000 đồng/lồng. “Lãi lớn nhưng rủi ro cũng nhiều vì gà lậu thường bị tịch thu tiêu hủy” - chị Loan thổ lộ.
Chuyên đề này được thực hiện theo Chương trình Imaging Our Mekong, do IPS Asia-Pacific và Probe Media Foundation tổ chức với sự tài trợ của Quỹ Rockefeller. |
Bình luận (0)