Vợ chồng nghệ sĩ Trần Định cùng con trai và cháu nội
Cha truyền con nối
Dòng máu đam mê chảy trong huyết quản của đại gia đình ảo thuật này bắt nguồn từ người cha của nghệ sĩ Trần Định - ảo thuật gia Trần Lực. Năm 10 tuổi, cậu bé Đỗ Đăng Lực lén bỏ nhà ở Hà Nội theo một gánh xiếc rong vào Nam Bộ. Thấy Lực chăm chỉ lại có tài, người thầy rất yêu thương và truyền hết vốn liếng trong nghề mà mình có được cho cậu. Ông lại cho Lực mang họ của mình.
Suốt những năm tháng phiêu bạt, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của một nghệ sĩ tha hương, Trần Lực chưa một lần nói với ai về quê hương bản quán của mình, kể cả vợ con. Chiến tranh chia cắt, cộng thêm cuộc mưu sinh đầy khó nhọc, rày đây mai đó, các thành viên trong gia đình chỉ loáng thoáng biết rằng quê ông ở một nơi nào đó ngoài Bắc.
Trong một chuyến lưu diễn, Trần Lực gặp và kết duyên với cô Lê Thị Hoa, một người con gái xứ Huế. Sau đó, vợ chồng ông lập ra Đoàn Xiếc Việt Tiến, lưu diễn khắp các tỉnh, thành. Các tiết mục của đoàn nổi danh khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Tám người con của ông bà được sinh ở 8 vùng quê khác nhau và làm quen với nghề của cha ngay từ khi còn bé.
Năm 1979, trước khi qua đời, lời trăng trối cuối cùng của ảo thuật gia Trần Lực là mong các con tìm về với tổ tiên, dòng họ ở Hà Nội. Đây là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng, nghệ sĩ tha hương này tiết lộ quê quán với vợ con sau hàng chục năm giấu kín trong lòng. Vậy mà cũng mãi đến năm 2006, trong chuyến biểu diễn nhân Festival Ảo thuật toàn quốc ở Hà Nội, nghệ sĩ Trần Định mới có điều kiện đưa gia đình về thăm quê cha đất tổ.
Với đại gia đình ảo thuật này, những năm cuối thập niên 1970, cuộc sống ngày càng khó khăn, khó thể mưu sinh bằng nghề ảo thuật. Các con của lão nghệ sĩ Trần Lực lần lượt tìm công việc khác làm ăn, chỉ còn Trần Định và người anh Trần Bình là vẫn đam mê và quyết tâm giữ nghề của cha truyền lại. Riêng gia đình ảo thuật gia Trần Định, vợ cùng con trai, con gái, con dâu và cháu nội của ông cũng theo nghề ảo thuật.
Nghệ sĩ Trần Định khoe: “Từ nhỏ, mỗi lần Trần Dũng, con trai tôi, lên sân khấu biểu diễn là đứa em gái Kim Uyên lại khóc, nằng nặc đòi theo anh. Tiết mục đầu tiên Kim Uyên thể hiện lúc 3 tuổi là nằm thăng bằng trên đầu lưỡi kiếm. Bây giờ, con trai đầu lòng của Trần Dũng, mới vừa tròn 20 tháng tuổi cũng có riêng một bộ đồ diễn và cây đũa ảo thuật của ông nội tặng”. Dòng máu đam mê ảo thuật của gia đình nghệ sĩ Trần Định cứ truyền đời một cách tự nhiên như thế.
“Bán mạng” làm nghề
Bà Kim Loan, vợ ảo thuật gia Trần Định, nhớ lại: “Khi Trần Dũng và Kim Uyên mới hơn 2 tháng tuổi, tôi đã bế theo đoàn. Cuộc sống vất vả lắm, một mình tôi vừa phải lo ăn uống cho cả đoàn vừa tập luyện lại phải chăm sóc con nhỏ. Thật may, trời sinh voi sinh cỏ, hai đứa cũng ít ốm đau. Nhiều lúc đang bế con, đến vai, tôi vội bỏ con xuống cánh gà để ra diễn. Con ngồi xem vỗ tay cổ vũ cho bố mẹ, mệt thì lăn ra ngủ luôn trong cánh gà, thấy mà xót”.
Thời kỳ bao cấp sau năm 1975, hầu hết các lĩnh vực đều gặp khó khăn, không riêng gì các đoàn biểu diễn nghệ thuật. “Đã vậy, nhiều chuyến lưu diễn lên kế hoạch kỹ lưỡng nhưng phải hủy bỏ vì mưa gió triền miên. Tiền hết, gạo hết, vợ chồng, con cái nhìn nhau buồn thiu” – bà Kim Loan kể.
Vì điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều lúc ảo thuật gia Trần Định đã tính tới chuyện bỏ nghề. “Cuộc sống nghệ sĩ lúc đó sao mà khổ quá! Nghề xiếc và ảo thuật đòi hỏi phải có nhiều đạo cụ nhưng thời điểm đó, muốn làm một thanh kiếm, tôi phải mua nhôm về cặm cụi mài, đẽo. Chưa kể, tìm cho ra một miếng nhôm cũng không hề đơn giản chút nào” - ảo thuật gia Trần Định cho biết.
Biểu diễn xiếc có nhiều tiết mục rất nguy hiểm, sơ sẩy một chút là chấn thương hoặc mất mạng như chơi. “Ở các đoàn xiếc lớn của Nhà nước, diễn viên có lưới bảo hiểm phía dưới, có ngã cũng không sao. Còn gia đình chúng tôi thì làm nghề theo kiểu “bán mạng” vì không có đủ tiền để đầu tư lưới bảo hiểm” - nghệ sĩ Trần Định xót xa.
Nghệ sĩ Trần Dũng đến giờ vẫn nhớ như in giai đoạn 1970 – 1980, nhiều năm liên tục, chưa có cái Tết nào gia đình anh được ở nhà vì phải luôn lưu diễn để mưu sinh. “Có ngày diễn liên tục mấy chục suất, đói thì ăn, mệt thì nghỉ ngay cánh gà. Vậy mà, sau một tiết mục được khán giả vỗ tay tán thưởng, chúng tôi lại quên hết những nhọc nhằn. Niềm hạnh phúc lớn nhất với người nghệ sĩ là vậy” – Trần Dũng thổ lộ.
“Cặp đôi hoàn hảo”
Trước đây, vì yêu ảo thuật gia Trần Lực, bà Lê Thị Hoa quyết tâm theo đuổi nghề của chồng. Sau này, con dâu bà, cô giáo mầm non Kim Loan, cũng mến mộ nghệ sĩ Trần Định và sau khi nhận lời cầu hôn của ông, bà đã trở thành một ảo thuật gia tài ba.
“Từng rất nhiều lần đi xem gia đình Trần Định biểu diễn từ khi còn nhỏ nhưng tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ lấy ông ấy và theo nghề của chồng. Lần đầu tiên tôi gặp ông ấy ngoài đời là lúc đón xe đi học ở Biên Hòa. Thấy ông ấy, tôi cứ nhìn trộm. Không ngờ, ông ấy bắt gặp rồi đến làm quen, xin địa chỉ… Ban đầu, ba mẹ tôi cũng có nói này, nói khác nhưng ông ấy vẫn lui tới. Khi có dịp nghỉ, ông ấy lại tới nhà thăm ba mẹ tôi. Cứ thế, gia đình tôi dần dần quý mến ông ấy” – bà Kim Loan bồi hồi.
Kết hôn với nghệ sĩ Trần Định, bà Kim Loan cũng bỏ luôn nghề giáo để theo nghiệp của chồng. “Mới đầu, tôi tập những tiết mục nhẹ như đứng làm bia phóng dao, tung hứng…, sau đó luyện tập đủ hết. Thời gian đầu làm bia phóng dao, tôi cũng rất sợ. Lưỡi dao cắm phập vô miếng ván nghe cứ giật mình. Có khi lưỡi dao còn xuyên qua 2 tấm ván bay thẳng vào cánh gà” – bà Kim Loan nhớ lại.
Trang phục diễn của cả gia đình đều do một tay bà Kim Loan mua vải về đo, cắt rồi thức đêm may vá. Số lượng vải vóc bà chuẩn bị làm trang phục cho chồng con bằng cả một tiệm may. Tính đến nay, đã ngót nghét 32 năm, bà Kim Loan cùng chồng con rong ruổi lưu diễn khắp các tỉnh, thành. Vợ chồng nghệ sĩ Trần Định – Kim Loan được xem là “cặp đôi hoàn hảo” vì diễn rất ăn ý, “đánh đâu thắng đó”.
Tiết mục ảo thuật nổi tiếng “cắt người làm 8 khúc” của gia đình nghệ sĩ Trần Định Mơ một sân chơi riêng
Các tiết mục độc đáo của gia đình ảo thuật gia Trần Định có thể kể đến như: làm xuất hiện mô tô tại sân khấu, biến đàn ông thành đàn bà, cắt người làm 8 khúc, cưa người làm đôi… Hiện nay, nghệ sĩ Trần Định đang có ý tưởng “hô biến” một ô tô trên sân khấu. Trong hai cuộc liên hoan ảo thuật toàn quốc vào 2 năm 2006 và 2008, gia đình nghệ sĩ Trần Định đều đoạt giải cao nhất là huy chương bạc. Năm 2010, gia đình ông được chọn đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi ảo thuật quốc tế và được trao giải Cống hiến. Nghệ sĩ Trần Định cũng là người giành được nhiều huy chương nhất Việt Nam trong các kỳ liên hoan ảo thuật. Nghệ sĩ Trần Định tâm sự: “Hiện nay, các lĩnh vực ca nhạc, kịch, xiếc… đều có sân chơi riêng. Ao ước chung của anh em làm nghề ảo thuật là mong có một sân chơi ảo thuật. Nhiều anh em có tài nhưng không có sô diễn nên không thể phát huy được hết tài năng của mình”. |
Bình luận (0)