Tháng 6-2007, khi tôi đến Haifa (TP miền Bắc Israel) theo học khóa đào tạo về chiến lược truyền thông để thay đổi xã hội, đất nước Israel cũng đang trong những sự kiện chính trị đặc biệt: Kỷ niệm 40 năm ngày diễn ra cuộc chiến tranh 7 ngày lịch sử; phái Hamas trong Chính phủ Palestine đã chiếm được Dải Gaza.
Lửng lơ chiến sự
Israel là một đất nước phát triển mang phong cách phương Tây. Được hình thành từ khoảng 4.000 năm trước, Israel là cửa ngõ nối liền ba lục địa: châu Á, châu Phi và châu Âu. Trái với những tin tức nóng bỏng phát hằng giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các TP lớn như Haifa, Tel Aviv, Jerusalem đều mang dáng vẻ yên bình, người dân sinh hoạt an nhàn, chợ búa tấp nập với đủ loại thực phẩm và hoa quả tươi nhờ khí hậu Địa Trung Hải ban tặng. Tuy bề rộng chỉ 470 km, từ Bắc đến Nam là 135 km, nhưng Israel nổi tiếng là thánh địa của ba tôn giáo lớn là Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Do đó nguồn thu từ du lịch đóng vai trò quan trọng trong GDP của nước này. Hằng ngày, từng đoàn xe chở khách du lịch từ Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Mỹ... vẫn đến nườm nượp bất chấp những lời cảnh báo về an ninh.
Phóng viên Bích Diệp của Báo NLĐ tại Jerusalem – Israel |
Khi tôi đến đây, tờ báo tiếng Anh nổi tiếng nhất Israel The Jerusalem Post đăng trên trang nhất ảnh dân quân Hamas mang mặt nạ đeo súng đi trên những đường phố vắng hoe của Dải Gaza với những dòng tít “Gaza đã vào tay Hamas” càng khiến người dân cảm thấy bất an. Những người Israel tôi gặp đều cho biết rằng chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cô Mazal Renford, Giám đốc Trung tâm Đào tạo quốc tế Golda Meir (MCTC), cho biết: “Đối với chúng tôi, tình hình ở Israel lúc nào cũng căng thẳng. Chúng tôi không biết chiến sự bao giờ sẽ nổ ra. Biên giới của hôm nay có thể đã khác trong ngày mai. Các chính trị gia mới là người quyết định tất cả”.
An ninh luôn trong tình trạng được thắt chặt. Tại sân bay Tel Aviv, tuy có giấy giới thiệu của Bộ Ngoại giao Israel, tôi vẫn bị hai nhân viên an ninh Israel hỏi tới tấp rằng có ai nhờ tôi cầm hộ đồ đạc gì từ sân bay Bangkok không, tôi có mang theo chất lỏng không... Một nhân viên giải thích họ phải làm như vậy vì chỉ cần một chút xíu chất lỏng cũng có thể là một trái bom có sức công phá rất mạnh.
Ở cả cổng trường đại học, siêu thị, hội thảo, công sở..., túi xách, tư trang được kiểm tra an ninh bằng mắt thường, bằng máy soi một cách kỹ lưỡng. Nam giới phải bỏ thắt lưng, giày dép. Anh Tri Bunchua đến từ Thái Lan nói đùa rằng anh đã phải bỏ luôn thắt lưng ở nhà vì có ngày chỉ trong vòng một giờ, anh đã phải tháo thắt lưng đến 3 lần (để kiểm tra an ninh). Đi tham quan TP Haifa, một nhân viên an ninh luôn kè kè súng bên cạnh, đi theo bảo vệ đoàn nhà báo chúng tôi. Tinh thần cảnh giác chiến tranh cũng như những bất thường có thể xảy ra như đã thấm vào máu người dân ở đây. Một số xe buýt công cộng treo mấy chiếc búa với lời chỉ dẫn: “Trong trường hợp khẩn cấp, bạn có thể lấy búa đập vỡ cửa kính để thoát ra”. Anh Steve Leibowitz, một phóng viên gạo cội của hãng IBA News ở Jerusalem, kể rằng anh luôn dạy hai con gái 8 tuổi và 10 tuổi không được đi xe buýt công cộng vì các vụ nổ bom liều chết thường xảy ra trên các xe này. “Thật là khủng khiếp khi tôi phải dạy con tôi những điều như vậy, khiến chúng mất lòng tin vào những giá trị chân chính của con người. Nhưng biết làm sao được khi cuộc sống là như thế!” - Steve Leibowitz chua chát nói.
“Lò đào tạo” phóng viên chiến trường
Dân số Israel hiện vào khoảng 6,6 triệu người trong đó người Do Thái chiếm 70%, còn lại các cộng đồng người Ả Rập. 91% dân sống ở thành thị và tập trung ở những TP lớn như Jerusalem, Beer Sheva, Nazareth, Ashkelon, Akko, Tel Aviv. TP Haifa nằm trông ra Địa Trung Hải xanh vời vợi, là cảng biển lớn nhất ở miền Bắc nước này. Gần một năm trước, Haifa từng là mục tiêu không kích bằng tên lửa đạn đạo từ Syria khiến 38 người thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Lebanon lần thứ hai. Ông Danny Niglis, Giám đốc điều hành của Đài Phát thanh Haifa, kể: “Những quả rốc-két đã bắn vào các khu dân thường nằm dọc bờ biển. Chúng tôi phải sơ tán đến một địa điểm khác để có thể đưa tin liên tục về diễn biến chiến sự. Chúng tôi luôn khuyên dân chúng không nên hoảng sợ, không nên bỏ đi mà khi có báo động phải vào hầm trú ẩn”. Ông cho biết thêm sau khi những vụ không kích chấm dứt, ông đã cho xây dựng lại một studio hiện đại, có thể đáp ứng nhu cầu thông tin nếu có chiến sự. Ông nói: “Chúng tôi đã được chuẩn bị sao cho rằng người dân Haifa đã được đào tạo tốt để thích ứng và đối phó tốt với chiến tranh. Đài Phát thanh Haifa được nhận giải báo chí Las Vegas (Mỹ) trao hằng năm vì tinh thần dũng cảm của các phóng viên trong cuộc chiến Lebanon”. Ông Danny Seaman, Giám đốc văn phòng báo chí của Chính phủ Israel, cho rằng không có nơi nào trên thế giới khiến các phóng viên chiến tranh tác nghiệp lại chóng thành thạo và nổi tiếng như ở Israel và vùng Trung Đông này vì tình hình thay đổi không tính bằng ngày mà bằng giờ. Đây chính là mảnh đất nuôi dưỡng và phát huy tài năng cho các phóng viên yêu nghề đến từ khắp nơi trên thế giới. Ông cho biết ngày nào cũng có hàng trăm phóng viên của các hãng truyền thông lớn nhất thế giới đến văn phòng của ông để đăng ký tác nghiệp.
Một trạm kiểm soát của quân đội Israel gần Dải Gaza. Ảnh: B.Diệp |
Phút đứng tim Chiếc xe buýt chở đoàn nhà báo của 15 nước vào Israel đang từ Tel Aviv bon bon về hướng cảng Haifa bỗng đột ngột dừng lại. Một số người đang lim dim ngủ bỗng choàng tỉnh. Một làn khói đen đặc từ phía sau xe bốc cao khiến mọi người hoảng sợ, hét toáng lên. Ai nấy cuống cuồng xô ra phía cửa, trong đầu nghĩ rằng điều xấu nhất có thể đang xảy ra. Xuống xe, mọi người ôm lấy vai nhau mừng thoát nạn khi biết dòng khói bốc lên là do máy quá nóng vì phải leo lên những con dốc để về đến Trung tâm Đào tạo quốc tế Golda Meir ở Haifa. Tuy vậy, cô phóng viên của Đài Truyền hình Bhutan Sonam Zangmo vẫn thảng thốt: “Tôi muốn được về nhà ngay bây giờ”... |
Bình luận (0)