Thời buổi tấc đất đang là tấc vàng, vậy mà không ít nông dân ở tỉnh Hậu Giang và tỉnh Vĩnh Long tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây trường học, mở thư viện để phục vụ dân nghèo địa phương.
Hiến cả “nồi cơm”
Giữa cái nắng như thiêu, ông Lê Văn Niên (Ba Niên), ngụ tại ấp 10, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, vẫn ở trần trùng trục, đi tới đi lui để xem các thợ hồ đang xây tường cho ngôi trường mới. Ngày trước, nhà ông nghèo rớt, lại đông anh em nên ông chỉ học đến hết lớp 7 rồi nghỉ ngang, đi làm mướn kiếm ăn. Những năm tháng đó, mỗi khi thấy chúng bạn cắp sách đến trường là Lê Văn Niên tủi thân. Nên bây giờ, chứng kiến cảnh con em địa phương vất vả vượt qua gần 15 km mới tới được trường, quần áo lấm lem bùn đất, ông nghĩ phải làm gì đó để giúp các cháu. Ông bàn với vợ con về ý định hiến 4.200 m2 đất của gia đình để xây trường. Vừa nói ra, ông liền bị phản ứng dữ dội bởi phần đất ông định hiến đang trồng lúa, trị giá hơn 400 triệu đồng, đó là “nồi cơm” của cả nhà. Dù vậy, ông Ba Niên vẫn tìm mọi cách để thuyết phục vợ con. Bà Hồ Thị Hường, vợ ông Ba Niên, nhớ lại: “Lúc mới nghe ổng đưa ra quyết định hiến đất là tôi tức... muốn chết! Nhà chẳng khá giả gì, lại nuôi ba con, trong đó một đứa đang học đại học ở TPHCM. Nhưng rồi ổng thủ thỉ hoài, thấy có lý, có nghĩa, tôi gật”.
Ông Tư Hưng bên tủ sách do Quỹ Bình đẳng giới Đan Mạch – Thụy Điển tặng
Năm 2008, Ba Niên chủ động gặp lãnh đạo UBND xã Vĩnh Trung để làm thủ tục hiến đất. Xã Vĩnh Trung lâu nay vốn rất đau đầu với chuyện đi lại, học hành của con em địa phương, nhất là cấp THCS vì xã không có trường, nay được ông Niên hiến đất, còn gì hơn, người dân ai cũng phấn khởi. Sau khi có đất, tỉnh Hậu Giang cấp 2,3 tỉ đồng xây Trường THCS Vĩnh Trung khá kiên cố.
Với những gì đã cống hiến, tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước tỉnh Hậu Giang năm 2008, ông Ba Niên được tặng bằng khen, giấy khen. Ngành giáo dục huyện Vị Thủy cũng đang làm báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho ông về thành tích đóng góp cho sự nghiệp giáo dục.
Đầu năm học 2009 - 2010, ngôi trường mới trên phần đất của ông Niên sẽ được đưa vào sử dụng với 10 phòng học cho hơn 300 học sinh. “Chỉ vài tháng nữa thôi, tụi nhỏ trong xã sẽ có một ngôi trường khang trang. Vậy là tôi toại nguyện” – ông Ba Niên tâm sự.
Tải chữ cho người nghèo
Chúng tôi tìm về ấp 8, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long để gặp ông Huỳnh Tấn Hưng (Tư Hưng), người bỏ đất, bỏ tiền ra lập thư viện cho dân nghèo địa phương đến đọc. Ông vừa về sau chuyến ra Hà Nội dự hội nghị “Sơ kết mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng”, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng bằng khen với thành tích “Xuất sắc trong việc phục vụ sách báo cho cộng đồng”. Giọng ông thật vui: “Tôi vừa chi 800.000 đồng để mua 4 bộ bàn đá cho tụi nhỏ đọc truyện tranh thiếu nhi”.
Ông Ba Niên trước ngôi trường đang thành hình trên phần đất ông hiến
Ở vùng sâu, vùng xa như xã Mỹ Lộc, muốn tìm được tờ báo, cuốn sách là chuyện rất khó. Từ thực tế đó, ông Hưng quyết lập một thư viện để bà con có cái để đọc. Tháng 6-1988, thư viện của ông Tư Hưng mở cửa với chỉ 80 bản sách về pháp luật và 165 tạp chí. Lúc đầu, mỗi ngày chỉ có khoảng 10 người đến đọc. Dần dần, sau cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng”, người đọc đến với thư viện của ông Tư Hưng ngày càng đông. Năm 2003, được sự vận động của Đảng ủy, UBND xã Mỹ Lộc, gia đình ông Tư Hưng tiếp tục hiến 77 m2 đất để xây dựng điểm đọc sách và trạm truyền thanh của ấp. Cũng trong năm này, đoàn công tác của Quỹ bình đẳng giới Đan Mạch - Thụy Điển tài trợ 1 tủ sách, 86 bản sách và hơn 600 tờ bướm nông nghiệp cho thư viện của ông. Năm 2005, ông Tư Hưng được Thư viện tỉnh Vĩnh Long tặng 300 bản sách nữa. Năm 2008, được Thư viện tỉnh Vĩnh Long chọn tham gia cuộc thi Tủ sách Gia đình lần II tổ chức tại TPHCM, thư viện sách của ông Tư Hưng đoạt giải đặc biệt với phần thưởng trị giá 2 triệu đồng. Tại buổi trao giải, thư viện của ông được NXB Văn Nghệ, NXB Trẻ và một số cá nhân, đơn vị ở TPHCM tặng thêm 220 bản sách.
Sau 10 năm hoạt động, đến nay, thư viện của ông Tư Hưng đã có 1.085 bản sách. Năm 2008, thư viện này đã phục vụ hơn 4.000 lượt người. Một người dân ở xã Mỹ Lộc cho biết thư viện của ông Tư Hưng đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu pháp luật, nâng cao kiến thức của người dân địa phương. Ngoài việc mê sách, trọng sự học, vợ chồng ông Tư Hưng còn nuôi dạy 7 người con ăn học. “Dù giàu đến mấy mà không có kiến thức thì cũng khó làm được gì” - ông Hưng tâm sự.
Lòng tốt được nhân rộng
|
Kỳ tới: Thuê trí thức để... làm rẫy
Bình luận (0)