icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hổ xuống núi, “búi” cả làng

LINH AN

“Búi”, theo tiếng địa phương nghĩa là “rối”. Đàn hổ xuống núi, về sát làng gầm rú, xóm thôn bối rối, lo âu...

Mấy hôm nay, người dân ở bản Khe Trăng sống trong tâm trạng thấp thỏm trước việc hổ liên tục xuống núi bắt trâu bò, đe dọa đến cuộc sống của bà con.

Núi Tam Dần, hổ 3 chân

Bản Khe Trăng (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nằm ngay dưới chân Trường Sơn. Khe Trăng bây giờ được mệnh danh là “ba không: không điện, không đèn, không đường lớn - chỉ có đường mòn, đèo dốc ngoằn ngoèo”. Người dân ở đây sống chủ yếu bám vào rừng núi, nương rẫy. Lê Tiến Hùng, người dẫn đường, cho biết trên núi Tam Dần (một ngọn núi thuộc xã Phong Mỹ) ngày trước có rất nhiều hổ sinh sống. Hung dữ nhất là con hổ chỉ có 3 chân (người dân địa phương kể lại một hôm nọ con hổ này trúng bẫy nên nó đã cắn đứt chân đang mắc vào dây bẫy để thoát thân). Đêm nào nó cũng đứng trên ngọn Tam Dần gầm rú rất dữ tợn trước lúc xuống núi bắt mồi. Con hổ 3 chân đến từng nhà bắt người, heo, bò của bà con, không cho ai ngủ yên.

Tôi và Hùng vừa bước đến nhà bản trưởng Nguyễn Văn Múa liền nghe các cháu nhỏ hốt hoảng kể lại: “Cháu đi rừng nhặt phế liệu thì gặp mấy con hổ đang đùa giỡn nhau, cả bọn khiếp quá, bỏ chạy một mạch về nhà”. Anh Múa, bố các cháu, cho biết: “Mấy hôm gần đây hổ liên tục xuống núi phá phách. Cuộc sống của bà con ở Khe Trăng hết sức bất an. Ban đêm, hổ về gầm rú ngay sát làng. Bà con không dám đi lại ngoài đường vào lúc tối trời như mấy tháng trước nữa”.

Bầy hổ 4 con và chiếc đầu bò

Tôi hỏi lại anh Múa, có gì làm chứng cho thông tin này? Đang nói chuyện, anh đứng dậy bỏ đi ra ngoài, không nói một lời nào. Mấy phút sau, anh đưa về một người đàn ông. Anh Múa giới thiệu: “Đây là anh Nguyễn Văn Muộc, tôi đưa đến “tường thuật” cho anh nghe về chuyện hổ mà chính anh Muộc đã mắt thấy tai nghe”.

Dẫn tôi ra chân núi Khe Rọt, anh Muộc kể lại: Nhà tôi có một bầy bò thường được chăn thả ở ngọn núi này. Hôm đó, trời về chiều, đàn bò đã tập kết dưới núi. Duy nhất có một con bò đực chạy loạn xạ trên đồi. Nghĩ rằng, nó sẽ tìm về như mọi hôm, thế nhưng, suốt đêm không thấy con Tủn (tên bò) về. Nhớ bạn, cả mấy con bò còn lại rống lên. Gia đình tôi, thao thức mãi. Biết chắc có chuyện...

Sáng hôm sau, cha con anh Muộc chia nhau đi tìm bò. Khi vừa đến Khe Rọt, anh phát hiện mấy con hổ đang giành nhau cái đầu con bò. Khi đàn hổ bỏ đi, cha con anh tiếp cận được hiện trường, con bò chỉ còn lại một cái đầu và bộ xương mà hổ chưa kịp ăn hết. Lần theo dấu vết của chúng để lại, anh Muộc phát hiện từ vị trí con bò bị bắt đến địa điểm bị xé xác cách nhau hơn 500 m. Suốt một đoạn dài trên đồi cao xuống chân núi là thời gian con bò chống cự lại bầy hổ. Nhiều bụi dây leo và lau sậy bị chúng giằng co làm đứt ra từng đoạn.

Khi tôi hỏi, trong bản mình còn ai bị hổ bắt bò nữa, không cần suy nghĩ, anh Muộc nói ngay: “Bên kia kìa, nhà ông Nguyễn Văn Ròn cũng vừa bị hổ về bắt một con bò đực”.

Khi tôi có mặt tại Khe Trăng để điều tra thông tin về hổ xuống núi, rất nhiều bà con ngỡ đâu là đoàn dự án bảo tồn hổ nên họ tập trung đến rất đông để cung cấp dấu vết hổ. Ai cũng bảo đã tận mắt chứng kiến một bầy hổ ở rừng Phong Mỹ. Họ khẳng định bầy hổ này ít nhất có 4 con, 2 hổ lớn và 2 hổ bé.

Khu bảo tồn thiên nhiên: Đừng để quá muộn!

Tôi đặt vấn đề với anh Nguyễn Vẻ, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Mỹ, hổ liên tục xuất hiện gây hoang mang cho bà con, chính quyền có biện pháp hữu hiệu nào giúp dân? Anh Nguyễn Vẻ thú thật: “Chính quyền xã cũng bối rối lắm anh ạ. Không có cách nào xử lý được. Chỉ biết khuyên dân hết sức cẩn thận khi lên rừng”.

Cuộc sống của người dân Phong Mỹ rất cần được bảo vệ an toàn trước nanh vuốt của hổ, nhưng số phận của những con hổ cuối cùng này sẽ ra sao khi thợ săn đang hoạt động ráo riết? Nhóm thợ săn hoạt động rất tinh vi. Khi phát hiện có hổ đang sinh sống ở khu rừng nào đó, người dân không báo cho chính quyền biết mà im lặng “bán” ngay khu rừng đó cho cánh thợ săn để kiếm tiền. Xã biết thế nhưng không bắt được, khó quá, vì không có chứng cứ rõ ràng. Cho đến bây giờ, cũng chẳng ai rõ có mấy con hổ ở Phong Mỹ đã bị thợ săn vùng sơn cước dùng chiêu “độc” để bắt đi.

Tôi tiếp tục đem câu chuyện “hổ xuống núi” đến trao đổi với ông Mai Chiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phong Điền. Ông Chiến chia sẻ: “Dự án thành lập khu bảo tồn Phong Điền tỉnh đã trình Trung ương từ lâu nhưng chưa được phê duyệt. Hiện tại, vẫn chưa có một phương án nào bảo vệ hổ hữu hiệu hơn. Hạt chỉ có cách cho anh em xuống tận nơi vận động người dân không được săn bắn hổ trái phép...”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo