icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lái Thiêu, mùa trái đắng

Nguyễn Bình

Lái Thiêu đang trong cơn “đại dịch”, không phải cúm gia cầm mà là sự tàn lụi đáng sợ của gần 2.000 ha cây ăn trái nổi tiếng một thời...

Đón tôi ngay chân cầu Phú Long, cây cầu gỗ đã có tuổi hàng trăm năm, nối liền giữa quận 12 - TPHCM và thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, anh Trà Đức Lộc, Giám đốc khu du lịch vườn Miền Đông, xã An Sơn, Thuận An, giọng buồn buồn, nói như phân bua: “Thật tình, tôi chẳng biết giới thiệu sao với anh về Lái Thiêu bây giờ. Những vườn cây ăn trái sum sê tồn tại bao đời, gắn liền với địa danh của vùng đất này giờ đây xơ xác, tiêu điều... “Thánh địa” trái cây nổi tiếng một thời hiện đã thành vùng đất chết”. Rồi như để minh chứng, anh Lộc dẫn tôi xuôi theo con lộ Phan Đình Phùng chạy dọc về hướng Bình Nhâm để dạo khắp một vòng vùng đất du lịch vườn một thời nổi danh khắp miền Đông và cả Nam Bộ về sầu riêng, măng cụt, chỉ thấy đâu đâu cũng toàn là cảnh phá vườn và những hàng cây chết rụi bên đường, dẫu bây giờ đang là mùa trái chín...

Huyền thoại một vùng trái ngọt.- Chẳng biết từ bao giờ, Lái Thiêu đã đi vào ký ức của hầu như tất cả người dân miền Đông Nam Bộ, nhất là dân TPHCM, như là một vùng đất dành cho hoa thơm, trái ngọt. Cứ bắt đầu vào dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch kéo dài cho đến tận tháng 9, tháng 10, dân ở khắp nơi thi nhau đổ về Lái Thiêu để cắm trại, dã ngoại tại những vườn trái cây um tùm, xanh mát và sum sê quả ngọt. Ngồi dưới tán cây, nhìn dòng sông Sài Gòn lững lờ trôi nhẹ, những chàng trai, cô gái trẻ âu yếm bóc cho nhau từng múi sầu riêng, măng cụt có vị ngọt ngọt thanh thanh đầy quyến rũ rồi thề ước với nhau chuyện trăm năm... Khi ra về, mỗi người khách đều không quên mang theo một - hai giỏ trái cây trĩu nặng để làm quà cho người thân. Anh Lộc kể rằng Lái Thiêu nổi tiếng đến độ vào những năm 80, hầu như ngày nào các vườn trái cây ở đây cũng đón hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan, picnic... Vào dịp mùng 5 tháng 5 hằng năm, gần 6 cây số đoạn đường kéo dài từ chợ Lái Thiêu đến Quốc lộ 13 lúc nào cũng đông nghịt người. Dọc hai bên đường, đâu đâu cũng thấy trái cây được bày bán, mời chào. Vườn trái cây Lái Thiêu còn được biết đến qua bộ phim Trái ngọt nhà vườn do hãng truyền hình BBC của Anh thực hiện vào năm 1993 để giới thiệu một trong những vùng đặc sản du lịch ở Việt Nam.

Nhiều cụ già là dân địa phương nói địa danh Lái Thiêu có từ xa xưa là một dải đất nằm nép mình bên dòng sông Sài Gòn, trải dài qua các xã Bình Nhâm, An Thạnh, Hưng Định, Vĩnh Phú, huyện Thuận An ngày nay, còn gắn liền với một huyền thoại về tình yêu giữa một chàng trai người Hoa và một cô gái Việt Nam đã vượt qua những định kiến để đến với nhau và “khai phá” ra một giống quả ngọt nơi này. Chuyện kể: Vào đầu thế kỷ 17, Lái Thiêu bấy giờ còn là một vùng đất hoang với bạt ngàn rừng rậm. Trong số những người Minh Hương đầu tiên đến lập nghiệp ở Lái Thiêu, Bình Dương có gia đình của ông Lục Thành Mẫu, làm nghề gốm, có một cậu con trai 20 tuổi tên Lục Thành Tài đã đem lòng yêu một cô gái người Việt, nhà ở bên kia sông Rạch Tra, tức quận 12 - TPHCM bây giờ. Hằng ngày, cô gái thường chèo ghe chở mắm, khô đến bán cho lò gốm. Gia đình hai bên biết được đều ngăn cấm vì không chấp thuận tình yêu không cùng chủng tộc. Nhưng hai người vẫn quyết tâm tìm đến với nhau. Khi cô gái mang thai thì gia đình phát hiện và chính cha cô đã dùng cái rựa giết chết con mình, vì ông cho rằng cô đã làm nhục cả gia đình. Xác cô gái được chôn tại một vườn trái cây ở ngay tại xã Bình Nhâm ngày nay. Sau đó, chàng trai Lục Thành Tài hay tin, vội tìm đến nấm mồ cô gái, thắt cổ chết theo. Một năm sau, giữa nấm mồ hai người mọc lên một loại cây ăn trái lạ. Vỏ ngoài thì xù xì, gai góc nhưng bên trong có múi ngọt, thơm đến lạ thường. Người dân địa phương đặt tên là cây sầu riêng để tưởng nhớ mối tình chung thủy, đầy bi kịch... Tất nhiên, đó chỉ là giai thoại nhưng nhiều nhà vườn cả quyết với tôi rằng, sầu riêng Lái Thiêu là giống riêng, khác hẳn với sầu riêng ở Tây Nam Bộ vì có vị đậm và thơm rất lâu như mối tình đôi trai gái nọ.

Vậy mà trong khoảng 7, 8 năm trở lại đây, cây ăn trái đã chết liên tục, từng cây chết, cả vườn chết rồi lan ra chết cả vùng. Gần 2.000 ha cây ăn trái giờ cứ thi nhau chết dần, chết mòn... Cây chết đã đành, Lái Thiêu vắng dần du khách, mất đi thương hiệu một thời vang bóng, đời sống nhà vườn vốn đã khổ lại càng khổ hơn” - một cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Dương chua xót nói vậy.

Nỗi đau mùa quả đắng.- Tôi theo anh Lộc qua một chuyến đò ngang để qua địa phận xã An Sơn, địa danh từng một thời là trung tâm du lịch vườn của cả khu vực này. Năm 1994, khi tôi đến đây cắm trại cùng một nhóm bạn đã phải chờ gần 2 tiếng đồng hồ mới có đò đi vào nhà vườn vì lượng khách quá đông. Trước đây, theo quy hoạch của tỉnh Bình Dương, An Sơn sẽ là khu du lịch sinh thái cấp tỉnh với 100% hộ dân sống bằng nghề làm vườn.

Nhưng An Sơn hôm nay đã hoàn toàn khác hẳn với hình ảnh của 10 năm về trước. Những căn nhà mái ngói âm dương cổ kính, những lu, khạp đựng nước được làm bằng sành, sứ từng một thời quyến rũ du khách vì nét chân quê, cổ kính đã không còn nữa. Người ta thi nhau phá vườn, phân lô bán đất, cất nhà. Những căn nhà lai, nhà 2, 3 tầng cất theo kiểu tân thời đã phá vỡ cảnh quan những vườn sinh thái ngày nào. Những vườn sầu riêng trụi lá xen lẫn những cây bị thối rễ nằm trơ trỏng dưới nắng chiều. Ông Trần Văn Thành, một trong những lão nông còn kiên quyết “bám trụ” lại với vườn trái cây, nói như nghẹn ngào: “Gia đình tui bốn đời làm vườn nhưng chưa bao giờ rơi vào cảnh khốn đốn như lúc này cậu à. Hãi hùng quá, cây cứ thi nhau mà chết. Chẳng biết nguyên nhân nào, người thì bảo do ngập úng, người lại bảo vì ô nhiễm. Chỉ biết nông dân lần lượt phải bỏ vườn mà lòng đau như cắt...”. Hơn 8 năm trước, nhà vườn của ông Thành nổi tiếng khắp vùng, ngoài lượng trái cây phục vụ du khách thì hằng ngày, ba cô con gái của ông còn theo ghe chở trái cây về các chợ đầu mối của TPHCM tiêu thụ. Thu nhập từ 4 ha vườn trái cây của ông hằng năm lên đến cả trăm triệu đồng. Vậy mà trong những năm gần đây, cũng chính vườn trái cây này lại làm gia đình ông khốn đốn. Từng cây, từng cây lần lượt rũ chết. Không sống nổi bằng nghề làm vườn, hai cô con gái của ông phải đi làm công nhân ở Khu Công nghiệp Việt Hương gần đó để nuôi cha mẹ già và đứa em nhỏ ăn học. Cuộc sống cả gia đình phụ thuộc vào đồng lương công nhân nên thiếu trước, hụt sau. Mặc dù vậy, ông Thành kiên quyết không cho phá vườn, bán đất vì không muốn “phá đi kỷ niệm, dấu ấn của một thời”. Thủy, cô con gái út của ông Thành, mỗi chiều vẫn ngồi thẫn thờ bên vườn trái cây, nói như sắp khóc: “Cứ nhìn cây chết dần mà em lại thương ba, thương má, thương cuộc sống gia đình rồi lại nhớ đến kỷ niệm tuổi thơ bên vườn cây ăn trái của mình ngày nào mà muốn khóc...”. Ba năm nay, vào dịp mùng 5 tháng 5, các vườn trái cây vắng hoe nhưng Thủy vẫn chèo ghe đi một vòng từ bến đò về vườn như chờ đợi khách...

. Đánh giá: “Vườn cây ăn trái Lái Thiêu là vùng trồng cây ăn trái nổi tiếng và lâu đời, có hàng trăm năm của miền Bình Dương và Đông Nam Bộ với nhiều chủng loại cây ăn quả như sầu riêng, măng cụt, bòn bon, mít tố nữ... Đây là vùng sinh thái nông nghiệp rất đặc biệt của tỉnh Bình Dương”.

(Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ)

Nhiều hộ xung quanh quá lao đao vì vườn trái cây nên đành phá vườn, bán đất, cất nhà, lấy vốn chuyển sang làm nghề khác. Chỉ riêng ở xã An Sơn này đã có gần 200 hộ rơi vào hoàn cảnh như ông Thành. Thủy bảo, ở đâu nhà mới cất khang trang thì minh chứng cho sự đổi thay, phát triển chứ còn ở Lái Thiêu này, nhà mới cất lên lại gắn liền với nỗi đau ngậm ngùi của người nông dân.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng NN-PTNT và Địa chính huyện Thuận An thì đến nay đã có gần 4.000 cây ăn trái, chủ yếu là sầu riêng, măng cụt bị chết, số còn lại thì phần lớn bị bệnh và cho năng suất rất thấp. Bình quân ở các xã Hưng Định, An Sơn, An Thạnh, mức thiệt hại vườn cây ăn trái là 2-3 tỉ đồng. Tôi hỏi nguyên nhân vì sao cây chết thì nhà vườn cho rằng có rất nhiều lý do. Người bảo do công trình đê bao An Sơn - Lái Thiêu, một công trình do Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Bình Dương phối hợp thực hiện để tiêu thoát nước, chống ngập úng cho gần 3.000 ha cây ăn trái ở khu vực này thi công dở dang thì ngưng lại vì chờ điều chỉnh giá nên thay vì thủy lợi lại thành... “thủy hại”, nước ứ ngập làm cây mất sức đề kháng, chết dần. Có người lại bảo do nước thải đầy hóa chất chưa qua xử lý của các khu công nghiệp gần đó thải ra làm cây chết. Cũng có người lại cho rằng nhiều hộ dân từ TPHCM sang mua đất chờ thời, không trồng trọt gây hoang hóa, làm ngập úng cục bộ...

Trong khi đó thì đến nay, chính quyền và các nhà khoa học vẫn đang loay hoay tìm... nguyên nhân. Hiện UBND tỉnh Bình Dương đã giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở

NN-PTNT tỉnh triển khai đề án tìm hiểu nguyên nhân sự việc, nhưng nghe đâu phải đợi đến năm 2005 mới có kết quả. “Dù là nguyên nhân nào chăng nữa thì ngoài cái thiệt hại về vật chất, đáng lo nhất vẫn là thiệt hại về giá trị văn hóa. Không khéo sau này, thương hiệu trái cây Lái Thiêu có hàng trăm năm sẽ bị khai tử thì mới là tổn thất nặng nề nhất...” - anh Đỗ Thanh Sử, Trưởng Phòng NN-PTNT và Địa chính huyện Thuận An, nói vậy.

Vĩ thanh.- Chia tay tôi, anh Trà Đức Lộc nói như khẩn khoản: “Cậu về nhớ lên tiếng thế nào để các ngành chức năng quan tâm, cùng xắn tay vào, sớm tìm ra nguyên nhân sự tàn lụi của vườn cây ăn trái Lái Thiêu, giúp nông dân đỡ khổ, tránh đi sự mai một của một địa danh nổi tiếng ngày nào...”. Anh Lộc còn kể, cách đây nửa năm, một người bạn của anh vốn là dân Lái Thiêu từ Mỹ trở về đã sững sờ khi biết được vườn cây Lái Thiêu rồi sẽ chỉ còn trong sách vở. Anh nói, thương hiệu Lái Thiêu còn ở trong nỗi nhớ của nhiều kiều bào xa quê hương. Bởi cách đây vài chục năm, ai không từng có một thời trai trẻ, hầu như dân Sài Gòn đều có đôi lần cùng người thân, bè bạn đến vùng trái ngọt này để dã ngoại... Tính ra, thương hiệu trái cây Lái Thiêu không chỉ có giá trị hàng triệu đô la về vật chất mà còn mang một giá trị sâu thẳm về mặt tinh thần... Anh Lộc tặng cho tôi hai trái sầu riêng hiếm hoi mang đúng thương hiệu “Lái Thiêu” ngày nào. Anh đã bỏ gần 300 triệu đồng tiền thuốc men, làm đất chỉ để giữ cho một khoảng 1.000 m2 đất vườn sầu riêng trong tổng số 5 ha vườn cây ăn trái đang tàn lụi của mình. Chỉ vì “Sợ sau này mất giống sầu riêng Lái Thiêu. Dân Lái Thiêu quên luôn câu chuyện tình huyền thoại, quên luôn văn hóa xứ sở, quê hương mình”.

Sầu riêng vẫn ngọt, vẫn rất thơm nhưng tôi nghe đâu đó có dư vị đắng cay lan tỏa trong tâm hồn...

Bến đò Cầu Ngang - Lái Thiêu, nơi đưa đón khách du lịch vào các vườn Bến đò Cầu Ngang - Lái Thiêu, nơi đưa đón khách du lịch vào các vườn. Ảnh: Ch.LAN

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo