Ở làng An Bằng, xu hướng lấy chồng Hàn Quốc không còn là mốt nữa, với nhiều gia đình, chồng tương lai của con gái họ phải là người Mỹ, Úc, Canada... Con gái mới lớn lên ở đây đều chờ người đến xem mặt và cha mẹ họ cũng chờ...
Ý trung nhân bên kia bán cầu
Nguyễn Thị B. là một trong ba người con của một gia đình khá giả đều có anh em chú bác ở Mỹ. Lên THPT, gia đình đã sắp đặt cho B. lên TP học để “hợp” với cuộc sống hiện đại, và cũng là để chuẩn bị cho những bước đi tương lai ở bên kia nửa bán cầu. Vừa thi tốt nghiệp THPT xong, cô nhận được email làm quen của một anh chàng có tên Johnny. Đó là người mà chị họ của B. giới thiệu. Khi đã tìm hiểu nhau trong vòng một tháng thì Johnny bay sang Việt Nam gặp mặt. Và vào đầu tháng sau thì lễ cưới cũng nhanh chóng diễn ra.
Nhiều chàng trai trong làng đành lặng lẽ đi tìm ý trung nhân ở làng khác vì “con gái trong làng lớn lên là có mối nước ngoài hết rồi, không tán tỉnh chi được mô” - Thắng, một thanh niên trong làng An Bằng, cho biết.
Nhiều nữ sinh đang ngồi trên giảng đường ĐH cũng phải đứt gánh giữa đường để xuất ngoại. D.T.Nga (Thuận An, Phú Vang) đã thi đỗ vào hệ cử nhân tiếng Anh của Trường ĐH Ngoại ngữ Huế. Nhập học chưa đầy hai tháng, Nga phải nghỉ để kết hôn với một người Canada do bà cô làm mối. Đã 3 năm rồi, Nga vẫn phải ở nhà, gửi email hay nhận điện thoại của chồng chứ “đoàn tụ” thì chưa.
Hai chị em N. (Phú Hải, Phú Vang) thì lại kết hôn qua email, chat mà không cần sự giới thiệu của ai. Cô chị đã đi Đức được hơn một năm nay và giúp cho gia đình cải thiện rất nhiều về cuộc sống, cô em thì đang làm hồ sơ đi Anh. Gia đình N. là một trong những hộ khó khăn nhất của xã Phú Hải, nhưng “đã đổi đời thực sự rồi” - mẹ của N. nói. Chuyện hai chị em này truyền tai nhau, nhiều cô gái mới 15, 16 tuổi bắt đầu học chat, mong tìm được ý trung nhân.
“Mỗi năm, làng này cũng có 5-6 cái đám cưới của thiếu nữ trong làng với người ngoại quốc. Mà cách tổ chức thì y như nước ngoài nghe, đi nhà hàng hay khách sạn trên tận thành phố lận cô ơi” - bà N. T. H, người dân An Bằng, cho biết.
Vui buồn chồng ngoại
Ngô Thị M. là một cô gái chưa đầy 24 tuổi phải sánh đôi với một người chồng Tây hơn cô đến 22 tuổi và đã có một đời vợ. Câu chuyện con rể lớn hơn bố mẹ vợ của gia đình M. trở thành tâm điểm cho bà con bàn tán hồi ấy, giờ đã trở nên quá bình thường. Vì rất nhiều trung niên, tứ tuần sang đây kết hôn với những thiếu nữ của làng An Bằng, An Dương, Cự Lại...
Lành, sau khi tốt nghiệp cấp 3 cũng chỉ ở nhà và “chờ”. Gần hai năm sau mới có một mối do ông chú ở Úc giới thiệu. Mặc dù đã quen qua email nhưng Lành vẫn rủ bạn bè cùng đi xem mặt để có gì cùng đưa ra ý kiến. Lành kể: vừa gặp người ta, nhỏ bạn đã la lên “trời”, mà khi đó mình cũng la lên thiệt. Người Tây chi mà đen, để râu quai nón trông dữ tợn lại hơn mình đến 18 tuổi. Vừa sợ vừa thấy không hợp nữa nên “bye” luôn.
Chuyện kết hôn với Tây chỉ xuất hiện cách đây chưa đến chục năm. Càng lúc mộng lấy Tây càng ôm ấp mãi trong lòng nhiều cô gái trẻ. Dù đã sắp bước sang tuổi ba mươi nhưng Ph. vẫn không chịu lập gia đình vì vẫn mơ ước được sang bên kia đại dương, trong khi bạn bè cùng trang lứa đã yên bề gia thất cả rồi.
Xu hướng “kết hôn giả” với Tây đang trở thành điểm nóng của dân cư vùng này. G. có bà dì ruột ở Canada, nghe nói là rất giàu, đã bàn bạc với mẹ G. cho cô đi nước ngoài bằng con đường nhanh nhất. Thế là dù đã học hết năm 2 trên giảng đường ĐH, G. phải bỏ dở để lên xe hoa.
Chồng “hờ” của G. là một người Canada gốc Việt (bố mẹ xuất ngoại từ khi chưa ra đời), được dì G. thuê với giá 30.000 USD để kết hôn và làm bằng được giấy tờ xuất ngoại cho cô cháu gái của mình. Mọi chi phí ăn ở khi về Việt Nam làm giấy tờ của chồng đều được dì G. tài trợ. Ngoài ra, anh ta còn được trả trước 15.000 USD, sau khi G. qua được bên đó sẽ đưa đủ số tiền như trong bản cam kết.
Được biết, trước đó người chồng hờ này cũng đã được thuê kết hôn với một cô gái cùng làng với G. Chưa đầy 4 tháng sau, G. đã sang đoàn tụ với dì mặc dù vẫn phải sống ở nhà chồng cho đến khi nhập được quốc tịch. Thời gian này, G. vẫn hay email về: “Chị ơi, người ta nói yêu em thật, họ bảo rằng khi nhập quốc tịch rồi thì đừng ly hôn nữa. Em không biết phải làm sao...”. Mẹ G. kể: “Tôi nói với nó là nếu người ta làm giả mà yêu thật thì cũng nên bằng lòng, sau này khỏi phải đi tìm đâu xa...”.
Bình luận (0)