Không phải Huế nhưng được nghe ca Huế
Chuyện kể rằng, vào khoảng thế kỷ 18, quan Thừa Phủ Nguyễn Văn Thừa người gốc làng Quảng Xá xã Tân Ninh huyện Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình vào kinh đô Huế làm quan.
Ông mê ca Huế và cố công học hỏi rồi về quê truyền khẩu lại, lúc đầu cho con cháu trong nhà, sau đó phổ biến ra khắp làng. Ca Huế không những cuốn hút dân làng khác đến nghe mà người khắp nơi ở đất Quảng Bình thời đó cũng muốn đến thưởng thức.
Không những quan Thừa Phủ có công đưa ca Huế về Quảng Xá mà ông còn cử ông Bát Vời vào Huế học thêm rồi về truyền lại cho người dân trong làng. Người mà tôi gặp ở Quảng Xá đầu tiên là cụ Nguyễn Mại, một đời gắn với ca Huế và là thế hệ thứ tư kế thừa ca Huế ở mảnh làng này. Đã hơn 80 tuổi nhưng tiếng đàn điệu ca của cụ vẫn còn trong trẻo mượt mà đến kỳ lạ.
Cụ Mại kể rằng, khi ông Thừa Phủ cho cụ Bát Vời vào Huế học các làn điệu kinh thành, không những ông thẩm thấu nhanh mà còn thể hiện hay khiến cho quan đề Trần Xá yêu mến gả cho con gái rượu vốn giỏi cầm, kỳ, thi, họa về làm dâu làng Quảng Xá để cùng chồng truyền ngón nghề hát cho dân làng. Từ đó, ca Huế phát triển mạnh ở Quảng Xá cho đến nay.
Hiện tại, con cháu cụ Bát Vời cùng con cháu của các dòng họ khác của làng vẫn lưu giữ ca Huế trong tâm và trong cuộc sống. Nhiều bậc trưởng thượng như cụ Dương Viết Thủ nói rằng: “Ca Huế đã sống trong đời sống của dân làng qua sáu thế hệ. Mỗi một người con của làng ai cũng thấm đẫm điệu Nam Ai, Nam Bằng và nhiều điệu khác như Phẩm Tuyết, Tương Tư Khúc, Lưu Thủy, Kim Tiền, Xuân Phong, Long Hổ… để rồi lớn lên, dù còn ở làng hay đi xa lập nghiệp cũng vẫn giữ cho mình những câu ca Huế”.
Rút thăm… đi diễn văn nghệ
Làng Quảng Xá thật rộn ràng mỗi khi có sự kiện lớn. Lúc đó, ngõ nào, xóm nào cũng í a ca Huế, hò khoan, hò mái nhì, hò mái đẩy thậm chí cả hát ca trù, hát ả đào, hát quan họ, nhạc tiền chiến, nhạc đỏ. Những ngày sắp Tết, nam thanh, nữ tú của làng ngơi việc đồng áng là lao vào tập văn nghệ để chuẩn bị diễn Tết.
Ai cũng say sưa, ai cũng vui như có hội. theo ông Dương Viết Thủ, Quảng Xá là làng nông nghiệp nên cần có người ở nhà chuẩn bị cơm nước cho gia đình, trong khi đó, gia đình nào ở Quảng Xá cũng có tình trạng thế này: cha có đội văn nghệ của cha, mẹ có đội văn nghệ của mẹ, anh có đội văn nghệ của anh, chị có đội văn nghệ của chị, út có đội văn nghệ của út, ông bà cũng có đội văn nghệ phụ lão.
Say văn nghệ, say hát nên cả nhà không ai nhường ai, không ai chịu ở nhà. Chỉ một điều công bằng kiểu may rủi mới giải quyết được “mâu thuẫn” dễ thương này là các thành viên trong gia đình phải rút thăm. Thăm làm từ những cọng rơm, ai rút nhằm cọng rơm ngắn nhất buộc phải ở nhà. Lệ rút thăm để được ra sân làng diễn văn nghệ ở Quảng Xá tồn tại đã lâu.
Làng nhạc sĩ
Sự lạ là Quảng Xá ai cũng say mê ca hát nhưng lại chỉ diễn ở mức quần chúng, không sinh được ca sĩ nào. đổi lại, họ Dương của làng lại sinh ra đến năm vị nhạc sĩ tiếng tăm trong làng âm nhạc Việt Nam. Vị nhạc sĩ trưởng tràng đầu tiên là Dương Viết Á, còn gọi là Minh Dương, trú quán ở phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội, sinh năm 1934. Ông tự học nhạc, tốt nghiệp Đại học Văn khoa năm 1957, giảng dạy văn học, mỹ học, chuyên viết về âm nhạc, dịch lời bài hát nước ngoài, từng đoạt giải cao của Hội nhạc sĩ Việt Nam năm 1994 với cuốn “Âm nhạc-Lý luận và cây đời”, rồi giải dành riêng cho sách biên khảo: “Theo dòng âm thanh cái đẹp sải cánh”.
Giáo sư – Nhạc sĩ – Nhà giáo ưu tú Dương Viết Á có 1 người em cũng là nhạc sĩ Dương Viết Chiến hiện là Chi hội trưởng Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Bình. Các nhạc sĩ khác cũng dòng họ Dương của làng gồm có Dương Mạnh Đạt, Chi hội trưởng chi hội âm nhạc Việt Nam tại Lâm Đồng; nhạc sĩ Dương Viết Hòa, Chi hội trưởng nhạc sĩ Việt Nam tại Bình Định, tốt nghiệp Trường Quốc gia âm nhạc Huế năm 1984, người sáng lập Trung tâm Âm nhạc Dương Gia tại Quy Nhơn, mỗi năm đào tạo gần 100 học viên các chuyên ngành sáng tác, lý luận, pianô, organ, ghi ta, thanh nhạc…
Cuối cùng là nữ nhạc sĩ Dương Bích Hà, con của nhạc sĩ Đạt. Chị vừa là nhạc sĩ lý luận vừa là nhạc sĩ sáng tác, từng đạt giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam. Hiện nhạc sĩ Dương Bích Hà giảng dạy ở Trường Đại học Nghệ thuật Huế.
Người ta nói rằng, Quảng Xá nằm giữa hai con sông Kiến Giang và Long Đại, dáng con sông qua làng uốn như hình một khóa sol trong bản nhạc. yếu tố phong thủy này đã biến Quảng Xá thành một làng ca hát…
Bình luận (0)