Thấy tôi đề cập đến cuộc sống của cưa dân vạn chài, anh Mại giãi bày: Nghề chính của cư dân vạn chài chúng tôi là đánh bắt tôm cá trên sông. Nay cá tôm chẳng có để đánh bắt nên mọi người đều phải tự tìm kế sinh nhai khác. Trai tráng thì bốc vác thuê cho tiểu thương quanh khu vực chợ Đông Ba, đạp xích lô, phụ hồ, người già, trẻ em thì gia nhập đội quân bán vé số dạo, phụ nữ thì mua đi bán lại và ba mớ cá rong. Ở trong xóm chài Phú Hiệp có rất nhiều nhà có 3 thế hệ đều chui rúc trong một chiếc thuyền chài chỉ rộng chừng 7 – 8 m2. Không ít nhà bí chỗ đành phải mua phao xốp kết thành bè trên đó đựng một chiếc lều rộng 2 – 3 m2 để làm chỗ ngủ ngáy qua đêm. Đói ăn, thiếu mặc nên việc học hành chẳng mấy ai quan tâm. Họ chỉ cần cho con học cho biết mặt chữ là bỏ. Có nhà có tới 14 nhân khẩu nhưng không ai học qua được biểu tiểu học!
Được biết những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo TP Huế và các dự án hỗ trợ nhân đạo phi chính phủ của nước ngoài nên, hầu hết người lớn trẻ em trong độ tuổi của cư dân vạn chài trên sông Hương đã có điều kiện để đến trường học chữ và xóa mù. Thế nhưng chẳng hiểu vì tập quán lênh đênh trên sông nước hãy vì lý do cơm áo mà số học sinh vạn chài theo học tiếp cấp 2, cấp 3 chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Theo thống kê của cơ quan chức năng ở TP Huế, cho đến nay trên sông Hương còn hơn 1.000 hộ dân vạn chài với trên 6.000 khẩu đang sinh sống. Thuyền chài của họ tập trung neo đậu tại các phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Bình, Kim Long, Vĩ Dạ và Phường Đúc. Để cải thiện dần đời sống cho cư dân vạn chài trên sông Hương, năm 1992, TP Huế đã tiến hành xây dựng một dự án tái định cư cho một số hộ. Đã có 300 hộ dân vạn chài tại Phú Bình, Phú Hòa, Bãi Dâu được đưa lên sống tại khu tái định cư ven sông Như Ý, Hộ Thành Hà và tổ 16, phường Phú Hậu. Năm 1998, nhờ có thêm nguồn tài trợ của một tổ chức phi chính phủ nước ngoài, TP Huế tiếp tục đầu tư xây dựng một khu tái định cư và di dời 160 hộ vạn chài ở Kim Long và Bến Me lên đó sinh sống. Mỗi hộ được chia diện tích 100 m2 đất để làm nhà ở cố định.
Cùng thời điểm trên, TP Huế còn xây dựng thêm khu tái định cư Bãi Dâu thuộc phường Phú Hậu rộng 6 ha để di dời tiếp 110 hộ vạn chài gần đó lên sinh sống.
Những cố gắng đó của TP Huế, thực ra cũng chỉ như muối bỏ biển. Mặc dù tại một số khu tái định cư đã có đầy đủ các cơ sở hạ tầng, đường đi, lối lại, trạm xá, trường tiểu học... Cư dân lên sống ở đây, thậm chí còn được mua nhà trả góp thế nhưng, điều làm họ không mặn mà là khi vào khu tái định cư để sinh sống, dân vạn chài buộc phải đoạn tuyệt với nghề sông nước truyền thống của họ. Loay hoay mãi họ vẫn không tìm được nghề mới phù hợp với mình để trụ lại nơi ở mới nên chỉ sau một thời gian đã có không ít hộ phải bán phần đất được chia rồi quay lại nghề sông nước...
Bình luận (0)