Đã bao lần lên Ngũ Hành Sơn là bấy nhiêu lần tôi mặc sức lang thang với... đá. Ai mà chẳng thế, hang động Ngũ Hành Sơn nơi nào chẳng đá, đá chênh vênh ngóc ngách sâu hun hút đường đi xuống hang âm phủ, đá cheo leo ngoằn ngoèo bò, rúc, rồi chui lên đùa với mây bay trên tận đỉnh trời, đưa tay vịn vào Vọng Hải đài, đá một bên và... vô tận một bên. Thủy Sơn, Mộc Sơn, Kim Sơn, Thổ Sơn, Hỏa Sơn bốn bề đá núi. “Em ru gì lời ru cho đá, đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian...”, hát vi vu cùng gió biển thổi bạt vào vách đá nghe âm âm u u tiếng của nghìn trùng dội lại...
Làng đá Non Nước.- Nhưng lần này tôi đã không trèo lên hơn một trăm năm mươi bậc đường lên núi để lãng mạn với đá Ngũ Hành Sơn mà hát ca theo gió. Có một làng nghề đá mỹ nghệ nằm ngay dưới chân Ngũ Hành Sơn đang sôi động âm vang tiếng đục, đẽo, chạm, mài bền bỉ như muốn thi thố cùng tiếng sóng biển, ì ầm khắc vào vách thời gian một thứ ẩn ngữ của lòng kiên trì. Cũng không phải đến bây giờ cái làng đá mỹ nghệ Non Nước mới xuất hiện để tô vẽ thêm một nét son làm đẹp cho danh lam thắng cảnh nơi đây, mà đã lâu lắm, kể từ khi cái địa danh làng Quán Khái xuất hiện trên bản đồ đất Quảng.
. Lịch sử: Làng nghề đá Non Nước ngày nay là sự kế thừa tiếp nối làng nghề đá Quán Khái ngày xưa, do bởi thời còn chiến tranh, dân làng Quán Khái đã chuyển ra sinh sống ở làng mới Khuê Bắc dưới chân Ngũ Hành Sơn lập nên làng mới Non Nước |
Tôi và Vô Biên - người bạn làm thơ cùng đi với mình - lòng vòng xe trên những đường Lê Văn Hiến, Huyền Trân Công Chúa và nhiều con đường nhỏ khác, san sát liền ở hai bên đường là những cơ sở sản xuất và cửa hàng buôn bán đồ đá mỹ nghệ. Cứ chạy xe lên xuống mãi ngoài đường thế này mà gọi là đi tìm hiểu, đi thực tế làng đá thì biết gì ngoài cái nhìn kiểu cưỡi ngựa xem hoa. Phải tìm cho ra nhà Trần Quốc Bảo, một người bạn trẻ mà chúng tôi mới có dịp làm quen cách đây mấy hôm đang làm nghề đá dưới chân ngọn Thủy Sơn. Vườn tượng nổi tiếng ở Non Nước ai cũng biết đến là của anh Nguyễn Long Bửu, cơ sở sản xuất của gia đình anh xếp vào loại hàng đầu của hơn 300 cơ sở sản xuất và buôn bán đồ đá mỹ nghệ ở nơi này. Nhưng chúng tôi lại muốn gặp gỡ những người thợ trẻ trước, chính họ là thế hệ gần bốn thế kỷ tiếp tục khai sáng nghề nghiệp của làng đá, kể từ khi các bậc tiền nhân xa xưa từ Thanh Hóa, trên đường lập nghiệp phương Nam đã mang theo nghề đá cổ truyền vào làng Quán Khái - Hòa Vang tạo dựng cơ nghiệp. Thuở đầu khai phá, mở mang lập nên làng, nghề đá chưa phải là nghề chính đủ sức nuôi dân làng mà chính là cuốc cày như bao nhiêu làng quê nông nghiệp khác. Những lúc nông nhàn rỗi rảnh, người dân làng Quán Khái mới lấy nguyên liệu từ đá Ngũ Hành Sơn về mài giũa, đục đẽo làm nên những dụng cụ sinh hoạt trong gia đình, như: cối xay, cối giã, chày đá,... cũng có nhiều địa phương khác ở khắp nơi nghe tiếng thợ đá Quán Khái tạc bia mộ, chạm khắc chữ đẹp, đã mời về làm bia mộ, hoặc chạm trổ đình chùa miếu mạo cho làng mình. Dựa vào những năm dựng bia mộ cho các bậc tiền hiền họ Lê và họ Huỳnh nơi đây, ta hiểu được bề dày lịch sử của làng Quán Khái và sự phát triển của nghề đá vào những năm giữa của thế kỷ 17. Văn bia ‘’Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lạc” được khắc vào vách đá động Vân Thông năm Tân Tỵ (1641), trên hòn Thủy Sơn và bia ‘’Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật’’ được khắc vào vách đá động Hoa Nghiêm năm Canh Thìn (1640), có thể xem đây là những dấu tích khởi nghiệp của bàn tay tài hoa người thợ đá làng Quán Khái. Theo các nhà nghiên cứu, về sau này, do sự sắp xếp tự nhiên, những người làng nghề ở liền với nhau để tiện sinh hoạt, nối truyền nghề nghiệp của cha ông, từ đó làng tách ra làm hai: Quán Khái Tây và Quán Khái Đông. Chuyên về nghề đá, dân làng Quán Khái Đông khai thác các loại đá cẩm thạch, hoa cương tại Ngũ Hành Sơn để sản xuất, chế tác làm nên những sản phẩm buôn bán giao lưu với nhiều nơi khác. Kinh thành Huế do các vua triều Nguyễn xây dựng cũng có nhiều đóng góp của những người thợ Quán Khái Đông.
Những người thợ đá trẻ.- Người thợ trẻ Trần Quốc Bảo mà chúng tôi tìm gặp không những thạo tay nghề mà còn khá am tường lịch sử làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước. Cơ sở sản xuất của Bảo ở cuối đường Huyền Trân Công chúa, nằm sát vách chân ngọn Thủy Sơn và biển Non Nước. Nhà cửa Bảo hãy còn xuềnh xoàng so với nhiều cơ ngơi đồ sộ khác, dù vậy những phương tiện máy móc dùng cho sản xuất như máy cắt đá, máy liên hợp dùng để mài và nhiều dụng cụ khác, anh cũng đã chắt chiu gầy dựng cơ sở buổi đầu tương đối bề thế. Nghe người thợ trẻ tuổi mới hai lăm, hai sáu ngồi say sưa chuyện trò về nghề, trông dáng dấp Bảo đầy bản lĩnh của một nghệ sĩ điêu khắc. Thực ra Trần Quốc Bảo không phải là dân gốc ở đây, quê anh ở Điện Bàn, ra Non Nước học nghề và rồi trở thành công dân của làng đá. Những học trò của Bảo có tuổi đời cũng chỉ mười lăm, mười sáu, hầu hết đều là dân mười phương, Nghệ An, Lâm Đồng và nhiều nơi khác đến. Điều đó chứng tỏ nghề đá mỹ nghệ Non Nước có một hấp lực thu hút những người thợ trẻ học hỏi say sưa với nghề. Lẽ đương nhiên, một làng nghề nằm sát vách một danh lam thắng cảnh nổi tiếng trong và ngoài nước như Ngũ Hành Sơn, ưu thế đó được xem như nguồn vốn quý giúp làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước sánh vai không kém gì những ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nổi tiếng ở Đà Nẵng. Con số trên 1.500 nhân công thợ thường xuyên làm việc hằng ngày tại các cơ sở làng đá Non Nước, trong đó người vững tay nghề điêu khắc có đến hàng trăm. Lương thợ bậc cao bình quân thu nhập mỗi tháng 3 triệu đồng và thợ bậc trung hơn l triệu đồng mỗi tháng, đã minh họa sự ổn định đời sống của những người thợ làng đá, đó là chưa nói đến những cửa hàng to lớn, phát đạt ra mỗi ngày nhờ kinh doanh vào mặt hàng này. Mùa xuân hàng đá mỹ nghệ Non Nước cũng sôi nổi không khác gì những loại hàng hóa khác, bởi sau tết là bắt đầu mùa du lịch. Lượng khách trong và ngoài nước đến Đà Nẵng rất đông và Ngũ Hành Sơn thường là địa chỉ đầu tiên du khách đặt chân tới. Khách hàng nhiều thì tiêu thụ sản phẩm nhiều và vì thế mùa xuân cũng là mùa làm ăn của dân làng đá.
Ngày nay, sản phẩm đá mỹ nghệ Non Nước đã có mặt nhiều nơi trên thế giới. Người mua sắm làm kỷ niệm một lần đến Đà Nẵng cũng có, xuất khẩu sang các thị trường Pháp, Úc, Hồng Kông, Thụy Sĩ, Mỹ,... cũng có. Mặt hàng phong phú đa dạng, sản phẩm được sản xuất qua những quy trình và thiết bị máy móc hiện đại, không như ngày xưa hoàn toàn thủ công đơn giản, thô sơ. Đặc biệt còn có tranh khắc đá và tượng nghệ thuật có giá trị mỹ thuật cao. Cầm một tượng Chăm vũ điệu Ap-sa-ra nhỏ nhắn trong bàn tay, tôi hỏi giá thành. Trần Quốc Bảo vừa cười vừa trả lời: “Cũng còn tùy theo khách. Một lần có một vị khách nước ngoài hỏi mua một tượng như thế này, người bán hàng vì không biết tiếng nước ngoài đã ra dấu trên bàn tay con số 300, ý là 300.000 đồng, vị khách nước ngoài đã móc ví trả cho người bán hàng đến những 300 đô-la. Bởi vậy, nói đến giá thành là vô giá, nghĩa là thấy thuận là bán”. Bảo còn cho chúng tôi biết, cơ sở sản xuất của làng đá Non Nước hiện nay khá đông đảo. Nổi bật nhất là các cơ sở Nguyễn Hùng, Xuất Ánh, Tiến Hiếu, Phan Chi Lăng và cơ sở Nguyễn Sáng. Cứ tưởng nghề đá ở đây chỉ tựa vào nguồn nguyên liệu tại chỗ, tôi hỏi Bảo: “Lấy đá mãi thế này có ngày mất núi còn gì thắng cảnh?”. Bảo đưa tay chỉ vào những tảng đá vuông vức nói với tôi rằng, từ nhiều năm nay nguyên liệu sản xuất đều mua từ các nơi khác đưa về, không ai được phép khai thác phá vỡ cảnh quan Ngũ Hành Sơn. Tùy vào từng loại sản phẩm mà mua nguyên liệu. Đá trắng mua ở Nghệ An, đá vân gỗ, đá hường, đá đỏ hoa, đá firo mua ở Hà Tây, đá cẩm đen mua ở Ninh Bình. Đặc biệt điêu khắc tượng Chăm phải dùng sa thạch ởã Quảng Nam. Đơn giá cũng tùy từng loại, loại đắt nhất khoảng 10 triệu đồng một khối vuông và thấp nhất khoảng 3 - 4 triệu đồng một khối.
“Nghề cho con ấm mát cuộc đời”.- Chúng tôi nhờ Bảo hướng dẫn tìm thăm một nghệ nhân cao niên trong làng nghề, Trần Quốc Bảo vui vẻ đưa tôi và Biên đi gặp cụ Lê Bền, một tay nghề bậc thầy chuyên làm tượng nghệ thuật Chăm. Mặc dù đang giữa trưa, cụ Lê Bền vẫn niềm nở tiếp chúng tôi với cơ man những câu chuyện thăng trầm buồn vui nghề điêu khắc. Đến đời cụ là đời thứ sáu của dòng họ Lê làm nghề điêu khắc đá cổ truyền ở làng đá này. Nụ cười phúc hậu luôn nở trên môi, thỉnh thoảng đan xen vào câu chuyện kể, cụ hào hứng hò khoan mấy câu: “Quê tôi Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng. Quán Khái Đông - Hòa Hải sinh thành. Nho phong nền nếp gia đình. Thạch nghệ điêu khắc, nghệ tinh cổ truyền...’’. Hoặc có khi là: “Tạc tượng Phật, chạm rồng lân. Chuyên điêu khắc chạm đồ Hời Chàm cổ xưa. Mặc dãi dầu chiều mưa sớm nắng. Vẫn cuộc đời thầm lặng yêu thương...”. Hóa ra cụ Lê Bền còn soạn cả một bài biền ngẫu ngót mấy trăm câu có tên Bài hạnh thuật cuộc đời.
Cụ Lê Bền từng là giáo viên dạy điêu khắc thực hành tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong các công trình phục chế các tượng cổ ở Huế và nhiều nơi khác, nơi đâu cũng thường mời cụ tham gia. Tác phẩm lớn nhất của cụ Lê Bền là tạc tượng chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu dựng tại đài tưởng niệm Hội An, tượng có chiều cao 5 m, đứng trên bục cao 10 m, bằng chất liệu sa thạch. Cụ cho chúng tôi biết, lớp nghệ nhân vào tuổi quá thất thập như cụ ở làng nghề Non Nước hiện nay còn có cụ Nguyễn Sang. Vui nhất là khi nghe cụ kể chuyện đóng phim. Những đoàn làm phim đến quay cảnh sinh hoạt làng nghề, đã nhờ cụ diễn lại vai người thầy đang truyền dạy nghề cho lớp con cháu. “Ở trần trùng trục dạy học trò tạc tượng, lấy đâu ra mồ hôi cho thấy sự cực khổ gian nan của nghề thợ đá, thế là phải lấy nước đổ lên mình cho nó kiểu sức mồ hôi...”. Tôi nói đùa: “Vậy là ngoài một nghệ nhân điêu khắc, cụ còn có thêm nghề diễn viên điện ảnh”. Vẫn nụ cười phúc hậu hết sức độ lượng, khoan dung, dù tuổi đã cao lại vừa trải qua một cơn bệnh tai biến hiểm nghèo, cụ Lê Bền vẫn thường bên đàn con cháu truyền dạy những tinh hoa cao quý của nghề nghiệp như những vần thơ biền ngẫu của cụ: “Đức để đời quý hơn vàng bạc. Nghề cho con ấm mát cuộc đời. Trăm năm một cuộc đầy vơi ...”.
Ký thác vào đá.- Tạm biệt nghệ nhân Lê Bền, tạm biệt làng đá mỹ nghệ Non Nước, Trần Quốc Bảo mời chúng tôi ghé vào một quán cà phê vườn dưới chân núi Kim Sơn. Cách nhau một con đường nhựa, ngọn Kim Sơn sừng sững đối diện với dòng sông Cổ Cò. Người Đà Nẵng ít ai biết đến dòng sông này bởi vì sông... lấp. Chỉ còn vài khúc loanh quanh đứt quãng gợi nhớ lại một thời xa xưa xuôi ngược thuyền ghe Đà Nẵng - Hội An. Hình như cách đây mấy năm, những nhà khảo cổ đã khai quật đâu đây Thổ Sơn, Kim Sơn, những đồ trang sức có niên đại những nghìn năm tuổi bằng vỏ ốc và bằng đá. Lại là đá, đá biết làm đẹp cho người, đá biết gìn giữ những thông điệp của nghìn xưa gởi lại. Vô Biên ngả người trên ghế dựa, thơ mơ con mắt, gió núi Ngũ Hành mách bảo điều gì mà bộ dạng cứ ngây ra. Bảo thì lan man nói với tôi những giấc mơ về đá của mình, về bức tượng có tên “Dáng xưa” anh tạc còn đang dang dở. Có lẽ vào quán cà phê chỉ là thứ lý do để chúng tôi ngồi nán lại dùng dằng không muốn chia tay. Đá gọi hay người gọi tôi không biết nữa. Hình như Bertolt Brecht có viết những câu thơ như thế này: “Nếu viên sỏi nói nó sẽ rơi trở lại. Lúc anh ném nó lên không. Anh có thể tin vào hòn sỏi...”. Vâng, giá như tôi là viên sỏi, tôi sẽ nói với Bảo về cái quy luật vĩnh cửu kia. Hãy ký thác hết vào đá sức vóc và tâm hồn của anh, đá sẽ ở lại với đời. Thiên nhiên đấy, hãy tin vào đá. Nó vừa là xác, vừa là hồn, biết chăm sóc và gìn giữ thì ... non bốn thế kỷ rồi làng đá Non Nước vẫn kiêu hãnh đẹp mê hồn một góc trời Đà Nẵng!
Bình luận (0)