Một ngày của người phụ nữ bắt cá bống kèo bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc vào xế chiều. Họ đi thành từng tốp. Sau khi đò cập bến sang Cần Giờ, mỗi tốp sẽ chia nhau đi một hướng, đi bộ gần chục cây số đường đất bụi mù, đá dăm bằng chân không để đến nơi có cá.
Tay không bắt bống rã người
Cách bắt cá của họ đơn giản nhưng đổ khá nhiều mồ hôi: lội vào những đìa tôm chủ đã thu hoạch, tìm hang bống kèo, dùng tay (hoặc chân) “xịt” vào hang, một tay dùng vợt bít “ngách thoát hiểm” của cá, bống kèo sẽ tự khắc tuôn vào vợt. Một chị theo nghề này 4 năm giải thích rằng con cá kèo có thói quen đào ba bốn ngách thoát hiểm, nhưng chị em bắt bống lành nghề nhìn là biết ngay đường thoát thân của nó và đặt vợt đúng chỗ”.
Điệp khúc thường ngày của họ là “lội và lội”. Bàn chân trần ố vàng vì phèn đã băng qua không biết bao nhiêu con lạch bùn sâu tới lưng quần, rễ đước, gốc cây đâm vào chân tóe máu. Không chỉ bàn chân chai sạn quen với thương tích mà đối với họ, còn những mối nguy hiểm khác. Chị Tư mới hành nghề gần một năm nhưng đã quá “thấm” nỗi khổ cực của người trong nghề: “Cá kèo trong đìa tôm nhiều, lại dễ bắt. Cũng chính vì vào đìa nên ớn nhất là mấy con chó béc-giê, chúng to như những con bê, sẵn sàng lao vào vật chị em lăn đùng. Thứ đến là chủ đìa sợ người bắt bống lội chỗ này qua chỗ khác, lây bệnh cho tôm, nhiều lần chúng tôi bị đuổi chạy có cờ. Vậy là, dù đi bắt bống kèo nhưng ai nấy đều khấn trời khấn đất sao cho tôm trúng mùa, không dịch bệnh, chủ đìa mới vui vẻ cho mình vào bắt bống kèo kiếm sống.
Thứ đến nữa là sợ những con mùi mắt nhỏ sống trong vùng lầy, những buổi sáng tinh mơ ở vùng cực Đông TPHCM là thời điểm cho chúng tấn công chị em, cắn rất rát mà không dám gãi vì chân tay lấm đầy bùn. Chỉ khi chịu không nổi mới nhắm mắt... gãi, nước mặn chà xát vào vết cắn của mùi mắt càng rát thêm. Cuối cùng, không thể không nói tới, người bắt bống kèo phải rất cẩn thận kẻo mò trúng loài cá độc. Có thể điểm qua một vài con cá “hung thần” với chị em bắt bống như: cá ngát, cá mặt quỷ, cá mộc ma... Gai độc loại cá này mà đâm vào tay, chân nếu nhẹ thì la trời la đất, nặng thì nằm liệt mấy ngày liền...”.
Chiều, khi con nước dâng lên ngập ruộng, đánh dấu một ngày mò bống kèo kết thúc, chị em lại xách vợt, oi trở về, cá bống được đựng trong oi. Những chiếc vợt, chiếc oi nhỏ, thô sơ, nhưng là công cụ kiếm sống chủ yếu của nhiều gia đình nơi đây.
Những cuộc đời theo dấu “lọ lem”
![]() |
Những cô gái qua sông bắt bống kèo |
Vẫn biết bắt bống kèo nứt nẻ chân tay, móng chân ố vàng, da sạm đen... thế nhưng trong cái ấp Tân Tập nhỏ nhoi của doi đất cực Đông Long An hiện tại, có không dưới vài chục chị em ngày ngày bám theo dấu con cá lọ lem kiếm miếng ăn cho gia đình. Có thể kể sơ qua như chị Hai thâm niên nhất trong “hội”, chị “có duyên” với nghề mò bống từ năm 17 tuổi, cho đến nay đã bảy mặt con. Chị bảo ngày xưa bắt bống kèo để ăn “vui là chính”, còn bây giờ gánh nặng chồng chất trên đôi vai người phụ nữ đã luống tuổi: “Con cá bống kèo ngày càng hiếm, đi bắt ngày càng xa, không biết chân tôi lội được mấy ngày nữa”. Chị Chính thì cứ nằng nặc khẳng định “nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề”. Số là anh Chính, chồng chị, trước khi mất, để lại cho chị sáu đứa con côi. Chị cứ nghĩ, “thân mình chỉ đến nước đi ở đợ cho người ta hòng kiếm ăn cho con”. Thế mà, anh Chính mất vài ngày sau, chị em trong xóm rủ đi bắt bống kèo cho đỡ buồn, chị đi theo, thế rồi... mê con cá lọ lem lúc nào không hay...
Đối với chị em mò bống kèo ở đây, chỉ số đảm đang được đo bằng số cá kèo bắt được. Tính trung bình, một ngày một “tay mò” kiếm được 2 kg, kiếm khoảng 100.000 đồng. Ai bắt nhiều thì tự nhiên có “số má” trong giới “mò”, được chị em khác nể vì không phải đơn giản: “Muốn bắt được nhiều, phải biết tinh ý phát hiện địa bàn cá nhiều, thủ thuật bắt giỏi, biết ngày nào trong tháng thì cá kèo vào ao đẻ trứng...”.
Cực khổ trong nghề nhiều quá nên chị em bắt bống kèo người đi trước bảo người đi sau, nhất là với các cô gái trẻ... lấy chồng trước rồi bắt bống kèo sau. Nhiều cô gái trong làng còn rất trẻ nhưng đã đi bắt lọ lem là đã có chồng con ở nhà rồi. Cuộc sống lam lũ, cơ cực là thế, nhưng điều tuyệt vời nhất, chị em nào cũng lo được cái ăn cho gia đình. Họ cũng đóng góp cho xã hội món đặc sản chỉ ở miền Nam mới có. Và không hiểu, chiều chiều bên nồi lẩu cá kèo nổi tiếng ở quận 3, quận 1 của TPHCM đô hội, có thực khách nào hiểu được để có con cá kèo béo ngậy, có những người phụ nữ suốt ngày dầm trong bùn nước...
Một ngày theo dấu con cá lọ lem và những người phụ nữ có số phận như cô bé Lọ Lem trong câu chuyện cùng tên của nhà văn Pháp Charles Perrault, tôi thấy ánh lên trong mắt của những người mẹ, người chị niềm vui, tự hào của một cái kết có hậu cho cuộc đời họ: “Con bé nhà tui học cuối cấp ba, năm sau sẽ thi vào ĐH An ninh. Cho nó đi học, tui bắt cá trăm oi nữa cũng chịu...”.
Bình luận (0)