Khắp Cà Mau, sông ngòi, kênh rạch giăng như mạng nhện, với tổng chiều dài hơn 8.000 km. Phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân vùng sông nước này là đò dọc, đò ngang. Theo thống kê của ngành giáo dục Cà Mau, hiện toàn tỉnh có trên 31.000 học sinh phải đi học bằng đò. Trong đó, bình quân, mỗi học sinh tiểu học và THCS phải đi đò từ nhà đến trường gần 4 km. Cá biệt, học sinh Trường THPT Phan Ngọc Hiển (huyện Năm Căn) đi đò trên sông rạch dài 15 km. Còn khoảng cách từ nhà đến trường của học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (huyện Phú Tân) là 13,5 km, Trường THPT Ngọc Hiển (huyện Ngọc Hiển) 12 km. Học sinh ở xa trường phải dậy từ khuya, đón đò, mới có thể đến lớp đúng giờ. Học sinh học buổi chiều phải rời nhà khoảng 8 giờ sáng và về đến nhà khi trời tối mịt. Nghĩa là, con đường đến trường của rất nhiều học sinh nơi mảnh đất tận cùng Tổ quốc đầy gian nan và bất trắc.
Học sinh TP Cà Mau đi đò qua sông lớn nhưng không mặc áo phao
Đò mong manh, người quá tải
Chiếc tàu cao tốc lướt qua, con đò nhỏ chở đầy học sinh tròng trành giữa sóng. Vài học sinh hốt hoảng nhảy lên vì sợ ướt chân, làm chiếc đò mong manh chao lắc dữ dội. Trước ánh mắt thất thần của nhiều người là nụ cười rất vô tư của dăm học sinh và người lái đò. Vài học sinh thích thú nói: “Đi sông nước thế mới thú vị!”, như không màng chuyện vừa đánh cược sinh mạng với tử thần. Vào giờ cao điểm, tại nhiều bến đò ngang ở TP Cà Mau, rất nhiều đò qua lại, nhưng không chiếc đò nào trang bị phao cứu sinh. Những chiếc đò mong manh vẫn cứ chở quá tải, bồng bềnh trên sóng. Mỗi chuyến đò ngang như vậy chở từ 15 đến 20 học sinh, các em vô tư đùa giỡn, bất chấp nguy hiểm. Bà Năm Lợi, người có nhiều năm chèo đò trên kinh xáng Cà Mau – Bạc Liêu, cho biết: “Từ ngày tôi làm nghề chèo đò cho tới bây giờ chưa từng biết xài áo phao là gì”. Cách đó không xa, bến đò Rạch Rập (phường 8, TP Cà Mau) mỗi ngày chuyên chở hàng ngàn lượt khách, chủ yếu là học sinh, nhưng các chủ đò ngang ở đây không hề đăng ký hoạt động, không trang bị phao cứu sinh. Lòng sông đã hẹp, lượng ghe tàu lưu thông lại rất lớn, vì vậy độ an toàn cho người đi đò là hết sức mong manh. Ông Nguyễn Tám, nhà ở ven sông Rạch Rập, nói: “Muốn qua bên kia sông, nếu đi xe, phải đi đường vòng khá xa. Vì vậy, người dân ở đây, nhất là học sinh, chọn đò ngang cho gần, dù biết là thiếu an toàn”.
Cách trung tâm TP Cà Mau vài km, xã ngoại thành Hòa Tân hiện có trên 1.500 học sinh theo học cấp tiểu học và THCS. Trong đó, có gần một nửa học sinh đến trường bằng đò. Tuy nhiên, những chuyến đò đưa rước học sinh hầu như không được trang bị áo phao, hoặc có nhưng chủ phương tiện không cho các em mặc, vì không đủ. Ông Bùi Văn Sáu, chủ đò, nói: “Năm rồi có người tài trợ cho vài cái áo phao. Dù không đủ, nhưng tài trợ bao nhiêu tôi cho khách mặc bấy nhiêu. Tôi nghèo nên đâu có khả năng trang bị”. Em Nguyễn Huỳnh Như, học sinh lớp 6, Trường THCS Hòa Tân, cho biết: “Con đi đò mỗi ngày, có ngày chủ đò kêu mặc áo phao, có ngày không!”.
50% là không phép
Bến phà Hòa Trung trên tuyến đường về huyện Đầm Dơi tuy có trang bị phao cứu sinh nhưng phao lại được buộc rất chắc chắn trên nóc phà. Nếu có sự cố xảy ra, chủ phà rất khó lấy được những chiếc phao ấy để phát kịp cho hành khách. Có lẽ lúc ấy các em nhỏ khó mà nhận được áo phao.
Tại phà Lương Thế Trân (huyện Cái Nước), tình trạng chở quá tải thường xuyên xảy ra, nhất là vào những giờ cao điểm. Chủ phà luôn tìm cách nhồi nhét xe và người chật cứng, thậm chí để xe của khách nửa trong lòng phà nửa ngoài lòng phà. Đã có không ít trường hợp cả khách lẫn xe rớt xuống sông vì cách để xe tiết kiệm diện tích này.
Phà Rạch Ruộng, cửa duy nhất vào thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời), cũng luôn trong tình trạng quá tải. Tai nạn, va quệt giữa phà và các phương tiện lưu thông khác thường xuyên xảy ra. Anh Huỳnh Văn Út, ở khóm 6, thị trấn Sông Đốc, thường xuyên qua lại phà này, cho biết: “Mỗi lần qua phà là mỗi lần tôi nín thở, tới được bên kia sông mới biết mình an toàn”.
Các cơ quan chức năng địa phương đã nhiều lần cảnh báo tình trạng đò ngang chở quá số người quy định, không giấy phép hoạt động và thiếu an toàn. Song, thực tế, các chủ đò vẫn đưa đón khách bất chấp hiểm họa chực chờ. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy Cà Mau, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có hàng trăm bến đò ngang, đò dọc và phà hoạt động. Trong đó, gần 50% hoạt động không phép, phương tiện thì không đăng ký, đăng kiểm, thiếu áo phao, bình chữa cháy... và quá tải.
Trang bị áo phao cho học sinh Để phòng ngừa bất trắc cho những học sinh phải đi học bằng đò, những năm qua, nhiều địa phương ở Cà Mau đã chủ động cho học sinh mặc áo phao đi học. Huyện Trần Văn Thời, huyện Phú Tân đã kêu gọi được trên 90% phụ huynh học sinh có con em đi học bằng đò trên sông lớn tự giác trang bị áo phao cho con em mình. Tuy vậy, những chuyến đò quá tải, thiếu áo phao vẫn còn khá nhiều ở vùng sông nước này. |
Bình luận (0)