xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mẩu bánh mì và sữa quá đát

NGUYỄN CAO

Tiêu chuẩn ăn trưa miễn phí cho học sinh vùng sâu, vùng xa của Chính phủ Trung Quốc đã bị ăn chặn một cách trắng trợn, thậm chí người ta còn đưa hàng quá đát vào bữa ăn

Theo nhật báo Anh ngữ China Daily xuất bản tại Bắc Kinh - Trung Quốc, ngày 29-6 vừa qua, anh Zhang Yunming đăng trên mạng xã hội Weibo 4 bức ảnh chụp một bé gái lớp 1 chan nước sông chưa qua xử lý vào chén cơm trưa. Yang là giáo viên tình nguyện ở một trường tiểu học tại huyện Vĩnh Thiện, tỉnh Vân Nam.

img
Khẩu phần ăn trưa của Trường Tiểu học Suode trước khi thực hiện chương trình miễn phí: Một củ khoai nướng cắt đôi Ảnh: China Daily
img
Bữa cơm trưa gồm một mẩu bánh mì và hộp sữa Ảnh: Twitter

“Thói quen” chan nước sông

“Thật đau lòng khi thấy học sinh không có gì khác ngoài một chén cơm chan nước sông. Tôi rất mong nhiều người quan tâm tới việc nâng cao đời sống cơ cực của các em” - Zhang kêu gọi.

Lập tức, đã có nhiều phản hồi yêu cầu một cuộc thanh tra độc lập và minh bạch chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bữa cơm trưa của chính phủ tại các trường tiểu học trong huyện thực hiện từ năm 2012. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, khoảng 26 triệu học sinh ở 680 huyện và thị trấn nghèo vùng nông thôn Trung Quốc đang hưởng chương trình trị giá 16 tỉ nhân dân tệ (1 nhân dân tệ tương đương 3.500 đồng) này hằng năm với mức 3 nhân dân tệ/ ngày/em.

Dư luận trên mạng tỏ ra không bằng lòng với phản hồi của nhà trường và Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thiện. Nhà trường giải thích chan nước sông vào cơm ăn là thói quen của bé gái này ở nhà, rằng sẽ giáo dục em nên dùng nước đun sôi. Tuy nhiên, nhà trường không giải thích tại sao bé gái chỉ được ăn cơm mà không có thịt, trứng và sữa theo tiêu chuẩn.

Trong khi đó, Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Thiện khẳng định chương trình hỗ trợ cơm trưa của chính phủ vẫn được thực hiện nghiêm túc với 3 nhân dân tệ/ngày/em, những trường hợp quá nghèo là 4 nhân dân tệ. Phòng cũng quyết liệt phủ nhận tin đồn ăn chặn tiền cơm trưa hoặc tham nhũng sau khi cư dân mạng tỏ ý nghi ngờ chính quyền địa phương tham ô cả bữa ăn của học sinh nghèo.

Học sinh bị bỏ đói

Sở dĩ dư luận xã hội Trung Quốc nghi ngờ là vì tháng 11-2011, tại huyện Phượng Hoàng, tỉnh Hồ Nam đã xảy ra xì-căng-đan cắt xén tiêu chuẩn cơm trưa miễn phí của học sinh khiến Sở Giáo dục tỉnh Hồ Nam sau đó phải cho thôi chức 5 giáo viên và cán bộ giáo dục huyện.

Cũng như trường hợp ở huyện Vĩnh Thiện, xì-căng-đan bùng nổ sau khi Liang Xuyue - giáo viên tình nguyện dạy Trường Tiểu học Suode, huyện Phượng Hoàng - tung lên mạng Weibo bức ảnh chụp khẩu phần ăn trưa của học sinh cấp 1 chỉ có mẩu bánh mì nhỏ cỡ 20 g và một hộp sữa 200 ml. Giá mẩu bánh mì bán tại cửa hàng tạp hóa địa phương là 0,6 nhân dân tệ, còn sữa chỉ 1,6 nhân dân tệ, tổng cộng 2,2 nhân dân tệ - nhà trường hưởng chênh lệch 0,8 nhân dân tệ/suất ăn.

Trường Tiểu học Suode có hơn 100 học sinh với 3 giáo viên hợp đồng và 3 giáo viên tình nguyện. Cô giáo Liang còn tiết lộ nhà trường từng bỏ đói các em 2 ngày vì nhà thầu không cung cấp bữa ăn trưa. Nhà thầu này cũng từng cho học trò uống sữa quá đát tổng cộng 7 lần.

Bức ảnh tang chứng của cô giáo Liang trên mạng Weibo đã thu hút hơn 800.000 bình luận. Một cư dân mạng bức xúc: “Nói đến chuyện tiền bạc thì không thể đặt lòng tin vào mấy ông bà cán bộ giáo dục này. Phải kiểm tra thường xuyên họ”.

Sở Giáo dục tỉnh Hồ Nam sau đó đã thanh tra vụ việc. Trước áp lực búa rìu dư luận, sở đã cách chức hiệu trưởng và 2 hiệu phó của trường. Hai cán bộ Phòng Giáo dục huyện Phượng Hoàng phụ trách chương trình bữa ăn trưa miễn phí cũng bị cho thôi việc.

Rối loạn tâm thần tập thể!

Phượng Hoàng là 1 trong 37 huyện của Hồ Nam thực hiện thí điểm bữa ăn trưa miễn phí của Chính phủ Trung Quốc trong các trường cấp 1 và 2, trước khi áp dụng đại trà toàn tỉnh và cả Trung Quốc vào năm 2012.

Tình trạng quản lý lỏng lẻo và tham ô tinh vi chương trình bữa ăn trưa miễn phí của học sinh dẫn đến ngộ độc thực phẩm là điều khó tránh khỏi. Ngày 19-4 vừa qua, truyền thông Trung Quốc cho biết 20 học sinh một trường vùng ven TP Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây bị đau đầu và ói mửa sau khi uống sữa dâu đóng hộp. Hiệu trưởng khẳng định ngộ độc do sữa nhưng các quan chức an toàn thực phẩm thành phố kết luận do... rối loạn tâm thần tập thể.

Một tháng sau, tại một trường khác vùng ven TP Hà Trì, tỉnh Quảng Tây, 35 học sinh cũng bị đau đầu, ói mửa phải nhập viện sau khi uống sữa đóng hộp cùng một nhãn hiệu như trường nêu trên. Một lần nữa, cơ quan y tế cũng kết luận do rối loạn tâm thần tập thể, sữa hộp vô can!

Cách giải thích này bị dư luận nghi ngờ có người đã tráo hộp sữa khi tiến hành xét nghiệm. Một cư dân mạng Weibo mỉa mai: “Nói như thế thì tham nhũng cũng là một vấn đề tâm thần”. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-10

Nhiều trường từ chối hỗ trợ

Chương trình bữa ăn trưa miễn phí và đủ chất dinh dưỡng là ý tưởng của nhà báo Deng Fei thuộc tuần báo Phượng Hoàng. Đề án bữa ăn trưa miễn phí của Bộ Giáo dục Trung Quốc ra đời từ ý tưởng này.

Năm 2011, ông Deng xâm nhập thực tế điều tra bữa ăn trưa ở các trường vùng nông thôn tỉnh Quý Châu. Từ chuyến đi này, ông Deng nhận định: “Chất lượng cuộc sống ở Trung Quốc không đồng đều, do đó bữa ăn trưa ở trường học không có chuẩn quốc gia. Tôi cho rằng nếu vận động các nhà hảo tâm xây dựng bếp ở mỗi trường, tình hình sẽ khá hơn”.

Tháng 9-2011, ông Deng và tuần báo Phượng Hoàng phát động chương trình bữa ăn trưa miễn phí xã hội hóa ở một số trường cấp 1 và 2 trong huyện. Bữa cơm trưa bao gồm cơm trắng, rau xào và đậu hủ kho hoặc rán. Ưu điểm của bữa cơm là rẻ, an toàn và nóng. Tuy nhiên, cũng có những hiện tượng bất thường. Ông Deng than phiền nhiều trường từ chối chương trình hỗ trợ bữa ăn trưa của báo, không lập bếp ăn riêng. “Thật không hiểu nổi!” - ông Deng băn khoăn.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo