icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nepal: Đất Phật, tình người

GS-TS Phạm Văn Hường

Nepal là miền đất Phật, vùng đất huyền bí, nơi đạo Phật trải qua những thăng trầm lịch sử. Nepal cũng rất quyến rũ bởi chính những con người Nepal hiền hòa, vị tha

Cho đến những năm gần đây, Lumbini – nơi Phật Thích Ca chào đời, chỉ là nơi rừng đồi không nhà cửa. Xa xa có đôi gia đình nghèo đạo Hồi, không có một Phật tử.

Từ ngày những nhà khảo cổ phát hiện ra một nền gạch gần cái ao mà tục truyền là nơi bà Maya Devi đã tắm trước khi sinh ra Siddartha từ hơn 25 thế kỷ trước, và nhất là từ khi tìm lại được cột bia cao 6 mét ghi lời dạy của Phật mà đại đế Ashoka đã cho dựng năm 245 trước Công nguyên khi ngài đến hành hương nơi đây, sự chú ý về nơi sinh của Phật đã tăng lên gấp bội.

Trong chuyến đi thỉnh kinh, Fa Hsian người Trung Quốc đến đây năm 403 sau Công nguyên và ghi chép lại rõ ràng trong ký sự hành trình của ông.

Lumbini nay thuộc xứ Nepal, cách biên giới phía Bắc Ấn Độ khoảng 5 km. Tuy thế khái niệm biên giới không có ý nghĩa đối với một tôn giáo hay một triết lý. Hiện nay, những tổ chức Phật tử tứ phương đang xây nhiều chùa kỷ niệm ở đây. Xây chùa nhưng sau đó không mấy ai thường xuyên cư ngụ.

Thuở xa xưa ấy có chăng đi nữa là nhiều tiểu vương quốc lễ lạt chung với nhau như láng giềng và Siddartha đã ra đời trong một tiểu vương quốc ấy. Từ Lumbini đi về phía Bắc, đường đi khó khăn, trước khi đến Pokhara cao độ chừng 900 mét. Phía Nam hướng về một đồng bằng Ấn Độ phì nhiêu cho đến Varanasi mà sau này khi thành đạo, Phật đã thuyết pháp lần đầu tiên trong vườn nai Sarnath.

Những cột bia Ashoka

Tôi có tìm thăm hai lần Sarnath, đã thấy được cột bia Ashoka ở đây, cũng như ở Orissa, ở Delhi, ở gần Peshawar, Pakistan và nhiều nơi khác. Những cột bia và tảng bia Ashoka rất quan trọng vì đó là dấu vết xưa nhất khắc chữ nhiều thứ tiếng về lời Phật dạy. Còn theo tục truyền rằng sách viết về đạo Phật từ ngay sau khi Phật nhập niết bàn thì không thấy có trước Ashoka. Vậy Ashoka là ai?

img
Cúng lễ trong một chùa Lama giáo

Lịch sử nói rằng đại đế Ashoka đánh trăm trận trăm thắng, đã thống nhất từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên một phần lớn Ấn Độ, Pakistan và Trung Á. Khi chiếm được vùng Orissa, Đông Ấn Độ, ông lên trên đồi Kalinka, từ đó nhìn xuống ruộng đồng chung quanh ngập đầy máu đỏ. Đứng trước cảnh tượng ấy, Ashoka giật mình và ý thức được rằng những chiến thắng của mình đều vô nghĩa. Và trong giây phút đó đại đế Ashoka nguyện trở thành một Phật tử.

Tôi có tìm leo lên ngọn đồi đó, thấy chung quanh đầy ruộng đồng xanh mượt. Trên đồi có lập một ngôi chùa thờ Phật. Vì sự cạnh tranh, sau này có một đền Hindu giáo lập lên cạnh đó, chỉ thấp hơn một chút.

Tất cả gia đình Ashoka đều theo đạo Phật. Vợ và con có đi truyền đạo ở Sri Lanka và Đông Nam Á gần đất Phù Nam sau này.

Những tháp chùa trong thung lũng Kathmandu

Nepal đã được hân hạnh có Lumbini là nơi sinh của Phật. Tuy ở đó hiện nay không có Phật tử, nhưng ở Nepal cũng như ở Ấn Độ, Phật giáo đã có những thế kỷ huy hoàng.

Những kiến trúc đồ sộ của các chùa tháp Phật ở Bodhnath và Swayambhunath trong thung lũng Kathmandu, tuy có nhắc lại vòm hình bán cầu của chùa Shansi miền Trung Ấn Độ, nhưng có thêm tháp độc đáo của nghệ thuật kiến trúc Nepal. Lịch sử Nepal rất lu mờ, nên không cho phép khẳng định những chùa này đã được xây dựng bao giờ, có lẽ là trước thế kỷ thứ 10. Điều chắc chắn là từ thế kỷ thứ 13 đến thế kỷ thứ 15, nhiều vị vua của triều Malla tôn sùng Phật đạo.

Phật giáo Tây Tạng hay Lama giáo

Nepal còn có nhiều chùa, trong đó trang trí và nghi lễ rất giống Phật giáo Tây Tạng. Tông giáo này không là Phật giáo thuần túy, mà là một nhánh mang nhiều ảnh hưởng của Hindu giáo, kể cả thân tu.

Phật giáo Tây Tạng nhận ảnh hưởng tông Đại thăng Mahayana. Tông này năm thế kỷ sau khi Phật nhập tịch, đã tạo nên chư Phật, chư Bồ Tát (Boddhisattva). Tuy thế, theo Đại thừa, Bồ Tát là người tu thành và độ chúng; trong Phật tông Tây Tạng, Bồ Tát là thân tái sinh của một Bồ Tát mà chúng ta có thể gọi là nguyên thủy, như Quan Âm Avaloki-teshvara.

img
Cây anh túc mọc đầy đồng Nepal

Ảnh hưởng đậm đà của Hindu giáo, nhất là của thân tu lại pha thêm phần dục ái. Nếu như trong phái lớn mũ đỏ, các lama được bình thường lập gia đình, trong đạo như ngoài đời, thấy cũng không lạ lắm. Mà khi trong điện thờ còn có tượng nữ nhân Tara tác động giao cấu yab-yum với vị Rinpoche thì càng xa kinh sử. Còn trong những ngày đại lễ, trưng bày trước chùa, từ mái ngói xuống tới sân một tranh thangka rộng 6 mét, dài 20 mét mang hình yab-yum giao cấu ấy thì thật quá xa lời Phật dạy. Thú thật là tôi hay tìm hiểu, nhưng đứng trước bức thangka như thế, trong lòng tôi có phần áy náy. Nhiều sử gia tôn giáo đã đề nghị vẫn tôn trọng tín ngưỡng này, nhưng không nên dùng danh từ “Phật giáo Tây Tạng” mà nên gọi là “Lama giáo”.

Hindu giáo

Khi nói có nhiều ảnh hưởng từ Hindu giáo (Ấn Độ giáo), chúng ta cũng nên tìm biết Hindu giáo là gì. Nepal là một điểm dừng trên con đường đi Tây Tạng từ Ấn Độ. Nepal cũng là nước độc nhất nhìn nhận Hindu giáo là quốc giáo. Tôn giáo đa thần này có từ nhiều thế kỷ trước Phật Thích Ca.

Những vị thần chính là Brahma, Vishnu và Shiva. Mỗi vị đều có vợ, người hay tác động trong liên hệ tạo thành vũ trụ. Tín đồ phải thực hành theo các tục lệ: cúng dường, thiêu xác người chết và giữ tục giai tầng xã hội. Hạng Brahmin là các tu sĩ, hạng Kshataiya là quan quân, và còn ba hạng nữa. Đức Thích Ca xuất phát từ hạng Kshataiya này, nhưng hoàn toàn phủ nhận những hàng cấp xã hội. Ở Ấn Độ còn có thân đạo, xem thiền là một lối giải thoát bằng giác ngộ trí tuệ, nhờ chế ngự bản thân; không cần học nhiều kinh kệ. Có phái tìm khoái lạc trong những tư thế dị thường: điều này hơi đi xa trung đạo.

Như thế, không lạ gì ở một nước như Nepal mà Hindu giáo chiếm đến gần 90% tín đồ, không ít thì nhiều đã có ảnh hưởng đậm đà trên những tôn giáo khác. Phật giáo ở đây tuy ít tín đồ, nhưng rất mạnh trong văn hóa nghệ thuật. Vì sự quan trọng đó mà Giáo hội Hindu đã xem Phật Thích Ca như hiện thân thứ 9 của thần Vishnu, một trong ba vị thần cơ bản của tôn giáo họ. Điều này không Phật tử nào chấp nhận nhưng đã giúp đại chúng sống hòa bình với nhau. Cũng không lạ gì khi thấy trong các chùa đền, cùng chen lẫn nhiều biểu tượng của cả hai tôn giáo.

Người Nepal rất vị tha

Nepal quyến rũ. Không những chỉ vì những đỉnh núi cao, mà còn vì nền văn hóa kỳ bí bao trùm cả Bụt đạo và Hindu giáo. Yếu tố nhân bản với con người hiền hòa cởi mở, làm họ sống rất vị tha. Cử chỉ dâng tặng của con người gần như đã mất dần trong thế giới ngày nay. Nhưng nơi đây mỗi sáng sớm, nhiều thiếu phụ vừa đi vừa tung vãi ra những tai hoa vàng hay những hạt gạo quanh các am nhỏ hay điện chùa.

Họ sẵn sàng chia sẻ món ăn họ có mặc dầu họ nghèo. Chính lòng vị tha ấy, trong những năm 1970 nhiều nam nữ Tây phương đến đây không chỉ vì cây anh túc mọc đầy từ Kathmandu đến Pokhara, mà vì người Nepal hiếu khách và rất đáng yêu.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo