xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhân chứng sống của “Sự kiện Vũng Rô”

Bài và ảnh: HOÀNG YẾN

Cựu binh Nguyễn Ngọc Cảnh, 78 tuổi, là người từng làm nhiệm vụ cùng tàu không số tại “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”, vừa tham gia xây dựng bến Vũng Rô để tập kết khí tài cho miền Nam đánh Mỹ. Ông cũng là người tham gia phát hỏa để hủy con tàu 143 trong “Sự kiện Vũng Rô” vào tháng 2-1965 chấn động dư luận thế giới

Năm 1952, chàng trai Nguyễn Ngọc Cảnh háo hức rời nhà ở xã Hòa Tân (Tuy Hòa, Phú Yên) tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau đó, ông tập kết ra Bắc học Trường Lục quân Sơn Tây (1959-1963). Đầu năm 1965, giữa lúc đang làm giáo viên huấn luyện tân binh đi B tại Thanh Hóa, bất ngờ ông nhận được lệnh triệu tập đi B.

Đi B trên tàu không số

Ông hồi tưởng: “Khi ấy, không khí chi viện cho chiến trường miền Nam bừng bừng nên mình nghĩ chắc là được đi B chiến đấu rồi, vui không thể tả vì mình lúc nào cũng nhớ quê da diết. Thế nhưng sao không phải cả đại đội đi B mà chỉ mỗi mình? Điều lạ nữa là mình lại được bố trí ngồi trên chiếc xe kín mít, cứ lù lù tiến về Hà Nội chứ không phải hướng vào Nam. Đến Hà Nội, được tướng Hoàng Văn Thái giao nhiệm vụ và dặn dò chuẩn bị kỹ lưỡng để đi công tác, nhưng cũng chẳng nghe nói là đi đâu. Lại lên xe tiếp, cũng chẳng phải hướng về Nam mà lại đi về phía Hải Phòng, đi một lèo xuống tàu. Hồi hộp hơn nữa là mệnh lệnh trên tàu “chuẩn bị đi chiến trường, từ giờ phút này, các đồng chí tuyệt đối không được viết thư, liên lạc với bất kỳ ai!”... Ông Cảnh kể thêm, tất cả giấy bút, hồ sơ tùy thân, hình ảnh... khi đó đều phải bỏ lại miền Bắc.

Mãi sau này ông mới biết mình được Trung ương tăng cường về xây dựng bến Vũng Rô để làm điểm tập kết khí tài quy mô, lâu dài cho chiến trường miền Nam. Chuyến tàu ông Cảnh đi có số hiệu quân sự là tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh phụ trách. Đây là chuyến hàng thứ 3 của tàu này đi Vũng Rô (nay thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Tàu 41 ngụy trang thành tàu của dân chài đánh cá, dùng loại cước cá chuồn trùm lên các khẩu súng 12 ly 7 để che mắt địch và khi cần thiết thì bung ra chiến đấu. Cá, mực trên tàu đều do Nhà máy Cá hộp Hạ Long cung cấp để khi cần thì mang ra phơi để tránh nghi ngờ. Hệ thống bố trí chất nổ trên tàu đề phòng khi bất trắc phải hủy tàu, gồm 1.000 kg TNT chia làm 5 cụm, cùng lúc sử dụng 3 loại điểm hỏa: đồng hồ định giờ, kíp hóa học và kíp cháy chậm.

img
Nhật ký chiến đấu của cựu binh Nguyễn Ngọc Cảnh

Chứng tích hùng hồn

Gian nan nhất là việc tàu phải lựa những vùng biển có sóng to để tránh bị lộ. Bởi thế, rất nhiều anh em bị say sóng dúi dụi; đồ ăn thức uống trên tàu được dự trữ khá đầy đủ nhưng nhiều người chẳng ăn uống được bao nhiêu... Hồi ký của thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh về chuyến đi này có ghi: “Ngày 28-1-1965, tại cảng Bính Động - Hải Phòng, tàu rời bến. Đi theo tàu lần này có 4 đồng chí cán bộ tăng cường là đồng chí Cảnh, Kiến, Võ và Kỉnh. Những ngày sau đó thời tiết quá xấu. Trưa 30 tháng chạp, tàu chuyển hướng vào bờ. Đây là tuyến căng thẳng nhất của lộ trình. Vì phải tránh tàu đánh cá của dân nên đến 17 giờ tàu còn cách bờ 60 hải lý, khả năng vào bến trễ giờ, do đó phải sử dụng tốc độ dự bị. 23 giờ 50 phút ngày 1-2-1965, tàu thả trôi giữa vịnh Vũng Rô. Giao thừa Xuân Ất Tỵ đã đến, từ dưới phòng báo vụ vang lên lời Bác Hồ chúc Tết. Khẩn trương đưa tàu vào giấu và ngụy trang. Sáng mùng một Tết, dưới vòm lá ngụy trang của tàu đã diễn ra một cuộc liên hoan mừng Xuân Ất Tỵ. Bến và tàu cùng vui Tết. Tối mùng một, tàu vào bến bốc hàng. Cầu tàu làm tạm bằng cây rừng không đủ sức cho số đông người đi lại nên hầu hết anh chị em dân công phải dầm mình dưới nước để chuyển hàng...”.

Đây là chuyến cuối cùng trong 3 chuyến tàu không số cập trót lọt vào bến Vũng Rô. Bởi đến chuyến thứ 4 thì bị lộ, phải hủy tàu và đây cũng chính là “Sự kiện Vũng Rô” làm sửng sốt dư luận thế giới lúc bấy giờ. Chính ông Nguyễn Ngọc Cảnh (lúc ấy là Đại đội phó K60 - đơn vị bảo vệ bến Vũng Rô) đã được phép cho nổ phá hủy chiếc tàu này. Ông Cảnh đã châm ngòi tự đánh chìm tàu 143 để tránh rơi vào tay địch. Sau khi châm ngòi, ông bơi vào bờ nhưng do khoảng cách quá gần, sức nổ hất tung ông lên khỏi mặt nước và trào máu hai lỗ tai. Hiện nay, xác tàu 143 vẫn còn nằm dưới đáy biển Vũng Rô, những khi nước ròng có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Xác tàu 143 được biển lưu giữ như một chứng tích hùng hồn cho cuộc chiến không khoan nhượng với kẻ thù.

Trên vùng biển khu 5 từ năm 1964-1968, quân ta đã sử dụng 9 lượt tàu vào các bến Vũng Rô - Phú Yên, Đức Phổ - Quảng Ngãi, Hòn Hèo - Khánh Hòa nhưng thành công trọn vẹn chỉ có 3 chuyến vào Vũng Rô, còn 6 chuyến khác đều bị địch phát hiện, buộc phải chiến đấu và hủy tàu... Ba chuyến tàu trên đã đưa vào Vũng Rô 200 tấn vũ khí, tăng thêm sức mạnh quân sự cho ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, làm nên nhiều chiến thắng, góp phần thay đổi cục diện chiến trường. Ngày 11-1-1973, tàu 41 đã được phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Không số, cũng có nghĩa là quên mình

Sau “Sự kiện Vũng Rô”, năm 1969, ông Nguyễn Ngọc Cảnh được lệnh theo đường Trường Sơn ra Bắc chiến đấu tại Lữ đoàn pháo binh 351 và lập gia đình với bà Ngô Thị Mơ ở Kim Bảng, Hà Nam. Xuất ngũ ngay sau ngày giải phóng miền Nam 1975 với cấp bậc thiếu tá, ông Cảnh tham gia công tác tại nhiều đơn vị ở Phú Yên nhưng người ta nhớ đến ông nhiều nhất là việc hơn một phần tư thế kỷ làm Chủ nhiệm CLB thơ Diên Hồng (Tuy Hòa). Bây giờ ông là Thường trực CLB Hưu trí TP Tuy Hòa và mỗi khi vui, ông lại đọc những câu thơ của mình về ký ức một thời hào hùng: Không số, cũng có nghĩa là quên mình/ Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh/ Nén đầy khoang /Một khối nổ tâm hồn nghìn tấn/ Vạn khối nổ sẵn sàng xung trận.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo