Sau 5 năm du học, trở về quê nhà, anh Lê Văn Hậu (phải) vẫn đang thất nghiệp Ảnh: Trần Thường
Du học 5 năm, về… làm ruộng
Năm 2007, anh Lê Văn Hậu (xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) thi vào Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Một năm sau, vượt qua hàng chục ứng viên, Hậu là 1 trong 2 người của trường nhận được học bổng của Bộ GD-ĐT du học tại Romania chuyên ngành hóa dầu. Trở về sau 5 năm du học với tấm bằng xuất sắc, cứ ngỡ sẽ dễ dàng kiếm được công việc, nào ngờ vác đơn đi khắp nơi nhưng ở đâu, anh cũng nhận được cái lắc đầu.
Tốt nghiệp ĐH ngành tài chính kế toán nhưng 5 năm xin việc không được, anh Huỳnh Thanh Tú đành phụ cha nuôi tôm Ảnh: Hồng Ánh
Em trai Hậu là Lê Văn Phát, cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, cũng nhận được học bổng đào tạo tại Nga của Bộ GD-ĐT. Phát đang du học 5 năm chuyên ngành điện tử viễn thông. Hậu không khỏi băn khoăn liệu sau khi du học về, em trai có rơi vào trường hợp giống anh hay không…
“Khi nhận học bổng, anh em tôi cứ nghĩ học xong sẽ nhanh chóng có việc làm, bớt đi gánh nặng cho gia đình. Trong thâm tâm, lúc nào chúng tôi cũng nghĩ phải cố gắng học thật tốt để trở về phục vụ cho quê nhà, nào ngờ xin việc lại khó đến vậy” - anh Hậu nói.
Kỹ sư, cử nhân làm… thợ may
Men theo con đường nước ngập đến nửa bánh xe, chúng tôi tìm đến nhà anh Lê Văn Tuấn ở giữa “ốc đảo” Ân Phú, xã Tịnh An, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Khi chúng tôi hỏi thăm nhà Tuấn, ông Bùi Tỏi, trưởng thôn Ân Phú, chép miệng: “Có phải cậu kỹ sư đi làm công nhân không? Ở đây, nhiều gia đình dù nghèo nhưng vẫn cố cho con đi học lấy bằng cử nhân, kỹ sư. Nghe nói tỉnh ưu đãi để thu hút nhân tài từ nơi khác tới làm việc, vậy mà con em địa phương học xong, đứa thì thất nghiệp, đứa làm nông hoặc công nhân”.
Tuấn đã đi làm, chỉ có cha anh là ông Lê Văn Kiệt ở nhà. Ông Kiệt cho biết năm 2010, tốt nghiệp kỹ sư điện tự động một trường ĐH tại TP HCM loại khá, Tuấn quyết tâm về Quảng Ngãi làm việc để đóng góp phần nào cho tỉnh nhà, vừa có dịp gần gũi gia đình.
“Mấy năm nay, Tuấn cứ chạy đôn chạy đáo xin việc nhưng nơi nào cũng từ chối, nó đành ở nhà dạy thêm. Đầu năm nay, Tuấn quyết định xin vào làm công nhân ở Công ty Doosan với lương chỉ 3 triệu đồng/tháng. Lúc làm hồ sơ xin việc, Tuấn chỉ ghi trình độ trung cấp vì ngại. Cuối tuần rồi, nó về nhà nói với tôi kiểu này chắc phải phải vô TP HCM sống thôi…” - ông Kiệt băn khoăn.
Hàng ngàn người thất nghiệp Hơn 10 năm triển khai chương trình thu hút nhân tài, Nghệ An mới chỉ tuyển được 145 người, trong đó có 2 tiến sĩ, 18 thạc sĩ, 30 sinh viên tốt nghiệp ĐH loại giỏi... Con số này là quá ít so với những sinh viên Nghệ An đã ra trường. Theo báo cáo mới đây của Sở GD-ĐT Nghệ An, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 7.000 sinh viên đã tốt nghiệp ĐH, CĐ nhưng chưa có việc làm. Trong khi đó, theo Sở GD-ĐT Phú Yên, đầu năm học 2013-2014, sở nhận trên 200 hồ sơ xin việc của sinh viên vừa tốt nghiệp ĐH sư phạm nhưng chỉ giải quyết được hơn 20 trường hợp. “Nếu tính luôn số tốt nghiệp từ các năm trước thì Phú Yên hiện có hơn 900 cử nhân sư phạm chưa tìm được chỗ giảng dạy” - ông Ngô Ngọc Thư, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết. |
Bình luận (0)