xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phận “ghe ôm”

MỄ THUẬN

Bất kể ngày đêm, chỉ cần cảng cá Bến Đá (phường 5, TP Vũng Tàu) nhộn nhịp những chuyến tàu cá trở về thì đó chính là lúc đội quân “ghe ôm” nơi này bắt đầu vào việc: Họ chở người từ trên cảng ra các tàu và ngược lại

Cảng Bến Đá luôn nhộn nhịp bởi công việc của hàng ngàn người mưu sinh. Trong đó, hoạt động tấp nập nhất có lẽ thuộc về đội quân “ghe ôm”. Gọi là “ghe ôm” vì họ ngồi trên những chiếc xuồng nhỏ, không có động cơ mà dùng đôi chân đạp các mái chèo một cách điêu luyện. Công việc chính của họ là chở các chủ tàu, bạn tàu, hay bất kỳ những ai có nhu cầu đi ra, đi vào giữa nơi các tàu neo đậu và bến cảng.

Khá hơn là mệt hơn!

Anh Đoàn Văn Minh (Nam Định), một người đạp “ghe ôm” được gần 7 năm tại cảng Bến Đá, cho biết kinh nghiệm hành nghề của mình: “Thường thì cảng cá chỉ hoạt động mạnh vào những ngày trong trăng (những ngày có trăng sáng), bởi các tàu khi ấy ra vào tấp nập. Những ngày ấy, đội ngũ đạp “ghe ôm” chúng tôi đông như người ta đi trẩy hội chùa Hương vậy! Chứ mấy bữa nay ngoài trăng, chỉ kiếm khoảng vài chục ngàn đồng...”. Cũng vì vậy, với dân làm nghề các anh, chỉ những ngày trong trăng là kiếm được khá hơn.

Nói là kiếm được khá hơn, nhưng mỗi ngày trong trăng, giỏi lắm các anh cũng chỉ kiếm được khoảng độ hơn 100.000 đến 200.000 đồng là cao nhất. Nhưng cả tháng mới có vài ngày như vậy, và điều đó cũng đồng nghĩa với việc anh Minh và các đồng nghiệp của mình trong những ngày này phải cực nhọc hơn, khi phải đạp ghe liền tù tì từ giữa khuya đến tận chiều tối hôm sau. Bởi mỗi chuyến ghe chở khách từ bờ sang thuyền từ bao nhiêu năm nay vẫn chỉ có 1.000 đến 2.000 đồng/người, tùy khoảng cách tàu với bến. Một chuyến chở 2 - 3 người, vòng ra vòng vào cả mấy trăm mét chỉ được mấy ngàn đồng. “Lâu thật lâu mới có một vị khách du lịch yêu cầu chở đi vòng vòng tham qua cảng cá, khi ấy thì được khoảng 10.000 đến 30.000 đồng/người/giờ, tùy tướng tá khách mà mình định giá!” – anh Minh cho biết thêm.

Nhọc nhằn nữ “ghe ôm”

Công việc không quá khó, chỉ cần học vài tuần là một người từ không biết gì có thể dùng đôi chân đạp, điều khiển ghe theo ý muốn. Tuy nhiên, yêu cầu nghề này là sự dai sức của đôi bắp chân, sự chịu trận của cơ thể dưới cái nắng muốn cháy da cháy thịt... Ấy thế mà, trong hàng trăm người đạp ghe tại bến có đến hơn một nửa là phụ nữ.

Chị Lê Thị Hương (Ninh Bình), người có hơn 6 năm đạp ghe tại cảng, nhớ lại: “Mấy ngày đầu theo người anh họ học đạp ghe, đêm về chân đau đến mức tôi tưởng mình bị liệt mất. Mà không chỉ đôi chân, toàn thân cũng ê ẩm, đặt lưng xuống giường loay hoay kiểu gì cũng không khỏi đau nhức!”. Chị Hương cho biết hồi ngoài quê, chị chẳng đời nào được ngồi ghe cho người khác chở chứ nói chi đến chuyện đạp ghe! Nhưng sau ba, bốn ngày liên tục như thế chị cũng quen dần, rồi hết nhức mỏi sau khoảng một tuần. Bước sang tuần thứ hai, chị bắt đầu đạp ghe đưa đón khách.

Chị Nguyễn Thị Cậy (Nam Định) chia sẻ rất thực lòng: “Công việc này tự do. Mình muốn làm hay không là tùy ý. Nhưng một thực tế khá tàn nhẫn với các nữ “ghe ôm” hành nghề tại đây là hầu như gương mặt ai nấy cũng đều bị nắng, cái mặn mòi của biển làm cho nám sạm”. Trong khi, cũng do đạp ghe nhiều nên bắp chân các chị cứ độn lên từng cục to đùng, tướng đi cũng vì vậy mà khệnh khạng khó coi.

Quay quắt niềm riêng

Người hành nghề “ghe ôm” tại đây hầu hết là dân Ninh Bình và Nam Định. Hỏi lý do vì sao, các anh, chị đều có chung một câu trả lời: “Ngoài quê đất hẹp người đông, không nghề ngỗng gì nên phải bôn ba...”. Và thế là cứ người này thấy làm được lại “hú” bà con, anh em vào Bến Đá. “Nghề này tuy cực nhưng mỗi ngày đều có tiền...” - anh Đoái, người đàn ông có hơn 20 năm đạp ghe, cho biết lý do anh và đa số anh chị em nơi đây gắn bó với nghề.

Chị Thu Hồng (Nam Định) tâm sự: “Vợ chồng bỏ con nhỏ cho ông bà ngoại ngoài quê chăm lo, đem nhau vào đây. Nhớ con đã đành, vậy mà lắm khi còn cảm thấy nhớ chồng vì chồng làm bốc vác ở một cảng cá khác, trong khi tôi lại làm nghề đạp ghe ở cảng này... giờ giấc thất thường nên vợ chồng có khi cả tuần chẳng gặp mặt nhau lấy một lần”. Chị Cậy thì may mắn hơn, nhưng cũng không kém nỗi niềm: “Vợ chồng đều làm nghề đạp ghe ở cùng cảng Bến Đá, tuy vậy cả ngày ai cũng mải việc của mình, khách của mình. Khi đạp ghe ngược nhau cũng chỉ kịp nhìn nhau cười cười rồi ai nấy lại đạp tiếp...”.

Hoàn cảnh của chị Hồng và chị Cậy vẫn còn khá. Bởi vì, như anh Minh, anh Đoái... cho biết: “Đôi khi có đến hai năm, hoặc lâu hơn thế mới được thấy mặt vợ con ngoài Bắc một lần”. Nhưng ngược lại, vợ chồng, con cái quây quần sớm hôm như ở gia đình chú Nguyễn Vui (quê Cà Mau), lại vẫn có những nỗi buồn lớn hơn. Đó là hai đứa con đến tuổi đi học đều không được đến trường. “Mình rời quê lên đây chẳng có hộ khẩu, lại ở trọ nên chẳng trường lớp nào nhận hai đứa trẻ dù quá tuổi đến trường” – chú Vui than thở. Hết cách, chú xin cho hai con vào học lớp học xóa mù ở một ngôi chùa gần chỗ trọ. “Trước mắt tìm cách cho hai đứa biết đọc biết viết đã, sau này lớn lên không được học nữa thì cho tụi nó đi làm công nhân hay ra cảng làm, chứ biết tính sao?” - chú Vui tâm sự.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo