Trong một dịp ghé thăm, GS-TS Võ Tòng Xuân ăn thử trái dâu Hạ Châu và nói rằng: “Tôi đã đi nhiều nước, đã ăn nhiều loại dâu, nhưng chưa ở đâu có hương vị lạ lùng như dâu Hạ Châu Phong Điền”.
Dâu Hạ Châu hiện diện trên vùng đất này khoảng 50 năm nay nhưng qua bao thăng trầm, đến năm 2006, thương hiệu “Dâu Hạ Châu Phong Điền” mới nổi tiếng trong nước.
“Cha đẻ” của dâu Hạ Châu
Hái một chùm dâu còn sót lại cuối mùa, ông Lê Quang Minh (Ba Minh, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) mời khách ăn thử kèm theo lời giới thiệu: “Ngọt, bùi, hương tan trong miệng, duy nhất dâu Hạ Châu Phong Điền mới có”.
Có thể khẳng định ông Ba Minh là người có công khai sinh và phát triển dâu Hạ Châu trên đất Tây Đô. Ông kể rằng hồi năm 1960, thương lái ở tận Lái Thiêu (Bình Dương) chở trái dâu này xuống bán, thấy lạ nên cha của ông là ông Lê Quang Dực đã mua ăn thử, rồi lấy hạt ươm được khoảng 200 cây.
Tương truyền, giống dâu này có bởi các thủy thủ của ta trao đổi hàng hóa với các tàu buôn nước ngoài, rồi lấy hạt về trồng ở Lái Thiêu. Nhưng ngày nay, loại dâu này ở Lái Thiêu dường như không còn.
Ông Ba Minh cho biết: Nhiều năm qua, do dân mình cứ tưởng dâu là phải chua nên khó bán được trong nước mà phải đưa sang Campuchia tiêu thụ. Mất đến 20 năm “làm dâu xứ lạ”, loại dâu này mới trở lại thị trường trong nước và được nhiều người biết đến với cái tên gọi dâu Hạ Châu.
“Khoảng giữa năm 2000, các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam về Phong Điền và khi được ăn trái dâu này thấy ngon, đã gợi ý đặt một cái tên để phân biệt với các loại dâu khác. Thế là tôi bèn lấy tên Hạ Châu để đặt. Tên này có nhiều ý nghĩa nhưng dễ nhất trí nhất là dâu Hạ Châu cũng có nghĩa là dâu được trồng ở miền hạ châu thổ sông Cửu Long” - ông Ba Minh nhớ lại.
Năm 1980, ông Ba Minh đã phá bỏ vườn cam để trồng dâu. Ông tuyển lựa và kiểm soát được giống dâu đặc sản bằng cách ghép cành để tạo ra một giống mới có nhiều ưu điểm hơn.
Ông Ba Minh với giống dâu Hạ Châu nổi tiếng
Ông còn mày mò tra cứu sách kỹ thuật ghép cây của Pháp và đã tìm được cách ghép đọt dâu đực lên thân dâu cái. “Vì đây là loại cây đơn tính, muốn cây cho trái thì nhà vườn phải trồng xen cây đực trong vườn. Ghép được cành đực lên thân dâu cái thì cây dâu cho trái sai, ngọt” - ông Ba Minh nói.
Chỉ có những người gắn bó, thiết tha mới hiểu được “tính nết” của cây dâu. Cái lạ của dâu Hạ Châu là phải chiết cành trên cùng một cây dâu đã được chọn lọc mới cho ra được trái dâu có chất lượng giống nhau. Nếu như đem trồng bằng hạt thì cứ bao nhiêu hạt sẽ cho ra bấy nhiêu loại trái khác nhau.
Cũng nhờ kỹ thuật ghép đọt thành công của ông Ba Minh mà vị ngọt của trái dâu tăng lên rất nhiều, từ đó ông truyền lại kinh nghiệm cho nhiều người khác để phát triển ưu điểm của loại trái này.
Khôi phục lại giống dừa sáp
Dừa sáp từ lâu đã trở thành một đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh, được trồng tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè. Loại đặc sản này có giá trị kinh tế rất cao nhưng từ lâu đã bị lãng quên.
Chính vì thế, để duy trì, bảo tồn giống dừa cực kỳ quý hiếm này, anh Thạch Phu My, ngụ ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, đã tiên phong trong việc ươm và cung cấp cây giống dừa sáp.
Theo nhiều người dân địa phương kể lại, dừa sáp là loại dừa hoang dã có nguồn gốc từ Philippines. Trong một chuyến đi Campuchia, có một vị sư cả thưởng thức loại trái này và được người dân ở địa phương tặng đem về trồng.
Thoạt nhìn bề ngoài, cây và trái dừa sáp không khác gì cây dừa ta. Điểm khác nhau duy nhất là phần cơm dừa: cơm dừa sáp thì dày, xốp và có mùi thơm đặc biệt.
Anh Phu My cho biết trước đây gia đình anh sống chủ yếu vào nghề làm ruộng và làm vườn, thu nhập giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn. “Năm 2004, tôi tập tành ươm thử mấy trái dừa sáp sẵn có ở nhà, cứ nghĩ ươm “thử nghiệm” chứ đâu dám bán buôn gì. Vậy mà người dân hay tin liền tìm đến nhà tôi mua, không đủ để bán” - anh Phu My nhớ lại.
Lúc đầu bắt tay ươm thử dừa sáp, tôi gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như không biết vạt mặt trước khi ươm nên khiến cho trái lâu đâm chồi”. Do đặc thù của loại dừa sáp là tỉ lệ một buồng trái cho sáp chỉ chiếm khoảng 25%-30% nên việc chọn cây giống bố mẹ để ươm giống cực kỳ khó khăn.
Đúc kết từ thực tiễn và những kinh nghiệm tích lũy được, anh Phu My nhận định: “Đặc thù của cây dừa là cây càng lâu năm thì tình trạng đậu trái càng ổn định. Phải chọn giống từ cây bố mẹ có độ tuổi ít nhất từ 15 năm trở lên thì mới hiệu quả”.
Do nhu cầu dừa giống của bà con ngày một nhiều, anh phải lặn lội khắp nơi để đi thu gom dừa sáp khô về ươm để bán. Vào năm 2006, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu phát triển cây dừa sáp ở Hòa Tân.
Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu TPHCM phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh thực hiện dự án ươm bảo tồn giống dừa sáp trên địa bàn huyện Cầu Kè.
Dự án này hỗ trợ, đầu tư 100% cho nông dân triển khai ở xã Hòa Ân, Hòa Tân và thị trấn Cầu Kè với diện tích lên đến 6 ha. Tiếng lành đồn xa, anh Phu My được chọn hỗ trợ giống cung cấp cho dự án.
Dâu Hạ Châu không hạt Huyện Phong Điền - TP Cần Thơ hiện có gần 200 ha trồng dâu Hạ Châu. Dâu ở đây chủ yếu xuất khẩu sang Campuchia và Thái Lan. Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường Đại học Cần Thơ cũng đang nghiên cứu lai tạo cho ra sản phẩm dâu Hạ Châu không hạt. Đồng thời chuyển đổi cây dâu đơn tính thành lưỡng tính, bằng cách chuyển đổi giới tính một vài hoa cái thành hoa đực trên cây để hoa tự thụ phấn... |
Bình luận (0)