PR (Public Relation) dùng để chỉ những người làm công việc giao tế, quan hệ công đồng. Nói chung, công việc thực sự của một PR tại các quán bar, vũ trường cũng không khác gì mấy so với một tiếp viên phục vụ. Chỉ có điều, họ phải nói nhiều hơn, quan hệ giao tiếp nhiều hơn, "gần" với khách hơn và không phải bưng bê, phục vụ.
Mỗi PR rượu tại các quán bar, vũ trường phải biết nói chuyện thật duyên, rót rượu thật nghề và uốn éo thật đẹp. Chiêu rót rượu cao tay là phải để khách thấy các cô rót thật chậm, rượu chảy thành dòng, không ngắt quãng nhưng phải thật nhỏ để không tạo cảm giác phí rượu. Và đặc biệt là không để một giọt nào chảy tràn ra ngoài. Rót xong phải quay bàn tay cầm chai một góc 45 độ để ngắt dòng rượu mà không bị chảy xuống thân chai. Thêm vào "tài năng" đó, mỗi PR phải như một kẻ quậy phá nhỏ. Phải biết nhiệt tình nhảy nhót, uốn éo, huơ chân múa tay theo tiếng nhạc, thỉnh thoảng cùng nhau " Hey, hey, hey!", hoặc hú hét mỗi khi có ca sĩ ra biểu diễn để làm nóng bầu không khí. "Tuy nhiên cũng vì điều này mà nhiều khi tụi em ngượng chín cả người. Lúc thì vì sung quá mà quệt cả tay vào ly của khách, lúc thì chiếc que phát sáng bay vụt vào mặt khách. Ngượng nhất là có một lần em bị một cô ca sĩ đang ngồi với bạn bè, vẫy đến bàn và bảo: "Nè, mày mắc chứng gì mà cứ giật kinh phong trước mặt tao vậy?", Vân, cựu nhân viên PR tại bar Hồ Gươm Xanh, Hà Nội, kể.
Cũng như những đặc thù của các loại công việc tại môi trường phức tạp là quán, vũ trường như thế này, làm PR rượu thì phải chấp nhận với những sự cợt nhả của khách chuếnh choáng hơi men. Phải biết coi đó là chuyện bình thường, phải xác định rằng mình chấp nhận được điều đó thì hãy dấn thân vào làm việc ở chốn này. Hầu hết những cô gái mới bước chân vào nghề này đều có cho mình những cú shock làm kỷ niệm. Hà, PR rượu kể: "Đứng phục vụ và tiếp chuyện tại một bàn toàn thanh niên, bất ngờ Hà bị một thằng nhóc choai choai bằng tuổi em trai cô đưa tay… xoa ngực. Sửng sốt, Hà hất thẳng cả ly rượu đang cầm trên tay vào mặt thằng nhóc đó rồi chạy một mạch vào phòng thay đồ dành cho nhân viên khóc nức nở. Chỉ 5 phút sau, quản lý của cô hầm hầm đi vào, giáng cho Hà một cái bạt tai nảy lửa kèm theo một câu: "Mày bị đuổi việc!". Bây giờ thì với Hà chuyện này chỉ là kỷ niệm của thuở mới vào nghề mà thôi. 16 tháng làm công việc PR rượu, 4 lần thay đổi chỗ làm khiến Hà "thành tinh trong nghề". Trang phục của Hà luôn sex hơn mức có thể, tửu lượng khá tới mức độ giúp cho cô không thể say. Và quan trọng hơn cả là "bộ sưu tập" khách quen của cô thì rất chịu chi, chẳng có anh giai nào mà lại "bo" cho cô dưới 3 "lít" cả. Thu nhập của Hà ổn định, đủ để cô sống sung túc. Hà khẳng định: "Muốn nắm tay, được nắm tay. Thích ôm, thì ôm. Thích hôn, cho hôn. Riêng về khoản kia, đừng hòng nhé!".
Khách đã ngà ngà say thì khoái chuốc rượu cho các em để tiện bề suồng sã. Nhưng cái này chỉ phỉnh được mấy cô bé mới vào nghề thôi còn các cô có thâm niên thì tửu lượng khá cao. Nếu thích thì khách chuốc còn nếu các cô thích thì có đủ mọi cách để rượu có thể rót ra liên tục. Khách uống cũng được, em uống cũng được. Miễn là nhiều nhiều một chút, nhanh nhanh một chút để còn gọi thêm chai khác.
Lương cơ bản của một PR rượu khoảng 800.000 đồng cho tới 1 triệu đồng/tháng, tuỳ mức độ công việc của từng nơi. Phần lớn thu nhập của các cô PR rượu là trông vào khoản tiền bo của khách. Thường dân chơi lên sàn gọi rượu bây giờ bo "rách" lắm cũng phải1 "lít" để thưởng cho sự phục vụ, rót rượu, chuyện trò của các cô. Rủi cho khách nào hôm đó phẩy tay tính bill xong mà quên để lại tiền bo cho em thì chắc là tối hôm ấy tha hồ hắt xì hơi hay cắn nhầm lưỡi khi các em ngồi bàn tán thu nhập với nhau.
Có những nơi thu nhập của các PR rượu chỉ gồm tiền lương và tiền bo cho khách. Có nơi, họ lại khuyến khích khả năng hoạt động của các cô bằng cách tạo mối quan hệ lâu dài với khách thật nhiều. Vậy là trước mỗi buổi làm, các cô lại ra sức điện thoại, nhắn tin với khách, kết thân, thỉnh thoảng lại nũng nịu: "Em nhớ anh quá, hôm nay anh có lên với em không? Em đặt bàn trước cho anh nha?". Mỗi một ticket đặt bàn, cô nào book thì sẽ được hưởng phần hoa hồng tính trên giá trị hoá đơn của bàn đó. Tổng số các bill trong tháng tới một mức quy định các cô sẽ được hưởng thêm.
Có rất nhiều PR tâm sự rằng thoạt đầu, họ đến với công việc này phần lớn là bởi ham vui chứ không hẳn là mục đích kiếm tiền. Phần lớn mục đích của các cô đến với nghề này là có cơ hội để quen biết những bậc anh tài, đại gia tiêu tiền chẳng phải bận tâm và cũng từ các mối quan hệ đó biết đâu đấy…
Số ít là để thoả mãn sở thích của mình là nhún nhảy được đắm mình vào thế giới xa hoa, náo nhiệt và giậm giật của ánh đén màu, của âm thanh cuồng nhiệt của các vũ điệu. Họ muốn được tham dự vào một lối sống hợp thời, sành điệu. Bởi vậy nên mới có chuyện, dân chơi hay xuất hiện tại bar 25 độ J (Hà Nội) đã khá choáng khi có 1 cô PR rượu mới toanh xuất hiện. Mang tiếng đi phục vụ hàng tối để kiếm thu nhập khoảng 1 triệu đồng/tháng, vậy mà đến chỗ làm hay khi tan sở là lại có một con Mercerdes 3 khoang tới rước, y như nguyên thủ quốc gia. Giống như trường hợp máy cậu ấm, cô chiêu sướng quá hoá rồ, bỏ nhà đi nếm "bụi" cuộc sống.
Dân chơi bình chọn rằng: mấy cô nàng PR rượu trên bar Hồ Gươm Xanh nhan sắc thì kém mọt chút, thi thoảng lắm mới có vài em vượt trội, nhưng về khoản hoạt náo, nhảy nhót, hú hét, thì là đỉnh!
PR rượu trên New thì hời hợt, không nhảy, không lắc, ít nói tỏ về con nhà lành, nhưng đừng tưởng bở, có em ra ngoài sẽ cho đối phương choáng váng ngay. PR trên 25 độ J thì chịu chơi nhất, "có nghề" và chiều khách hơn.
Có điểm chung của nghề PR là các cô rất dễ sa ngã nếu đã ngấm với môi trường này. Thời gian làm việc về đêm, nên khá nhiều các PR rượu đang làm trong quán bar, vũ trường là những sinh viên đại học hay cao đẳng. Họ muốn có một công việc làm thêm để có thêm thu nhập chi trả cho những chi phí cho quá trình học tập. Nhưng rồi sự mệt mỏi, thiếu ngủ và rượu uống hàng đêm đã khiến họ dần dần sao lãng với việc học tập trên lớp. Tiếp theo đó là sự sa sút dần về sức khoẻ, tinh thần. Đấy là chưa kể những cám dỗ trong nghề, khi họ phải chạy đua với những mối quan hệ để tăng thêm thu nhập, chấp nhận "nhiệt tình" hơn một chút", "dễ tính"và "khả năng chịu đựng" cao hơn một chút để đánh đổi lấy sự trao đổi nào đó.
Bình luận (0)