Mang hai chiếc khẩu trang, đi qua hai lớp cửa cách ly, chúng tôi được các điều dưỡng của Khoa Lao đa kháng thuốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch dẫn vào phòng bệnh ghi hình. Các anh không quên nhắc nhở phải thao tác thật nhanh vì ở phòng bệnh càng lâu nguy cơ lây nhiễm càng cao. Vậy mà, đây là nơi các điều dưỡng thường trực làm việc, chăm nom người bệnh.
Thường xuyên tiếp xúc với căn bệnh dễ lây nhưng các điều dưỡng Khoa Lao HIV Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch vẫn tận tình chăm sóc bệnh nhân
Nhọc nhằn điều dưỡng khoa lây
Điều dưỡng Võ Thị Hồng Nhung (Khoa Lao HIV Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch) cho biết hiện trong khoa cũng đang có người phải tạm nghỉ làm để điều trị lao. “Đây là bệnh lây qua đường hô hấp nên nguy cơ lây nhiễm khá cao nhưng không ai vì đó mà bỏ nghề. Trái lại, điều đó càng làm điều dưỡng chúng tôi hiểu thêm về bệnh và tâm huyết với nghề hơn” – chị tâm sự.
Điều dưỡng Khoa Nhiễm E – HIV của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới hầu hết đều dưới 30 tuổi, có người mới ra trường cách nay không lâu. Với kiến thức của người công tác trong ngành y, các cô đều hiểu rõ về những nguy cơ mình phải đối diện khi vào nghề. AIDS không phải một bệnh dễ lây nhưng các bệnh cơ hội đi kèm, đặc biệt là lao, luôn chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Điều dưỡng trưởng Oách Kim Nhung cũng nói thêm: “Nhiều người bị HIV mặc cảm, buồn phiền và có ý nghĩ tiêu cực, điều đó dễ dẫn đến những phản ứng bất thường mà mỗi xô xát đều có thể dẫn đến tai nạn nghề nghiệp. Do đó, ứng xử khéo léo, tinh tế cũng là một cách điều dưỡng viên tự bảo vệ mình”.
“Lúc mới vào nghề, bản thân tôi cũng có chút ngại ngần. Nhưng tiếp xúc nhiều ca bệnh, nhìn nhiều người đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, tôi nhận ra rằng việc góp sức giúp người khác thoát khỏi bệnh tật là quan trọng hơn cả” – điều dưỡng Lê Viết Đông của Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chia sẻ. Sau một lần nhập viện năm 12 tuổi, vượt qua cơn bệnh nặng trong vòng tay của các bác sĩ, điều dưỡng, anh đã thấu hiểu và yêu cái nghề nhọc nhằn nhưng đẹp đẽ này. Đó cũng là lý do anh trở thành điều dưỡng viên.
Cách đây một năm, khi đến thăm Khoa E2 của bệnh viện, một khoa chuyên dành cho bệnh nhân nghèo, vô gia cư, điều dưỡng trưởng Trần Xuân Tiến đã cho chúng tôi xem một lá thư. Đấy là lời cảm ơn rất chân thành của một bệnh nhân, được gửi đến sau một tháng ra viện. Anh cho biết đó là điều an ủi rất lớn đối với bản thân.
Người điên nổi loạn
Trong căn phòng lúc nào cũng ồn ào vì những tiếng la hét, lảm nhảm của người tâm thần, điều dưỡng Nguyễn Thị Quỳnh Mai của Khoa B Bệnh viện Tâm thần TPHCM chỉ cho chúng tôi xem vết sẹo dài chừng 5 cm trên cổ chân. “Đấy là “kỷ niệm” của một ca trực đêm” – chị cười.
Chuyện xảy ra đã vài năm. Quá nửa đêm, một bệnh nhân đã bất ngờ tỉnh giấc và nổi cơn điên, vùng chạy và tấn công những người anh ta gặp phải. Chị Mai cùng 3-4 người khác đuổi theo để khống chế đưa bệnh nhân trở lại giường. Trong cơn giằng co ngay giữa sân bệnh viện, bệnh nhân đã xô ngã một chiếc ghế đá và gây ra vết thương trên chân chị. “Điều đó cũng... bình thường thôi” - đáp lại sự ngạc nhiên của chúng tôi, chị kể tiếp: “Bệnh nhân nổi loạn ở bệnh viện này hầu như ngày nào cũng có, việc nhân viên y tế bị tấn công không còn là chuyện lạ. Cách đây không lâu, một nam điều dưỡng ở Khoa A đã phải nghỉ làm mấy tháng vì bị bệnh nhân đánh gây chấn thương nặng ở đùi”.
Điều dưỡng trưởng Khoa A, anh Cao Đức Xuân Kiều, kể lại trường hợp nam bệnh nhân bất ngờ tháo bóng đèn trong phòng bệnh, bẻ đôi và tấn công mọi người, đòi ra: “Lúc ấy, phải huy động nhiều người khiêng mấy tấm nệm bọc anh ta lại để anh ta đừng đâm bóng đèn vỡ nhọn hoắt vào người khác. Không dễ dàng gì, vì còn phải khéo để bệnh nhân không làm chính mình bị thương. Mất gần 15 phút, làm đủ cách, cả chục người mới đưa được bệnh nhân vào giường. Cũng may là không ai bị thương...”.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, điều dưỡng trưởng Khoa B của bệnh viện, chia sẻ: “Thật ra, các bệnh nhân tâm thần có kích động cũng là do họ không làm chủ được mình. Họ tấn công chúng tôi nhiều nhưng chúng tôi càng thấy thương cảm họ hơn vì đó là nỗi đau của những người mang bệnh, lý do khiến họ bị nhiều người xa lánh”. Theo chị, khi có bệnh nhân lên cơn, những lời khuyên chân thành, đúng phương pháp vẫn là cách hữu hiệu nhất để giúp họ dịu lại. Là điều dưỡng, các anh chị dành rất nhiều thời gian trong ngày để trò chuyện với người bệnh. “Người tâm thần dễ cảm thấy cô độc, rất cần được chia sẻ, được hỗ trợ về mặt tâm lý nên bổn phận của điều dưỡng chúng tôi còn là làm bạn, làm giá đỡ tâm lý cho người bệnh” – chị Thủy nói thêm.
Sau những giờ phút căng thẳng giải quyết bệnh nhân kích động, các điều dưỡng vẫn giữ lấy nụ cười, tiếp tục đi thăm các phòng bệnh cho dẫu bất cứ lúc nào họ cũng có thể nhận những cú đánh bất ngờ. Các chị điều dưỡng Thủy, Kiều, Mai... đã có mấy chục năm gắn bó với nghề, với không ít những lần bị bệnh nhân tấn công. Nhưng họ biết rằng vẫn còn nhiều số phận cần bàn tay chăm sóc ân cần để một ngày được về với đời...
Thạc sĩ – bác sĩ Phan Thượng Đạt, Trưởng Khoa Lao đa kháng thuốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch:
Cần bảo vệ chính mình
Điều dưỡng viên cần nắm vững kiến thức, cẩn thận trong công việc và tuân thủ các quy định để bảo vệ chính mình. Những việc tưởng chừng rất nhỏ như mang khẩu trang, găng tay, tắm rửa trước khi ra về... đều rất quan trọng vì điều dưỡng là những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Tại khoa, chúng tôi dán rất nhiều áp phích, tờ rơi có nội dung về ngăn ngừa lây nhiễm để nhắc nhở bệnh nhân, thân nhân và chính nhân viên y tế. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thực hiện việc quản lý hành chính chặt chẽ, bố trí công việc khoa học để hạn chế tiếp xúc với mầm bệnh. |
Bình luận (0)