xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Săn “gà đồng” mùa lũ

Bài và ảnh: NGỌC TRINH

Những ngày cuối tháng 9, mực nước lũ ở ĐBSCL đang dâng lên từng giờ và chuẩn bị bước vào “mốc” đỉnh lũ. Đây cũng là thời điểm để người dân vùng sông nước săn bắt các sản vật mùa nước nổi. Trong đó, nghề săn bắt ếch đồng được các tay thợ săn tỏ ra thích thú và đặt cho nó cái tên nghe cũng rất đồng quê: Săn “gà đồng”

Đêm tối mịt! Mặc cho cơn mưa tầm tã như trút nước, nhưng những tay săn “gà đồng” ở Kinh Quýt (xã An Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) vẫn lầm lũi tay chèo trên chiếc xuồng ba lá độc mộc, nhè nhẹ bơi tìm bắt ếch. Thoáng chốc, lại có tiếng “á” thốt lên từ cửa miệng của một tay thợ săn khi chĩa trúng một chú ếch đang “ngồi” trên đám lá lục bình. Những phút giây hiếm hoi như thế cũng đủ để xóa tan đi cơn “khát” ngủ và cái lạnh thấu xương giữa đêm khuya vắng. Ở cái xóm nghèo Kinh Quýt có cả làng cùng đi soi ếch. Vì thịt ếch đồng ăn rất ngon giống thịt gà ta nên dân làm nghề này gọi vui là “gà đồng”.

Cánh vạc đêm khuya

Mùa lũ về, ếch đồng xuất hiện nhiều nên là mùa làm ăn chính của dân săn “gà đồng”. Săn hết đồng gần nhà, họ sang những cánh đồng xa tận Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất (Kiên Giang) hoặc nơi giáp ranh biên giới Tây Nam tìm bắt ếch. Đi suốt và thức thâu đêm, họ cũng chỉ kiếm được vài ba chục ngàn đồng, đủ đong gạo cho những bữa cơm nghèo. Hầu như ai theo nghề này cũng thuộc hàng học vấn thấp, con nhà nghèo. Khoảng 15 giờ, họ bắt đầu chuẩn bị xuồng, bình ắc-quy, chĩa, cơm đùm cơm nắm... để bắt đầu lên đường.

Không riêng xóm Kinh Quýt, tại cánh rừng tràm Huệ Đức cũng có nhiều người theo ghề săn “gà đồng” mùa nước nổi. Hoàng hôn buông dài trên mặt kênh Huệ Đức là lúc dưới bến sông trở nên náo nhiệt. Hàng chục chiếc xuồng đậu nối đuôi nhau dưới bến, chuẩn bị cho một chuyến đi soi ếch suốt đêm dài. Vào mùa săn ếch, ai cũng tranh thủ. Tranh thủ ăn vội bữa cơm chiều vỏn vẹn chỉ cơm trắng và thịt ếch, để vào những cánh rừng bạt ngàn vùng Tân Tuyến, Cô Tô (huyện Tri Tôn, An Giang) săn tìm. Anh em trong “hội” nghề soi ngồi bạ trên mấy tấm vạt tre lót trên những chiếc xuồng con mà trong lòng cứ nôn nao cho một đêm săn. “Tranh thủ ăn cơm sớm để vào rừng cho kịp chuyến. Đây vào đó cũng mất hơn 40 cây số. Đến sớm thì săn không được vì ếch còn thấy dáng người nên nhảy xuống nước trốn mất. Còn vào trễ thì bắt chẳng được bao nhiêu, lơ mơ là... húp cháo. Nghề này hao tổn sức lắm vì phải thức thâu đêm như những cánh vạc ăn đêm. Cực vậy chứ soi bữa có, bữa không do còn tùy thuộc vào... trời”, anh Nguyễn Thanh Hải (37 tuổi) nuốt vội chén cơm đạm bạc tiếp chuyện với chúng tôi.

img
Sản phẩm thu được sau một đêm săn, cũng đủ nuôi sống gia đình trong vài ngày

Anh Nguyễn Thanh Hà (42 tuổi), người có thâm niên 17 năm gắn với nghề soi ếch ở làng Vọng Thê (huyện Thoại Sơn, An Giang), cho biết lát nữa đây hai cha con anh cùng hàng chục người khác phải chèo xuồng đi hàng chục cây số tìm bắt ếch. Khoảng 19 giờ họ đến địa điểm làm ăn. Mỗi chiếc xuồng một thợ soi chia nhau đi săn ếch. Cứ thế, các tay thợ săn lọ mọ suốt đêm, rảo qua mấy bờ kênh xăm xắp nước, gặp ếch là rọi thẳng đèn vào chúng rồi cứ việc đưa chĩa đâm, vì mắt ếch “bắt đèn” chỉ còn biết ngồi im một chỗ. Tuy nhiên, nếu đâm hụt thì ếch sẽ lặn hút xuống nước không thể nào bắt được.

Đến khoảng 4 giờ sáng hôm sau, cả hội săn “gà đồng” mới quay về, rồi tiện thể họ tấp luôn vào chợ bán hết số ếch vừa thu được đêm qua. Bán xong họ trở về nhà khi bình minh đã rõ mặt người. Chưa kịp xả hơi, dân săn ếch lại quay sang cơm nước buổi sáng. Xong xuôi họ mới được ngả lưng ngủ vùi một giấc đến 15- 16 giờ, để chuẩn bị tiếp tục một chuyến đi săn mới.

Con nhà ếch phải theo...nghề bắt ếch!

Đời sống khắc khổ, gắn với cái nghề “thức nhiều hơn ngủ”, nên con cái của những thợ săn “gà đồng” vì thế cũng... nối gót theo cha lao vào những cuộc mưu sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hà có 4 đứa con thì 3 đứa chỉ học đến lớp 5 đều phải nghỉ. “Nhà nghèo lại không nghề nghiệp, lấy tiền đâu cho con ăn học. Trong nhà chỉ còn lại một đứa năm nay đang học lớp 3, chắc chờ khi nào biết đọc, biết viết chút đỉnh tôi cũng phải kéo nó đi săn ếch kiếm sống, chứ tiền đâu học tiếp bây giờ?” - anh Hà than thở.

Anh Hà cho biết, vì nghèo nên khi lập gia thất, cha mẹ anh chẳng có thứ gì cho vợ chồng anh lúc ra ở riêng. Lấy vợ xong, vợ chồng anh cùng nhau kéo ra đồng làm thuê, cắt lúa mướn. Mùa lũ đến tranh thủ giăng lưới cá kiếm tiền. Gần 20 năm trước, khi thấy nghề săn “gà đồng” có thu nhập khá hơn nên vợ chồng anh bỏ lưới chuyển sang nghề này. “Trước đây mỗi đêm săn ếch kiếm cũng được cả trăm ngàn, đủ trang trải. Bây giờ, thêm thằng con trai lớn (15 tuổi) mà suốt đêm cũng chỉ bắt được nhiều lắm 4 kg ếch là cùng. Mỗi ký ếch hiện có giá 20.000 đồng, trừ chi phí cũng chỉ đủ đong gạo ăn được 2 ngày cho 6 miệng ăn. Đêm nào mưa to gió lớn phải nằm nhà thì cái đói chực chờ” - anh Hà nói trong lo lắng.

Không riêng anh Hà, cả chục hộ ở xã An Hòa trong nhóm những người làm nghề săn “gà đồng” cũng có hoàn cảnh tương tự. Nhiều người cho biết, hoàn cảnh nghèo khó có lúc tưởng chừng chết đói đến nơi, nhưng vì muốn kéo giảm chỉ tiêu hộ nghèo nên chính quyền không cấp sổ hộ nghèo cho họ. Cũng với cái nghề soi ếch, mấy năm trước họ được công nhận là gia đình nghèo có sổ, nhưng bây giờ đã bị “xóa” vì địa phương cho rằng họ đã “thoát nghèo”. “Mấy năm trước cán bộ xã đến nhà rút sổ hộ nghèo và nói là “mượn về thay sổ mới”, rồi mất biệt đến nay. Bởi không thuộc diện hộ nghèo nên con cái chúng tôi cũng không được miễn học phí. Vì thế, khi lo hết nổi thì đành phải cho con nghỉ học về săn ếch, chứ biết làm gì bây giờ” - một tay săn “gà đồng” nói trong chua xót.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo