Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Tổ phó Tổ Chuyên gia tư vấn cho chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và Phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, nhận xét con số thống kê 30.000 gái mại dâm đang hoạt động trên cả nước chỉ là con số mà ngành công an có hồ sơ quản lý, số lượng “ẩn” không thống kê được là rất lớn.
Quản không được, phải… “xé rào”.
Tổ Chuyên gia tư vấn đã thẳng thắn thừa nhận: Trên thực tế nhiều năm qua, các biện pháp hành chính đã bất lực, không ngăn chặn và quản lý được tệ nạn mại dâm. Tại một số địa phương, một mặt tăng cường công tác phòng chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn nhưng lại “chủ động” buông lỏng quản lý tệ nạn này ở một vài điểm để thu hút khách du lịch, đồng thời chú trọng các biện pháp giảm thiểu lây nhiễm HIV (như Quất Lâm - Nam Định; Đồ Sơn - Hải Phòng; khu vực quanh Tòa Thánh - Tây Ninh), như là hiện tượng “xé rào”.
Bên cạnh đó, việc xử phạt đối với người mua, bán dâm hiện vẫn theo Nghị định 178/2004 của Chính phủ (người có hành vi bán dâm bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng). Mức phạt này chưa đủ sức răn đe. Đã vậy, nếu đối tượng vi phạm không chịu đóng tiền phạt, pháp luật cũng chưa có quy định biện pháp chế tài cụ thể. Trong khi đó, sau 24 giờ tạm giữ, cơ quan công an buộc phải thả người. Lúc này, biện pháp duy nhất chỉ có thể làm là phạt cảnh cáo.
“Trước mắt, công tác quản lý vẫn chủ yếu tập trung vào việc giáo dục, tuyên truyền, vận động để chuyển đổi hành vi của chị em. Đồng thời, thực hiện các biện pháp can thiệp tạm thời như phát bao cao su để hạn chế tình trạng lây truyền HIV cũng như các bệnh tình dục khác” - ông Quý nói.
Cũng theo ông Quý, ngoài công tác tuyên truyền, giáo dục, từ tháng 7-2012, Sở LĐ-TB-XH TPHCM liên tịch cùng Hội LHPN và Ủy ban Phòng chống AIDS TP thí điểm mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho các chị có nhu cầu hoàn lương. Tham gia mô hình này, chị em được tư vấn về pháp lý, tập huấn kỹ năng sống, khám chữa bệnh miễn phí, học những nghề cơ bản và được hỗ trợ tìm việc làm… Tuy nhiên, mô hình này cũng đang gặp nhiều khó khăn về kinh phí.
Cần nhìn thẳng vào sự thật
Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong phòng chống tệ nạn mại dâm, UBND TPHCM đã kiến nghị đề xuất Trung ương cho phép TP thực hiện thí điểm quy hoạch vùng hoạt động kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội tại khu vực nhất định để tăng cường quản lý một cách chặt chẽ đối với người bán dâm, kết hợp đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa giảm tác hại… nhằm góp phần ngăn chặn tệ nạn mại dâm hoạt động tràn lan ngoài cộng đồng. Dự án sẽ đề xuất Nhà nước xem xét một số chế độ, chính sách, quy định đối với các cơ sở kinh doanh trong vùng quy hoạch.
Tuy nhiên, ông Lê Văn Quý nhấn mạnh: Vùng quy hoạch này không phải là khu “đèn đỏ” tại TPHCM. Xã hội Việt Nam vẫn không chấp nhận mại dâm là một nghề, việc quy hoạch vùng chỉ nhằm mục đích tăng cường, tập trung công tác quản lý.
Tương tự, Khánh Hòa đã đề xuất Trung ương cho phép tỉnh này được quy hoạch thành một khu vực riêng biệt, cách xa khu dân cư để kinh doanh các dịch vụ mang tính “nhạy cảm” nhằm quản lý chặt chẽ và có hiệu quả hơn các hoạt động dễ phát sinh mại dâm tại cộng đồng.
Thượng tướng Lê Thế Tiệm đánh giá đề xuất của TPHCM và Khánh Hòa là rất mạnh dạn và coi đây là giải pháp để tháo gỡ những bế tắc về công tác quản lý mại dâm hiện nay. “Tôi đề nghị Ủy ban Quốc gia Phòng chống AIDS và Phòng chống tệ nạn ma túy mại dâm cho phép UBND TPHCM và Khánh Hòa có thể làm điểm mô hình này nhằm tránh để mại dâm phát triển tràn lan tại cộng đồng, dịch bệnh ngấm ngầm lan truyền… Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để làm” - ông Tiệm nói.
Người “trong cuộc” lên tiếng Chị Kh., trưởng nhóm tự lực “Nơi bình yên”» (quận Hai Bà Trưng - TP Hà Nội), cho biết trong số những người hiện đang hành nghề mại dâm ở Hà Nội, người nhiều tuổi nhất là 65, ít tuổi nhất là 15. Con đường bỏ nghề để hoàn lương thực sự rất chông chênh do có những rào cản khó vượt qua, như: thiếu tự tin khi hòa nhập cộng đồng; sự kỳ thị của người thân, xã hội; lười lao động, muốn có thu nhập cao… “Chỉ có khoảng 5% có thể từ bỏ được nghề. Thậm chí, có những người đã bỏ nghề 5 năm nhưng khi thiếu tiền, lại “tặc lưỡi” đi khách” - chị Kh. nói. Hầu hết những người ở nhóm “Nơi bình yên” và những chị em đang hành nghề mại dâm mà chúng tôi gặp đều ủng hộ mô hình thí điểm của TPHCM và Khánh Hòa vì được chăm sóc sức khỏe định kỳ, không bị bảo kê chăn dắt, không bị đánh đập… Tuy nhiên, “khi xây dựng mô hình thí điểm, cũng cần có sự tham gia của những nhóm tự lực để góp ý kiến và đưa ra những đề xuất tốt hơn cho cơ quan chức năng trong mô hình hoạt động” - chị Kh. đề xuất.
V.Duẩn |
Bình luận (0)