Bảy giờ rưỡi sáng, hai mươi sáu thiếu nữ Hà Nội trong những tà áo dài xưa đã làm xao động trái tim toàn bộ hành khách trên chuyến tàu cổ đặc biệt chạy bằng hơi nước tại ga Long Biên. Đúng 55 năm sau ngày giải phóng thủ đô, chuyến tàu cổ chở các lãnh đạo Hà Nội và đại sứ các nước từ ga Gia Lâm sang cầu Long Biên.
Tất cả cùng hòa vào không khí thu Hà Nội, cùng người dân 54 dân tộc VN. Các anh bộ đội, những cô thiếu nữ Hà thành... đi bộ trên cây cầu, giữa cờ, quạt và bóng bay, thỏa sức chiêm ngưỡng những bức ảnh, tranh, bài thơ in trên những tấm vải trắng...
Chuyến tàu cổ đặc biệt chạy bằng hơi nước từ ga Gia Lâm sang cầu Long Biên. Ảnh: Như Ý
Tự hào nhớ về quá khứ
Bồi hồi sống lại những ký ức xưa là tâm trạng chung của nhiều cựu binh từng tham gia chiến đấu bảo vệ thủ đô, từng sống chết bảo vệ cây cầu huyết mạch của TP.
Đại tá Lê Văn Hối, nguyên chính ủy Trung đoàn Pháo cao xạ 230, tâm sự rằng có mặt trên cây cầu trong ngày lịch sử đặc biệt này, ông như được cùng đồng đội 40 năm trước, khi trung đoàn được lệnh chiến đấu bảo vệ cây cầu khỏi sự bắn phá của giặc Mỹ. Khi ấy, bốn khẩu đội nhận nhiệm vụ trực trên nóc cầu Long Biên, các pháo thủ trực chiến 24/24 giờ trên đỉnh cầu, mặt đối mặt với kẻ thù.
Ông Nguyễn Chất, nguyên trưởng ban sửa chữa cầu Long Biên, cũng bồi hồi kể: “Giữ được chiếc cầu đến tận bây giờ, không phải chúng ta mà cả nhiều người nước ngoài cũng cảm thấy tự hào. Hàng chục lần bị bom Mỹ đánh phá, 3-4 lần cầu Long Biên gãy nhịp. Bao nhiêu nhịp gãy là bấy nhiêu lần những người thợ lại quên mình trong lửa đạn quyết giữ cây cầu”. Chính vì thế mà khi nghe có lễ hội cầu Long Biên, ông Chất cùng nhiều đồng nghiệp đã đến từ rất sớm.
Hoạt cảnh tái hiện ngày giải phóng thủ đô cách đây 55 năm với hình ảnh những anh bộ đội cụ Hồ, cờ đỏ sao vàng trên tay tiến về Hà Nội trong sự đón chào của người dân thủ đô, thực sự để lại cho người tham dự nhiều cảm xúc.
Du khách dạo bộ trên cây cầu 100 năm tuổi trong ngày khai mạc Festival ký ức cầu Long Biên. Ảnh: T.DŨNG
Bày tỏ tình yêu Hà Nội
Festival ký ức cầu Long Biên còn là ngày hội để những người yêu Hà Nội bày tỏ tình cảm của mình. Dọc cầu Long Biên, hàng ngàn dòng lưu bút bày tỏ tình yêu với Hà Nội của khách bộ hành đã được viết trên những tấm vải trắng.
Đôi khi, nó chỉ là những tâm sự giản dị như của ông Nguyễn Văn Bào, đến từ Thái Nguyên: “Gần hết đời người rồi (84 tuổi) nay mới biết cầu Long Biên. Xin chào người Hà Nội...” hay “Tôi yêu Hà Nội” của một vị khách nước ngoài.
Chị Hoàng Yến, cán bộ Quận ủy Thanh Xuân, cho biết chị thật sự thấy thích thú với chủ đề mà các nhà tổ chức đã xây dựng: hướng từ Hà Nội sang Gia Lâm là “Ký ức cây cầu”, còn hướng từ Gia Lâm sang Hà Nội là “Ước mơ cây cầu”.
Những bức tranh sơn dầu, bột màu, ảnh nghệ thuật, ảnh tư liệu về tất cả các thời kỳ của cầu Long Biên về Hà Nội được treo tại một số điểm của cây cầu để người đi bộ có thể dừng chân thưởng lãm cũng là một ý tưởng hay, dù hơi bị loãng vì cây cầu quá dài.
Đặc biệt, việc mời các cơ quan ngoại giao, các đại sứ quán treo quốc kỳ của nước mình trên những nhịp cầu gãy vì bom đạn không chỉ mang ý nghĩa gắn quá khứ với hiện tại mà còn gắn VN với thế giới thật sự là một ý tưởng tuyệt vời.
Tối qua, màn thả 999 ngọn hoa đăng trên sông Hồng để cầu siêu cho những anh hùng đã hy sinh vì Hà Nội cũng đã được tổ chức với sự tham dự của hàng ngàn người dân Hà Nội. Festival ký ức cầu Long Biên sẽ diễn ra đến hết hôm nay, 11-10.
Cụ rùa hồ Gươm nổi trong ngày trọng đại
T.Dũng |
Lễ kỷ niệm 999 năm Thăng Long- Hà Nội và công bố năm Du lịch Quốc gia 2010 Sự kiện mang tầm vóc quốc gia và quốc tế
|
Bình luận (0)