icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tà-Xiên, không còn xa

Ghi chép: Phước Trịnh

Từ xã Lăng, huyện Tây Giang (Quảng Nam), chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình lên các xã biên giới khu 7 của huyện bằng những chiếc “Win”. Gần 50 km vượt dốc băng đèo, những “chú ngựa sắt” cũng chỉ tới được Axan. Gửi xe lại nhà dân, chúng tôi cuốc bộ trong đường rừng 5 giờ nữa mới đến làng Apool, xã Gary, nơi Đồn biên phòng 651 đóng chân

Đồn biên phòng xa nhất

Đồn Biên phòng 651 được thành lập từ tháng 10-2003. Địa bàn đồn phụ trách là hai xã Gary và Ch’um, huyện Tây Giang. Biên giới giữa Gary và Ch’um giáp với huyện Kàlùm (Lào) dài 19 km, với 4 cột mốc, từ cột mốc T6 đến cột mốc T9. Trong đó, cột mốc T9 nằm trên đỉnh Tà-Xiên, có độ cao gần 2.000 m. Dân số trên địa bàn có 13.700 người, hầu hết là đồng bào dân tộc Cơtu, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tỉ lệ hộ đói nghèo trên 55%. Phần lớn người dân không biết chữ nên việc tuyên truyền vận động họ thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước gặp không ít khó khăn.

Trung tá Trần Hữu Phú, chính trị viên Đồn Biên phòng 651, cho biết: Từ giữa năm 2006, đường công vụ từ trung tâm huyện Tây Giang được mở lên đến Apool. Có đường, xe vận chuyển vật liệu lên xây dựng đồn. Chuẩn bị hoàn thiện thì đường sạt lở, từ đó đến nay, công trình xây dựng đồn bị “cô lập”. Nơi làm việc, ăn ở, nghỉ ngơi của cán bộ, chiến sĩ biên phòng lâu nay vẫn ở nhà tạm chật hẹp, sườn nhà làm bằng cây rừng, mái tôn. Qua mùa gió núi đã liêu xiêu. Mỗi tuần, cán bộ chiến sĩ của đồn đưa 4 con ngựa ra trung tâm cụm xã Axan chuyển lương thực và thực phẩm vào, cả đi về mất 2 ngày đường. Mỗi con ngựa chở trên lưng không quá 40 kg gạo. Ngoài cái rét thấu da nơi vùng cao biên giới, cán bộ, chiến sĩ ở đồn biên phòng xa nhất tỉnh Quảng Nam phải “sống chung” với lũ ruồi vàng, vắt... “Nhất gió Tây Trang, nhì ruồi vàng khu 7” - trung úy Lê Phước Tuấn, trợ lý công tác Đoàn và Thanh niên Đồn Biên phòng 651, nói vui sau bữa cơm chiều. Không phải ngẫu nhiên mà chiến sĩ biên phòng ở đây ví gió ở cửa Đồn Biên phòng cửa khẩu Tây Trang với con ruồi có tên là “ruồi vàng” ở vùng biên này. Đây là giống ruồi nhỏ như con phù du, cánh màu vàng. Ruồi vàng cắn không đau, nhưng sau một hai ngày, vết cắn lại nổi ngứa, khó chịu hơn... bị ghẻ. Có người, hai ba tháng sau, vết ruồi cắn vẫn thâm tím trên da.

Bộ đội biên phòng tốt thật

Cán bộ xã Gary còn yếu lắm nên mọi việc đều nhờ đồn giải quyết. Người dân nơi đây tin đồn, chuyện gì cũng hỏi, đau thì lên nhờ khám, xin thuốc; nhà này với nhà kia, làng này với làng kia có mâu thuẫn gì cũng kêu đồn giải quyết. Nhờ vậy, khi tuyên truyền vận động, hướng dẫn cho bà con làm kinh tế thì dân nghe và làm theo. Trung tá Trần Hữu Phú cho biết, từ năm 2004, đồn đã khai hoang 6 héc-ta đất để hướng dẫn dân trồng lúa nước. Lúc đầu, người dân vẫn chưa quen làm. Cán bộ chiến sĩ của đồn quyết tâm hướng dẫn đồng bào làm cho bằng được. Đồn chọn 1 héc-ta để làm thí điểm, hướng dẫn quy trình làm lúa nước cho bà con. Với phương thức “cầm tay chỉ việc” như thế, cây lúa nước dần lên xanh tốt trên khắp các bản làng Ch’um và Gary, huyện Tây Giang. Ông Pơloong Brăm, già làng thôn Dading, cho biết: “Nhờ bộ đội biên phòng mà dân làng mình biết làm lúa nước. Làm lúa nước có nhiều gạo hơn lúa rẫy, không sợ đói khi giáp hạt. Dân làng nhờ gì cũng giúp. Cái bụng bộ đội biên phòng tốt lắm!”

Cùng với việc phát triển lúa nước, từ nguồn vốn của biên phòng, đồn đã tạo điều kiện hỗ trợ cho dân vay để chăn nuôi bò. Hiện nay, có 22 gia đình trên địa bàn được vay mỗi hộ 2,5 triệu đồng để mua bò nuôi. Đất đồi ở Gary và Ch’um mênh mông cỏ. Không ít gia đình có vốn lại sang đất bạn Lào mua bò về nuôi. Mấy năm nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Tây Giang cũng hỗ trợ vốn vay cho người chăn nuôi bò. Nhờ vậy mà đàn bò ở khu vực này đã lên đến 200 con. Đàn bò đang phát triển tốt. Đó cũng là hướng mở cho việc xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Cơtu nơi đây.

Dưới chân núi Tà-Xiên là những tên đất tên làng như Apool, Arooi, Ating, Dading, Glau và Pứt. Người dân Cơtu bao đời nay phát nương làm rẫy du canh du cư cuộc sống rất vất vả. Từ ngày Đồn Biên phòng 651 về đóng chân tại Apool, người dân dần bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, định canh định cư và từng bước phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình. Chia tay với các anh chiến sĩ biên phòng, chia tay Apool, chúng tôi lại vội vã lên đường. Những rẫy bắp trải rộng một màu xanh đẹp mắt. Những bản làng Cơtu dần lùi lại phía sau. Nẻo đường biên chúng tôi qua, đỉnh Tà-Xiên sừng sững lộ ra trong mây núi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo