Đờn ca tài tử sinh ra, tồn tại và có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng dân cư miền Tây Nam Bộ suốt chiều dài lịch sử của vùng đồng bằng trù phú. Với việc trở thành di sản văn hóa thế giới, đờn ca tài tử Nam Bộ sẽ có cơ hội trổ hết tinh hoa của mình và vươn xa hơn trong đời sống văn hóa, tinh thần.
Nghệ nhân miệt vườn
Về huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu tìm gặp những nghệ nhân, tài tử, chúng tôi ngỡ như sống trong không khí lễ hội đờn ca.
Cơn mưa vừa tạnh, bầu trời đêm nơi miền quê Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long chỉ lác đác vài ánh sao mờ. Con đường làng sâu thẳm và trơn trượt vẫn không ngăn được bước chân của những người đam mê đờn ca tề tựu trước sân nhà nghệ nhân Huỳnh Xường, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử xã Vĩnh Phú Tây. Ai nấy đều ăn mặc tươm tất, bảnh bao nhưng bình dị, ngồi quây quần bên mâm rượu được bày ra với vài món cây nhà lá vườn như rau đồng, dĩa ốc, vài con cá lóc nướng trui còn nghi ngút khói… Trong không gian yên bình, các nghệ nhân miệt vườn cùng xướng lên những thanh âm rất tự nhiên, chân phương nhưng đủ để làm say đắm lòng người.
Trong lúc chờ các tay đờn nắn phím so dây, nghệ nhân Huỳnh Xường cho biết CLB được thành lập gần 20 năm, hiện có 10 thành viên chính thức, còn số người mê văn nghệ tới giao lưu hoặc chỉ để được nghe thì không tính xuể. Lịch sinh hoạt của CLB cứ xoay vòng, hết nhà này đến nhà khác, tới phiên ai thì người đó chịu lo phần mồi rượu, còn thành viên nào có thêm con cá, mớ dưa cà cứ mang tới cho thêm phần xôm tụ, để lời ca tiếng đàn kéo dài tận đêm khuya.
Càng về khuya, đêm miệt vườn càng thanh vắng, lời ca tiếng đàn cứ như tan chảy vào không gian vô tận khiến những người khách phương xa quên hết bao mệt nhọc của chặng đường dài. Nghệ nhân Huỳnh Xường bộc bạch: “Những nghệ nhân chân chất này vốn là nông dân cày sâu cuốc bẫm, đầu tắt mặt tối, mồ hôi tưới xanh cây lúa cho đàn con có chén cơm ngon, được cắp sách đến trường. Chúng tôi đến với nhau bằng tình làng nghĩa xóm, đàn hát với tất cả sự đam mê cho quên đi bao mệt nhọc của những ngày lao động vất vả”.
Sức hút kỳ lạ
Đờn ca tài tử không mang lại cho người chơi tiền bạc, thậm chí họ còn phải bỏ tiền ra để chơi. Cho nên, những năm mới hòa bình, đời sống đa số người dân ở Phước Long còn khó khăn, nhạc tài tử cũng vì thế mà ít có điều kiện để phát huy song máu tài tử thì vẫn không ngừng chảy trong mỗi người dân lao động xứ này. Khi có đám tiệc, Tết nhứt, cúng đình… thì những tài tử miệt vườn mới hợp lại đờn ca cho thỏa niềm đam mê.
“Âm nhạc đờn ca tài tử có sức hút kỳ lạ. Thanh niên hồi đó dù đang cấy lúa mà nghe chỗ nào trong xóm dạo đàn là bỏ ngang việc đồng áng đến hưởng ứng ngay” - nghệ nhân Năm Xinh (Mai Phước Xinh), một danh cầm nổi tiếng ở huyện Phước Long, hồi tưởng.
Mãi đến năm 2000 trở lại đây, kinh tế phát triển, đời sống của người dân thôn quê ngày càng sung túc hơn, các tài tử thích đờn ca mới có điều kiện tập hợp thành những nhóm nhạc. Hiện tất cả xã, thị trấn ở Phước Long đều có CLB đờn ca tài tử, sinh hoạt thường xuyên định kỳ mỗi tháng một lần, có khi nửa tháng một lần. Đó là chưa kể đến trên 50 CLB đờn ca tài tử không chính thức ở các xóm, ấp.
Theo nghệ nhân Năm Xinh, đờn ca tài tử chỉ thật sự đậm chất tài tử khi không biểu diễn trên sân khấu ngập ánh đèn màu với sự hỗ trợ của thiết bị âm thanh. “Sân khấu” thường thấy của đờn ca tài tử chỉ đơn giản là một chiếc ghe bầu ngược xuôi trên sông nước hay chiếc chiếu trải trước sân nhà, bờ ruộng, đình làng...
Chữ “tài tử” trong đờn ca tài tử Nam Bộ không phải ám chỉ những người nghiệp dư mà có thể hiểu đó là những người tài năng, chơi đàn theo tâm trạng, ngẫu hứng, không dùng nghệ thuật của mình làm kế sinh nhai. Người chơi đờn ca tài tử gồm cả nông dân, lao động cho đến trí thức, thượng lưu. Song, để trở thành tài tử đúng nghĩa, họ phải trải qua thời gian luyện tập rất công phu.
Nghệ nhân Năm Xinh cho biết trong 20 bài bản tổ (3 bài Nam, 6 bài Bắc, 7 bài Lễ và 4 bài Oán), chỉ nắm cơ bản 3 Nam - 6 Bắc thôi đã không hề dễ dàng. Người nào biết hết 20 bài bản tổ được coi là bậc thầy nhưng trong nghệ thuật đờn ca tài tử thì “thiên ngoại hữu thiên”, không có giới hạn nào gọi là cao nhất. Trên nền tảng 20 bài bản tổ, các tài tử có thể sáng tác ra vô số bài bản, mang nhiều phong cách khác nhau. Vì thế, mỗi vùng miền, mỗi người mang phong cách đờn ca riêng nhưng khi cùng hòa điệu thì họ dễ dàng hòa hợp như những người tri âm, tri kỷ.
Đôi khi một người một đàn cũng làm nên buổi đờn ca tài tử nhưng lý tưởng thì cần đủ bộ tứ tuyệt, gồm: đờn kìm - đờn cò - đờn tranh - đờn bầu (trong đó, người đờn chính - kìm - còn có thêm song loan để giữ nhịp). Ngoài bộ tứ tuyệt, nếu có thêm đờn sến, tì bà, guitar phím lõm, sáo trúc… thì càng hay. Người đờn tài tử chính thống hễ vui, ngẫu hứng thì chơi cho mọi người cùng nghe, không ai có thể ép buộc hay bỏ tiền ra mua được tiếng đàn của họ.
Sang Mỹ hát chơi!
Năm 2007, các nghệ nhân của CLB Đờn ca tài tử huyện Phước Long - gồm: Đặng Thanh Sử, Phạm Văn Loan, Dương Minh Khương, Ba Toại và Hoa Gương - được đại diện giới đờn ca tài tử Nam Bộ tham gia biểu diễn tại lễ hội đời sống dân gian Smithsonian, tổ chức ở thủ đô Washington - Mỹ. Đó là chuyến xuất ngoại hiếm hoi của đờn ca tài tử Nam Bộ trong vài chục năm trở lại đây.
Kỳ tới: Bồi đắp đam mê
Bình luận (0)