Lạc vào cõi âm...
Từ Cầu Giấy, rẽ trái, dọc theo dòng sông Tô Lịch một đoạn ngắn là đến làng Cót - làng của “cõi âm”. Lặng lẽ, nằm soi mình xuống dòng sông Tô, làng Cót có một nghề truyền thống đặc biệt: Chuyên sản xuất các loại tiền giấy, tiền đồng, tiền xu, tiền chinh, đô la cho người... cõi âm. Chúng tôi đến làng Cót vào đầu giờ buổi sáng, giờ mà theo như một số người là thời điểm các “nhân viên ngân hàng” từ các miền, vùng khác nhau đổ về thực hiện giao dịch, trao đổi, mua bán. Vào giờ này, “Ngân hàng địa phủ” tấp nập thực hiện việc “khớp lệnh” và “luân chuyển” vốn. Từ sáng sớm, các con ngõ trong làng (nay là phố phường) đã nhộn nhịp người xe qua lại. Điều đặc biệt dễ nhận thấy và khác hẳn với các phố phường ở HN là trên mỗi chiếc xe thồ chở đầy hàng đều là... giấy, tiền âm phủ! Những “nhân viên ngân hàng” nhận và trả hàng này đều là “vệ tinh” - những “chi nhánh” của “ngân hàng trung ương” tại vùng phụ cận của “làng địa phủ” này.
Có đến “cõi âm” mới biết được thế giới bên kia cũng tiêu đủ loại tiền, không khác gì so với chốn trần ai. Có phải quan niệm “trần sao âm vậy” hay không mà việc “phát hành” tiền ở đây cũng như chốn dương gian, kể cả ngoại tệ khi thực hiện tỷ giá hối đoái trên thị trường tài chính “âm phủ”. Tiền. Đủ loại tiền. Tiền giấy, tiền đồng, tiền xu, tiền chinh. Vàng, cũng có đủ loại vàng. Vàng lá, vàng tấm... Ngoại tệ thì chủ yếu vẫn được in và “phát hành” nhái theo đô la Mỹ. Và, cũng có cả một vài "chi nhánh nhỏ" đang rục rịch in cả đồng “Euro âm phủ” nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu của các linh hồn có nhu cầu "công cán" và "du lịch", "làm ăn" phía bên kia trời Tây...!
Kỹ nghệ in tiền vàng của các âm binh!
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực in ấn thì công nghệ in ấn ở đây đã đạt đến trình độ cao. Những công việc chuyên về ngành in như pha chế màu, độ nét... đều đã được thực hiện theo đúng một quy trình nghiêm ngặt. Vì vậy mà mỗi đồng tiền được “Ngân hàng địa phủ” phát hành đều đẹp về mẫu mã.
Qua người quen, chúng tôi mới gặp được anh QV - một trong những ông chủ sản xuất vàng lá lớn nhất của làng. Anh miễn cưỡng đưa chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất của mình. Giấy làm vàng sau khi nhận về được cắt thành những tập vuông (kích cỡ khoảng giấy A4) và được quét một lớp màu đỏ cờ. Công đoạn quét này khá đơn giản, thường là dùng bằng lưới in, do các “vệ tinh” nhận về làm. Sau khi quét xong phơi khô và tập kết về một địa điểm nhất định (thường là nhà của ông chủ). Tại đây, có một đội ngũ nhân viên lành nghề thực hiện việc chế màu vàng (quét phẩm) và dán thiếc. Những lá thiếc mỏng, theo anh QV thì được nhập từ Trung Quốc, dùng hồ dán (tự pha chế bằng bột gạo) kết dính vào tâm của lá vàng. Sau khi quét phẩm màu (được pha chế từ loại nguyên liệu là hoa Hoè đậm đặc đã chưng cất suốt ngày đêm bằng nồi quân dụng) sẽ được dán thiếc và thực hiện công đoạn phơi sấy lần hai.
Mùa hè, công đoạn sấy khô được tận dụng sức nóng mặt trời, còn về mùa đông hay những ngày cấp tốc này thì phải sấy bằng lò than. Nhà anh QV luôn có khoảng chục nhân viên làm việc, đó là chưa kể vài chục hộ khác nhận hàng về thực hiện gia công một số công đoạn.
Việc in tiền đồng hay đô la âm phủ thì công phu hơn nhiều, bởi những loại tiền này đòi hỏi phải có độ nét cao, sắc màu và phải trông giống như thật. Trước đây, việc sản xuất tiền giấy chủ yếu là in lưới. Nhưng vài năm trở lại đây việc in bằng máy cuốn tay đã thay thế in lưới. “In máy cuốn tay nhanh và đẹp hơn nhiều”, một chủ xưởng in tiền giấy ở đây cho biết. Tiền đô la âm phủ hiện nay đã chuyển thành công đoạn in bằng những máy in hiện đại hơn. Trước hết là được lấy mẫu bằng tờ đô la thật, đưa đi làm phim, phơi kẽm và cho vào máy in màu.
Các loại tiền đồng, xu, tiền chinh cũng thực hiện những công đoạn in như tiền vàng. Tuy nhiên, mẫu mã và hình dáng có khác nhau. Thường là giấy hình vuông, khoảng 30x50cm, màu vàng nhạt. Đa phần tiền xu được in lưới, màu đỏ đậm, được xếp thành từng tệp nhỏ trước khi lên xe ra chợ Long Biên - một địa điểm trung chuyển quan trọng của “Ngân hàng âm phủ” phát hành ra khắp mọi vùng miền của đất nước.
Trăn trở chốn trần ai
Yên Hoà có khoảng 4.000 hộ, trong đó khoảng 400 hộ còn tiếp tục theo nghề làm tiền giấy. Tính sơ qua, mỗi ngày như vậy có khoảng trên dưới 4 tấn giấy thành phẩm đưa ra thị trường vàng mã. Hàng tháng, trừ chi phí các khoản, một hộ làm bình thường thì lãi thu về cũng không dưới 4 triệu đồng. Còn những chủ lớn thì con số không chỉ dừng lại ở đó.
Trong vài năm trở lại đây, một số chủ lớn của làng tìm hướng sản xuất mới: hướng ra xuất khẩu. Cán bộ Văn hoá thông tin của phường Yên Hoà điểm qua một vài nhà làm hàng xuất khẩu sang Malaysia, Đài Loan, Singapore... Tuy nhiên, số lượng cũng chỉ dừng lại ở những con số nhỏ.
Một điều khá kỳ lạ là những người làm nghề rất ngại tiếp xúc với báo chí, truyền thông, kể cả những hộ sản xuất lớn, có cota xuất khẩu. Bởi trước đây từng có một vài tờ báo lên tiếng đề nghị Chính phủ nên cấm nghề này... Theo chúng tôi, mỗi nghề tồn tại đều có nhu cầu và sự hợp lý của nó. Tuy nhiên, không thể để phát triển một cách tự phát mà phải có kế hoạch, quy hoạch cụ thể của Nhà nước. Phải tính toán sao cho một lượng sản phẩm vừa đủ cung cấp cho thị trường trong nước, không để sản xuất quá lớn, đưa ra thị trường một lượng giấy tiền lớn như vậy chỉ để... đốt thành tro bụi.
----------------------
Tổng Thư ký Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, GS.TS KH Tô Ngọc Thanh:
Hãy coi việc sản xuất cũng như đốt vàng mã, tiền giấy là một hình thái văn hoá, nhưng là văn hoá tâm linh. Vì sao? Bởi khi cha ông ta chết đi không phải là mất đi mà tồn tại ở một dạng khác, đó là thế giới linh hồn. Cho nên nó về tâm linh, tín ngưỡng, lòng biết ơn đối với những người đã khuất.
Chúng ta nói cấm, điều này hoàn toàn sai, mâu thuẫn với chính lòng mình. Nhưng phải biết dừng ở điểm nào, tức là thành tâm, thật lòng với những người đã khuất chứ không phải quan niệm sai lầm là cứ nhiều về số lượng là thành tâm, hay là cứ đốt nhiều là cầu gì được nấy... Nhà nước nên định hướng về hoạt động này...
Bình luận (0)