Trong chương trình, được xem là live show của chặng đường 40 năm bền bỉ với sân khấu, NSƯT Thanh Tuấn sẽ thể hiện bài vọng cổ anh viết về quãng đời dấn thân vào nghiệp cầm ca.
15 tuổi được làm giao liên
Ít ai ngờ người nghệ sĩ lãng mạn như anh lại có hơn 1 năm ăn cơm cách mạng, đi làm giao liên. Anh kể: “Ở quê tôi, nhà nhà đều theo cách mạng. Năm lên 15 tuổi, tôi được các chú, các bác kết nạp vào đội giao liên thuộc thôn Thủy Triều, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Tôi luôn tự hào vì cha tôi là cán bộ tập kết ra Bắc từ năm 1954. Nên từ nhỏ mẹ tôi đã dạy phải nuôi ý chí quật cường của một gia đình cách mạng. Hồi nhỏ tôi gan lì lắm, ngoài việc làm công tác giao liên, tôi còn tham gia văn nghệ và là "cây đinh" của đội ca xã".
Năm 16 tuổi, Thanh Tuấn theo gia đình vào miền Nam vì mẹ và các em của anh không thể chịu đựng được sự tra hỏi của bọn mật thám về thằng nhỏ giao liên thường cải trang để đưa bộ đội vượt trạm. Đêm rời khỏi Quảng Ngãi, anh phải đi đường rừng suốt mấy ngày đêm mới đón được xe chở than xin quá giang vào Sài Gòn.
NSƯT Thanh Tuấn |
Để có thể sống và nuôi mẹ cùng các em ở đô thành xa hoa, đắt đỏ này, cậu bé Nguyễn Thanh Liêm (tên thật của NSƯT Thanh Tuấn) phải đi làm nghề đan ghế mây ở Chợ Lớn. Vô tình, ngôi nhà bán ghế mây lại nằm sát bên một quán ăn, mỗi tối sau khi xong việc, cậu bé Thanh Liêm thường nghe vọng cổ, cách ca, cách nói của các nghệ sĩ. Và thế là cải lương đã nhiễm vào cậu tự lúc nào không biết. Điều lạ là chưa bao giờ cậu biết tên những nghệ sĩ đã hát trong dĩa, cho đến một ngày cậu quyết tìm đến địa chỉ quảng cáo trên một tờ báo: “Nhạc sĩ Bảy Trạch ở cầu chữ Y, dạy ca theo nhịp đờn”.
Thanh Liêm không bằng Thanh Tuấn
NSƯT Thanh Tuấn đã gặp nhiều gian nan, thử thách khi bước vào nghề diễn viên. Anh kể thời gian vừa đi đan ghế mây, vừa đi học ca theo nhịp đờn do thầy Bảy Trạch dạy, có nhiều bữa bụng đói, chân run nhưng vẫn đi bộ từ Chợ Lớn (quận 5 ngày nay) đến cầu Chữ Y để học. Anh học cùng thời với cậu bé Nguyễn Văn Vưng (tức NSƯT Minh Vương) nhưng không có điều kiện để dự thi giải Khôi Nguyên vọng cổ. Tuy nhiên, năm 1964, khi Minh Vương đã đoạt giải nhất, thì Thanh Tuấn với nghệ danh Thanh Liêm đã là một anh kép trẻ được các gánh hát trung ban miệt lục tỉnh yêu quý. Anh bôn ba tứ xứ, nơi nào cũng là nhà, khi hát đình, ngủ chợ, có lúc phải lặn hụp mò cua, bắt ốc để vượt qua cơn đói, hoặc làm ruộng phụ nhà nông để có cơm ăn khi gánh hát gặp mùa mưa, Thanh Liêm vẫn không hề than vãn. Anh hăng hái và dũng cảm, dám đối đầu với “cai đầu dài” chuyên bóc lột nghệ sĩ, ăn chặn tiền công anh em. Sẵn có máu giao liên cộng thêm nghề võ, học được từ các chú văn công trong chiến khu, chàng thanh niên Thanh Liêm thời đó đã từng cho bọn “cai đầu dài” no đòn khi chúng ức hiếp một nhạc sĩ nghèo.
Anh đi hát với nghệ danh Thanh Liêm không nổi tiếng, nên năm 1967 khi anh đầu quân về Hãng dĩa Việt Nam, anh đã đổi nghệ danh là Thanh Tuấn.
“Trường phái” ca như Thanh Tuấn
Có lẽ nhờ vốn sống gan lì, gai góc mà các vai diễn của NSƯT Thanh Tuấn đều thể hiện được bản lĩnh dám sống, dám đối mặt với gian nan. Những vai diễn mang số phận khắc nghiệt như: Nguyễn Trãi (Rạng ngọc Côn Sơn), một nghi án làm tốn hao rất nhiều giấy mực của các nhà nghiên cứu; một chàng Tuấn khốc liệt, gian truân trong Lỡ bước sang ngang; một kép hát Châu Tuấn giàu lòng can đảm và có một trái tim nhân hậu (Khúc ly hương), một thái tử Ngũ Châu coi thường sự dũng mãnh, kính trọng lòng nhân từ (Đường gươm Nguyên Bá), một A Khắc Chu Sa dám hy sinh vì tình yêu (Người tình trên chiến trận), một đại úy Huy Bình tìm về chính nghĩa (Tìm lại cuộc đời)... Vốn sống của anh còn thấm đẫm trong những bài ca cổ do chính anh sáng tác. Đến nay đã có hơn 70 bài ca cổ viết về quê hương, đất nước, con người mà Thanh Tuấn đã cảm nhận bằng cái chất dân dã, thể hiện rõ cốt cách của một nghệ sĩ yêu cái đẹp đúng nghĩa.
Trên thực tế, các bài ca cổ đã đi vào huyền thoại với giọng ca Thanh Tuấn, như: Dòng sông quê em (Trương Quang Lục, Huyền Nhung), Cung đàn mới (Ngô Hồng Khanh), Cô gái tưới đậu (Trần Nam Dân), Chuyến xe Tây Ninh (Thanh Hiền), Nhớ Nha Trang (Minh Thùy)... và là chất xúc tác để anh tự tin sáng tác Mặt trời đêm, Tình đồng hương, Thủy triều quê nội… Điều đặc biệt là tính đến thời điểm này, Thanh Tuấn đã có hơn 20 nghệ sĩ đàn em trên khắp mọi miền đất nước học theo. Soạn giả Viễn Châu nói: “Sống một đời nghệ sĩ như Thanh Tuấn thiệt bảnh, những lúc tôi đi chấm thi ở các tỉnh ĐBSCL, trong bất cứ cuộc thi ca cổ nào cũng có thí sinh nam luyến láy, nhả chữ, ca theo hơi của Thanh Tuấn”. Quả thật, 20 "tín đồ" đi theo trường phái ca và luyến láy, ngân nga của Thanh Tuấn hiện nay có thể kể: Chung Tuấn, Lương Tuấn, Ngân Tuấn, Điền Tuấn, Vũ Tuấn, Minh Minh Tuấn, Khánh Tuấn, Nghi Tuấn, Khắc Tuấn, Vũ Minh Tuấn, Trọng Tuấn, Sĩ Tuấn... và hàng loạt các “Tuấn” đang là kép chánh của các đoàn cải lương trong Nam, ngoài Bắc. N
Cái “tát” đáng nhớ
NSƯT Thanh Tuấn kể rằng có rất nhiều bài báo ca ngợi anh khi tên tuổi của anh vừa lóe sáng trên bầu trời sân khấu và làng dĩa nhựa Sài Gòn trước 1975. Thế nhưng có một bài báo anh còn lưu giữ trong bộ sưu tập của mình, ký tên: Người hâm mộ. Trong đó người viết thẳng thắn phê phán sự luyến láy không cần thiết khi anh ca về nỗi thương tâm trước cái chết của mẹ trong một vở tuồng xã hội. Với Thanh Tuấn thời đó là một “cái tát đáng nhớ”. Ban đầu anh căm giận người viết, lên án báo giới cố tình đả kích anh, nhưng về sau này anh suy nghĩ và xác nhận: “Đúng như lời phê bình nặng ký đó, tôi chưa thoát khỏi ưu thế khoe giọng, cố luyến láy mà quên mất mình đang khóc mẹ. Bài báo đó theo tôi vào đời, giúp tôi biết tiết chế, khi nào cần thiết mới “hoa, lá, cành” trong cách ca vọng cổ, còn lại thì phải trung thành với kịch bản, chung thủy với tính sâu lắng của bài vọng cổ”.
Bình luận (0)