Sinh Tồn là đảo xa nhất nằm ở phía Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng dường như lại là một trong những đảo giàu sức sống nhất. Nhìn từ xa, Sinh Tồn như một khu vườn xanh ngát giữa biển khơi.
Tốt hơn tưởng tượng
Xã đảo Sinh Tồn có 7 hộ gia đình sinh sống liền kề nhau trong những căn nhà rộng rãi, khang trang. Mỗi gia đình đều được hỗ trợ gần như đầy đủ vật dụng, tiện nghi phục vụ cả đời sống vật chất lẫn tinh thần như: tivi màn hình phẳng, tủ lạnh, tủ thờ, bàn ghế…
Mỗi hộ dân ở Sinh Tồn còn được cấp một thuyền thúng để đánh bắt hải sản. Anh Nguyễn Minh Châu, một trong những người dân sống trên đảo Sinh Tồn, cho biết trừ những hôm biển động, còn lại ngày ngày anh đều chèo thuyền đi đánh bắt hải sản. Gia đình anh còn trồng rau, nuôi gà… để cải thiện đời sống.
“Trước khi chưa ra Trường Sa, chúng tôi nghe nói sống ở đảo cực lắm, thiếu thốn đủ thứ, nhất là điện và nước, nên rất ngại. Không ngờ, khi chúng tôi ra đảo sinh sống, mọi điều kiện đều tốt hơn tưởng tượng. Tụi nhỏ có điện xem tivi, xài quạt mát. Tủ lạnh của gia đình chạy suốt ngày nên con cá, miếng thịt được bảo quản tốt, bữa ăn cũng vì vậy mà ngon, vui hơn” - anh Châu phấn khởi.
Đảo Trường Sa Lớn cũng gần như được cấp điện 24/24 giờ từ nguồn năng lượng gió và mặt trời. Toàn đảo có khoảng 20 tua-bin năng lượng gió và hàng trăm tấm pin năng lượng mặt trời, trung bình mỗi giờ gom được 135 KW điện. Trong đó, dòng điện gió chiếm 70%, còn lại lấy từ năng lượng mặt trời. Nhờ vậy mà sau 8 năm kể từ khi lắp đặt hệ thống điện, Trường Sa Lớn luôn rực sáng ánh đèn.
Trung úy Đinh Quang Bảy, chỉ huy xe tăng đảo Trường Sa Lớn, kể trước đây, khi quần đảo Trường Sa còn “khát” điện, quân dân trên đảo chỉ được sử dụng điện khoảng 3,5 giờ mỗi ngày (từ 18 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút). Nguồn điện lúc đó chủ yếu phát bằng máy nổ chạy dầu diesel nên vừa tốn kém vừa ô nhiễm môi trường. Giờ đây, nguồn điện sạch đã giúp cho Trường Sa thay da đổi thịt.
“Đảo được thắp sáng hằng đêm, các chiến sĩ được xem thời sự, được nghe đài đều đặn. Nhiều sinh hoạt tập thể cũng như công tác khám chữa bệnh đã thuận tiện hơn rất nhiều.
Tuy các bình ắc-quy dùng để tích trữ điện có tuổi thọ trung bình chỉ khoảng 3 năm rưỡi nhưng do thường xuyên được quan tâm bảo dưỡng, thay mới nên việc cung ứng điện không gặp trục trặc gì. Vào mùa không có gió thì điện hạn chế hơn nhưng riêng việc cấp điện cho các phụ tải liên quan đến máy móc, thiết bị cần thiết phải vận hành thì luôn được đáp ứng” - anh Bảy khẳng định.
Tiếp tục phát triển hệ thống điện
Đoàn công tác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tới thăm Trường Sa lần này đã tiến hành khảo sát hiện trạng hệ thống năng lượng mặt trời và điện gió trên mỗi đảo để đề xuất EVN tham gia đầu tư, quản lý, vận hành cung ứng điện cho các điểm đảo. Theo ghi nhận, với thời gian nắng trên đảo lên đến khoảng 300 ngày/năm và nguồn năng lượng gió phong phú, không chỉ Sinh Tồn, Trường Sa Lớn mà hầu như tất cả các đảo chìm, đảo nổi khác và Nhà giàn DK1 đều cơ bản được đáp ứng đủ điện cho nhu cầu sinh hoạt, vận hành thiết bị, khám chữa bệnh, liên lạc, cập nhật thông tin đất liền…
Tuy nhiên, dù nắng, gió là nguồn tài nguyên vô tận để thắp sáng những đảo chìm, đảo nổi trong quần đảo Trường Sa nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt với gió nhiều và nguồn nước bị nhiễm mặn nên hầu hết các thiết bị đều có tuổi thọ ngắn. Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, cho biết việc tích lũy điện là bài toán khó bởi các bình ắc-quy chỉ giữ được khoảng 5-7 giờ. Chưa kể, ắc-quy trữ điện dễ bị hư hỏng nên gặp những thời điểm ít gió, nhiều đảo không có điện vào ban đêm.
Tốc Tan C là một trong những điểm đảo có số lượng ắc-quy tích điện đã hết thời hạn khấu hao rất lớn. Trung úy Nguyễn Đức Anh, phụ trách kỹ thuật điện, vốn được ví như “con ong” cần mẫn khi mỗi ngày đều thu xếp, kiểm tra, sửa chữa, khắc phục các sự cố đối với hệ thống pin năng lượng mặt trời và ắc-quy tích điện một cách chu đáo. Nhờ vậy mà trong nhiều năm qua, điện trên điểm đảo này luôn được bảo đảm. “Nhưng ắc-quy tích điện đã hỏng sạch rồi. Bình thường, mỗi tấm pin sau khi lắp đặt chỉ dùng được khoảng 2-3 năm nhưng sử dụng đến giờ đã 6 năm nên hết khấu hao quá lâu” - anh băn khoăn.
Theo ông Phạm Mạnh Thắng, thành viên Hội đồng Thành viên EVN, cần nâng cấp, thay thế hệ thống ắc-quy để việc lưu trữ điện được tốt hơn, đồng thời bổ sung các nguồn năng lượng mặt trời, điện gió trên cơ sở đánh giá kỹ nhu cầu điện thực tế của các đảo. “Trong thời gian tới, EVN sẽ thống nhất với Bộ Tư lệnh Hải quân và báo cáo Chính phủ thông qua chủ trương để tập đoàn tham gia bảo đảm cung cấp điện cho các điểm đảo trên quần đảo Trường Sa” - ông Thắng cho biết.
Đồng hành với quân dân Trường Sa
Trong chuyến đi Trường Sa lần này, EVN cùng các đơn vị thành viên đã đến thăm, động viên tinh thần, tặng quà cho quân và dân tại 14 đảo, điểm đảo trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 với trị giá 800 triệu đồng. EVN còn tài trợ xây dựng nhà văn hóa đa năng bằng nguồn kinh phí đóng góp của 106.000 CB-CNV toàn tập đoàn. Ngoài ra, những đơn vị thành viên EVN đã và đang tiếp tục ủng hộ các vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ tại nhà văn hóa đa năng.
“Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục đồng hành với quân và dân Trường Sa để sẻ chia những khó khăn, vất vả, thiếu thốn về vật chất và tinh thần của chiến sĩ và nhân dân trên đảo” - ông Phạm Mạnh Thắng bày tỏ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-6
Bình luận (0)